Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Ngành GTVT đã và đang đồng lòng phát huy tinh thần đi trước mở đường

Thứ hai, 31/01/2022 08:10

Năm 2021 đi qua với vô vàn khó khăn, đặc biệt là đối với Ngành Giao thông vận tải. Tuy nhiên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, trong khó khăn, chúng ta sẽ có giải pháp, khó khăn càng nhiều càng phải quyết tâm, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết thống nhất để cùng nhau vượt qua.
Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT đã ghi lại những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GTVT về mục tiêu, nhiệm vụ cũng như thuận lợi khó khăn của Ngành GTVT trước thềm năm mới Nhâm Dần, xin trân trọng giới thiệu tới độc giả.


Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Xin Bộ trưởng cho biết, năm 2021 Ngành GTVT đã đi qua khó khăn như thế nào và kết quả đáng kể nhất là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Cùng với khó khăn chung của toàn xã hội thì ngành GTVT đặc biệt khó khăn trong việc đảm bảo giao thông, làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi cung ứng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là một bài toán khó.

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp, hết sức quyết liệt. Trong thời điểm dịch bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, hàng ngày, hàng tuần Bộ đều họp trực tuyến với các địa phương để kịp thời giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh, đảm bảo giao thông thông suốt.

Thật vui mừng là đến cuối năm 2021, sản lượng hàng hoá thông qua cảng vẫn tăng 4%. Xuất nhập khẩu trở thành mũi nhọn lớn, quan trọng nhất cho phát triển kinh tế xã hội. Tôi cho rằng đây là thành tựu lớn nhất của ngành GTVT trong năm 2021.

Thành tựu thứ hai, theo tôi là việc 5 quy hoạch ngành GTVT là 5/37 ngành của cả nước được hoàn thành trong năm 2021.

Thay vì mỗi lĩnh vực làm quy hoạch ở một thời điểm khác nhau như trước đây, lần đầu tiên Ngành Giao thông đã quy hoạch đồng thời 5 lĩnh vực, giúp cho việc đánh giá tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực được hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện thực tiễn hơn.


Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT và các đại biểu

cắt băng khánh thành đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả

Trong năm, Bộ GTVT đã tập trung hoàn thành, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Riêng chuyên ngành còn lại về hàng không sẽ được Thủ tướng phê duyệt trong thời gian tới.

Thứ ba, lần đầu tiên kể từ khi thực hiện Luật Đầu tư công, ngành GTVT đã giải ngân được 40 nghìn tỷ đồng, so với con số 31 nghìn tỷ của năm 2020. Cần phải nói rằng, kết quả khả quan này có được trong bối cảnh hết sức khó khăn, nhiều công trình dự án nằm trong vùng dịch.

Thứ tư, nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã được hoàn thành, đưa vào khai thác đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Cần phải nói rằng, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2021, Bộ GTVT đã tập trung, chỉ đạo quyết liệt công tác thực hiện, giải ngân các dự án, đặc biệt đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm của ngành (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cải tạo đường hạ cất cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách...).

Hàng tháng, Bộ GTVT đều nằm trong số các bộ, ngành đạt tỷ lệ cao so với bình quân chung cả nước.

Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021-2025 cũng được ngành GTVT làm rất kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng hồ sơ và tiến độ được giao, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A phải trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Đảm bảo ATGT cũng là một trong những điểm sáng của ngành GTVT trong năm 2021, tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu cả 3 tiêu chí từ 10 - 20%...

Việc phân cấp phân quyền, tinh giản biên chế cũng được thực hiện hết sức quyết liệt.

Chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại cũng là một trong những nội dung được Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo hàng đầu.

Nhận thức về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại tại các cơ quan có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đánh giá xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GTVT xếp thứ 9 về chỉ số chuyển đổi số và xếp hạng A (cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) về chỉ số an toàn thông tin mạng.

Là người đứng đầu Ngành GTVT, Bộ trưởng có hài lòng với kết quả đạt được trong năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Thành tích của ngành GTVT là thành tích của cả tập thể, lãnh đạo Bộ chỉ đóng vai trò cầu nối.

Nhìn lại năm 2021, tôi có thể khẳng định trong ngành GTVT đã có nhiều chuyển biến, có sự thay đổi lớn về tư duy, có khó khăn là khắc phục, phải tập trung, linh hoạt các giải pháp để khắc phục.

Cũng nhờ vậy mà vượt qua rất nhiều khó khăn, chúng ta đã đạt được kết quả đột phá trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu nói hài lòng hay không thì chúng ta chưa bao giờ hài lòng.

Sinh thời Bác Hồ nói, giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ.

Nếu nhìn vào tốc độ giải ngân, nhìn vào quy hoạch, nhìn vào đảm bảo giao thông, có thể chúng ta hài lòng vì đã đạt được những kết quả nhất định. Nhưng nhìn vào tình hình vận tải của cả nước, trong đó có lĩnh vực hàng không, đường sắt, đường thuỷ, lãnh đạo Bộ còn rất nhiều trăn trở vì chưa giúp được nhiều các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Ngành GTVT vẫn đang tiếp tục cùng với các doanh nghiệp, cố gắng đưa ra các giải pháp, làm sao để mọi thứ tốt hơn trong năm 2022.

Xin Bộ trưởng cho biết Bộ GTVT sẽ triển khai các giải pháp nào trong năm 2022 để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “không vì lý do gì để chậm tiến độ cao tốc Bắc - Nam”?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, lúc đầu Quốc hội thống nhất thực hiện 3 dự án đầu tư công và 8 dự án PPP. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn trong lực chọn nhà đầu tư. Do vậy, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 117 chuyển 3 dự án đầu tư công sang hình thức PPP và Nghị quyết 1213 chuyển thêm 2 dự án nữa. Như vậy, đến thời điểm này, có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án PPP.

Bộ GTVT đã giám sát và đánh giá 8 dự án đầu tư công thực hiện theo 3 Nghị quyết của Quốc hội đều đảm bảo được tiến độ yêu cầu. Riêng 3 dự án PPP đều rất khó khăn trong việc thu xếp vốn tín dụng.

Trong giai đoạn 2, ban đầu, Thủ tướng Chính phủ dự kiến đầu tư toàn bộ 12 dự án này theo hình thức PPP. Tuy nhiên, trên cơ sở cân nhắc, xem xét nhiều yếu tố trong đó có việc thu xếp vốn khó khăn trong khi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 nêu rõ đến 2025 phải hoàn thành cao tốc Bắc - Nam, chúng ta đã tham mưu và được Uỷ ban ban thường vụ xem xét, sắp tới sẽ trình Quốc hộ để xin biểu quyết thực hiện toàn bộ 12 dự án này theo hình thức đầu tư công. Sau đó, chúng ta sẽ tổ chức đấu giá, bán quyền thu phí để thu vốn lại cho nhà nước.

Tôi cho rằng đây là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng. Nếu Quốc hội chấp thuận, Bộ GTVT sẽ nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cố gắng thực hiện xong trong năm 2025.

Đặc biệt, có 2 dự án là Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn thực hiện từ năm 2018 đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Rút kinh nghiệm từ 2 dự án này, cùng với các cơ chế đặc thù được Quốc hội, Chính phủ cho phép trong đó có việc chỉ định thầu tư vấn lập dự án, thiết kế, chúng ta có thể rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư xuống 6 tháng.

Một trong những việc hiện nay được đặc biệt quan tâm khi lập 12 dự án này là các mỏ vật liệu đất, cát...vốn là những vấn đề khó khăn trong thời gian qua.

Trong quá trình triển khai Dự án, Bộ GTVT luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ. Đây là điều kiện tiên quyết để Ngành GTVT triển khai và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao không chỉ với riêng Dự án này.

Với sự quyết tâm cao, nỗ lực của Lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành GTVT bên cạnh sự phối hợp của các Bộ, ngành địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn chúng ta sẽ triển khai các dự án này đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng đặt ra.

Kết quả giải ngân của Bộ GTVT hiện đang được đánh giá rất tốt trong số các bộ, ngành, địa phương. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ GTVT đã có những giải pháp nào để có thể đạt được kết quả này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Năm 2021, chúng ta đã giải ngân đạt 96% kế hoạch. Để có kết quả này, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2021 chúng ta đã quyết liệt triển khai.  Bộ trưởng đều trực tiếp họp giao ban hàng tháng. Các đồng chí Thứ trưởng hai tuần họp một lần. Các Ban QLDA, các vụ, cục chức năng mỗi tuần họp một lần để kiểm điểm tiến độ, chất lượng, chấn chỉnh những việc, những dự án chưa đạt yêu cầu.


Công nhân miệt mài tại công trường ngày giáp Tết

Một trong những giải pháp quan trọng khác là chúng ta đã thực hiện việc điều chuyển vốn tại những dự án chậm, tiến độ, những dự án khó khăn, đảm bảo điều hoà vốn cho những dự án triển khai tốt.

Bộ GTVT cũng rất quyết liệt với các nhà thầu, có hình thức cảnh cáo lần 1, lần 2, lần 3, kiên quyết xử lý nhà thầu chậm tiến độ mà không có giải pháp khắc phục.

Thứ tư, Ngành GTVT phối hợp chặt chẽ với địa phương để sớm có mặt bằng sạch, cùng với địa phương tiến hành đền bù, GPMB.

Khi có những khó khăn xảy ra, như việc thiếu vật liệu nghiêm trọng tại các dự án trọng điểm quốc gia, chúng ta đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133, phối hợp với địa phương để khai thác các mỏ đất cung ứng cho dự án.

Mặc dù trong năm 2021 có rất nhiều công trình dự án của Ngành nằm trong vùng dịch nhưng Bộ GTVT đã thực hiện quản lý cán bộ, quản lý công trường để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh. Khi có vaccine, chúng ta đã tranh thủ cung cấp vaccine cho công trường...

Năm  qua, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến các lĩnh vực vận tải của ngành GTVT, đặc biệt là đối với hàng không, đường sắt, đường bộ. Ngành GTVT sẽ tháo gỡ những khó khăn này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Vận tải là lĩnh vực bị tác động nhiều nhất bởi dịch Covid-19, trong đó có vận tải đường bộ, hàng không và đường sắt.

Chúng ta đã và đang từng bước khôi phục vận tải đường bộ để phục hồi, phát triển kinh tế. Cũng xin khẳng định rằng trong những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chỉ có vận tải hành khách đường bộ bị hạn chế. Vận tải hàng hoá hoàn toàn được tạo điều kiện thông suốt.

Khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, vaccine được tiêm phủ, Bộ GTVT đã ban hành các kế hoạch khôi phục vận tải hành khách nội địa.

Đến thời điểm này, vận tải nội địa đã có bước phát triển đột phá, đảm bảo được 60 - 70% so với thời điểm cuối năm 2019.

Tôi cho rằng với việc thực hiện tốt chiến lược vaccine, vận tải đường bộ trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ ít bị ảnh hưởng, sẽ phát triển tốt.

Đối với Đường sắt, vốn có thế mạnh là vận tải hành khách. Tuy nhiên, khi vận tải hành khách bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Bộ GTVT khuyến khích vận tải hàng hoá thì vận tải hàng hoá Bắc - Nam đã có sự phát triển đột phá. Đặc biệt, chúng ta đã mở được một số tuyến hàng hoá đi Châu Âu qua Trung Quốc. Sắp tới, Bộ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đường sắt, ban hành một số thông tư, tham mưu Chính phủ ban hành một số cơ chế để TCT Đường sắt VN có thể điều chỉnh chiến lược, tập trung vận chuyển hàng hoá trong nước, quốc tế. Tôi cho rằng, trong năm 2022, đường sắt sẽ bớt khó khăn hơn.

Riêng lĩnh vực hàng không, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, hàng không đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các giải pháp linh hoạt đã được áp dụng, trong đó có việc tập trung vận chuyển hàng hoá.

Vừa qua, khi dịch dần được kiểm soát, chúng ta đã từng bước mở lại vận tải nội địa. Riêng vận tải hành khách quốc tế, Bộ GTVT, Cục Hàng không đã làm việc với rất nhiều nước để nối lại các đường bay quốc tế. Với việc tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao như hiện nay, chúng ta có niềm tin là vận tải hàng không sẽ bớt khó khăn hơn rất nhiều trong năm 2022.

Thưa Bộ trưởng, Bộ GTVT sẽ có những giải pháp gì để cụ thể hoá 5 quy hoạch Ngành vừa được phê duyệt một cách hiệu quả?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sau khi lập các quy hoạch ngành, công bố quy hoạch, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là triển khai thực hiện các quy hoạch. Chúng ta sẽ phải xây dựng đề án để thực hiện những quy hoạch này.

Cũng để thực hiện quy hoạch, ngoài việc bố trí ngân sách nhà nước, cần có cơ chế để thu hút vốn ngoài nhà nước. Trong quy hoạch có rất nhiều đột phá, rất cần vốn đầu tư, cần sự đồng hành của doanh nghiệp.

Như trong lĩnh vực hàng hải, Ngành đặt ra 3 mũi nhọn. Thứ nhất phải hình thành cảng mới Trần Đề. Ở phía Bắc, Ngành đặt mục tiêu hình thành cảng Nam Đồ Sơn, một cảng mới hoàn thành, dự kiến khi hoàn thành đưa vào khai thác, cùng với cảng Lạch Huyện sẽ tạo nên đột phá cho phía Bắc.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, chúng ta có cảng Cái Mép - Thị Vải. Ngành ta đang tập trung đưa cảng này trở thành cảng trung chuyển của Việt Nam, gom hàng để chuyển tải ra nước ngoài.

Với những cảng này Bộ đều định hướng sẽ xã hội hoá, doanh nghiệp làm chứ nhà nước không làm. Muốn vậy, Bộ đang xây dựng cơ chế, tham mưu Chính phủ.

Về hàng không, chúng ta đang tập trung chỉ đạo, điều hành đang triển khai dự án HKQT Long Thành, đảm bảo hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025 đúng như Nghị quyết của Quốc hội.

Ở phía Bắc, Bộ GTVT đang phối hợp với Hà Nội chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài, nâng công suất lên 100 triệu khách/năm.

Về đường bộ, đến năm 2030, chúng ta phải có 5.000km đường cao tốc. Trong khi hiện tại mới có 1.163km. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000km. Ngành đã và đang rất tích cực triển khai. Tuy nhiên, nguồn vốn nhà nước là có hạn. Do vậy, chỉ dùng ngân sách nhà nước cho những những dự án trọng điểm, đột phá. Còn những dự án có tính thương mại cao như VĐ3, VĐ4 TP.HCM, VĐ4 Hà Nội, những dự án ở khu vực miền Đông Nam bộ, có nhiều khu công nghiệp, Bộ sẽ tham mưu các cơ chế để thu hút nguồn lực, đề xuất hình thành các quỹ giúp cho các nhà đầu tư tiếp cận, triển khai quy hoạch.

Tóm lại, nhiệm vụ quan trọng nhất của năm 2022 và những năm tiếp theo là chúng ta phải cụ thể hoá được 5 quy hoạch ngành. Bộ sẽ đề xuất cơ chế đặc thù để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để nhà đầu tư tiếp cận vốn, tạo “sân chơi” cho nguồn vốn xã hội hóa rót tiền đầu tư, triển khai các quy hoạch, tạo tiền đề phát triển cho đất nước.

 Năm 2022 Bộ GTVT  đã đặt ra những mục tiêu và giải pháp như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Căn cứ vào kế hoạch năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025, có thể thấy, trong một khoảng thời gian ngắn là 4 năm, Bộ GTVT phải đạt mục tiêu đột phá trên cả 5 năm lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, hàng hải và hàng không.

Để thực hiện được điều này, Bộ GTVT hết sức mong muốn Trung ương, Chính phủ, quốc hội, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đồng hành cùng ngành GTVT, gỡ vướng về cơ chế, chính sách, trong đó có việc bố trí vốn, phân khai vốn, GPMB, tái định cư…

Với cán bộ trong ngành GTVT, tôi kêu gọi tất cả đồng lòng phát huy tinh thần đi trước mở đường. Trong khó khăn, chúng ta sẽ có giải pháp, khó khăn càng nhiều càng phải quyết tâm, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết thống nhất để cùng nhau vượt qua.

Sáng 27/1 tại công trường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Bộ GTVT đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xuân Nhâm Dần trên các công trường giao thông”. Tại đây, Lãnh đạo Bộ và Công đoàn Ngành GTVT đã yêu cầu các Ban QLDA cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công bằng kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý và thi công các dự án trọng điểm quốc gia phát huy sức mạnh tập thế cố gắng, sáng tạo và quyết tâm cao hơn nữa đảm bảo hoàn thành công trình với chất lượng cao, tiến độ nhanh nhất để sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư…


Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt kêu gọi thi đua
phát huy truyền thống "đi trước mở đường"  của Ngành GTVT

Bên cạnh đó cũng đề nghị các đơn vị quán triệt và thực hiện đầy đủ các nội dung thi đua đã đăng ký với Bộ GTVT. Xây dựng đầy đủ phương án kế hoạch, giải pháp phù hợp với tình hình và điều kiện của đơn vị. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần chăm lo một cách tốt nhất đời sống, sức khỏe và tinh thần và điều kiện làm việc cho cán bộ, người lao động...

 Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Hoài Lâm

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:215193
Lượt truy cập: 176.188.469