Quá trình thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt
qua xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh)
không bị gián đoạn về nguồn cung VLXD.
Đường bộ cao tốc Bắc – Nam là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong giai đoạn 2017 - 2020, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653 km. Trong số các dự án thành phần, Hà Tĩnh nằm trong cung đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt với chiều dài qua địa bàn huyện Đức Thọ là 4,9 km.
Dù là dự án quan trọng, cấp bách, cần sớm hoàn thành, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công, dự án này đã gặp phải một số khó khăn, mà một trong những vướng mắc là nguồn cung vật liệu xây dựng (VLXD).
Theo tìm hiểu của Báo Hà Tĩnh, 11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 cần nhu cầu VLXD rất lớn với 60,7 triệu m3 đất đắp nền đường, 21,5 triệu m3 đá và 10,8 triệu m3 cát các loại.
Với dự án thành phần đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, kể từ khi được khởi công xây dựng (ngày 22/5/2021) tới
nay, Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp, hỗ trợ với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu trong việc triển khai xây dựng, trong đó chủ động đáp ứng nguồn cung VLXD cho dự án.
Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT Hà Tĩnh) cho hay: Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt giai đoạn 2017 – 2020 đoạn qua địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng khoảng 210 nghìn m3 đất đắp nền đường và khoảng 64 nghìn m3 đá các loại.
Căn cứ theo số liệu tính toán từ các đơn vị, Sở TN&MT đã tiến hành rà soát công suất, trữ lượng các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn huyện Đức Thọ cũng như vùng phụ cận và xác định đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nguồn vật liệu phục vụ việc thi công. Báo cáo về các mỏ khoáng sản sau đó cũng được cung cấp tới chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để khảo sát, lựa chọn, đảm bảo việc thi công được thông suốt.
Bên cạnh 11 dự án thành phần giai đoạn 2017 – 2020, mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 gồm 12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729 km, có tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.
Theo đó, Hà Tĩnh có thêm 104 km đường cao tốc đi qua địa bàn với 3 dự án thành phần là đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 36 km, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54 km và đoạn Vũng Áng - Bùng (Quảng Bình) dài 58 km (đoạn đi qua địa bàn tỉnh dài 14 km).
Để đảm bảo dự án được khởi công, triển khai đúng thời gian đề ra và tránh những vướng mắc tương tự trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương, trong đó có Hà Tĩnh, về việc phối hợp triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn. Trong số các nhiệm vụ được đề cập, có nội dung về điều tra, khảo sát, kiểm tra các mỏ VLXD, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, trữ lượng, phù hợp với yêu cầu của dự án, được đặc biệt lưu tâm.
Theo Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN&MT Nguyễn Văn Thành, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 có 104 km đi qua Hà Tĩnh, dự kiến nhu cầu sử dụng VLXD là 16,9 triệu m3 đất đắp nền đường và khoảng 1,3 triệu m3 đá.
Qua rà soát tại các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh – địa bàn có tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua thì hiện UBND tỉnh đã cấp phép 15 mỏ đất san lấp, tổng công suất khai thác 1,7 triệu m3/năm, tổng trữ lượng khai thác 20,9 triệu m3 và 34 mỏ đá xây dựng, tổng công suất khai thác 5,8 triệu m3/năm, tổng trữ lượng cấp phép 84 triệu m3.
“Như vậy, về trữ lượng các mỏ đất, đá được cấp phép trên địa bàn các huyện có tuyến đường cao tốc Bắc – Nam đi qua và vùng phụ cận cơ bản đã đáp ứng nhu cầu xây dựng” - ông Nguyễn Văn Thành khẳng định.
Tuy vậy, theo Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN&MT thì chất lượng các mỏ đất san lấp chưa được đánh giá cụ thể khả năng đáp ứng về mặt kỹ thuật đối với vật liệu san lấp cho công trình này. Về công suất cấp phép khai thác đất san lấp hằng năm chưa đáp ứng tiến độ xây dựng của dự án đường cao tốc.
Để đáp ứng nhu cầu, Sở TN&MT sẽ có văn bản hướng dẫn các đơn vị đã được cấp phép khai thác đất san lấp trên địa bàn tỉnh thực hiện nâng công suất khai thác để phục vụ thi công dự án đảm bảo tiến độ.
Thời gian qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát và tham mưu bổ sung các khu vực khoáng sản làm VLXD thông thường mới vào quy hoạch, thực hiện cấp phép khai thác phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh, trong đó có tính đến phục vụ xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.
Theo đó, đã bổ sung 3 khu vực đá xây dựng với tổng diện tích 73,2 ha, tài nguyên dự báo 10,980 triệu m3; 34 khu vực đất san lấp với tổng diện tích 495,9 ha, tài nguyên dự báo 59,288 triệu m3 và 7 khu vực cát xây dựng với tổng diện tích 29 ha, tài nguyên dự báo 1,050 triệu m3 vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
“Căn cứ vào khối lượng vật liệu xây dựng (đá, đất, cát, sỏi) cần cung cấp cho dự án đường cao tốc trên địa bàn và trữ lượng, công suất các mỏ khoáng sản đã cấp phép, nếu chưa đáp ứng nhu cầu, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cấp phép phục vụ xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam theo 2 Nghị quyết mà Chính phủ đã ban hành” - Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN&MT Nguyễn Văn Thành thông tin.
Bên cạnh cung cấp thông tin hiện trạng quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản, Sở TN&MT cũng thông tin đầy đủ cho đại diện chủ đầu tư (Ban QLDA Thăng Long - Bộ GTVT) về hiện trạng và quy hoạch các khu, bãi xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh để phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua địa bàn.
Theo đó, về quy hoạch các khu, bãi xử lý chất thải, tính đến năm 2030, dự kiến toàn tỉnh có 7 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Về vị trí chứa, đổ vật liệu thừa từ đất đào không thích hợp (không phải là chất thải nguy hại), Hà Tĩnh đang đề nghị Ban QLDA Thăng Long, đơn vị tư vấn thiết kế cần xác định rõ khối lượng cần đổ thải từ quá trình thi công dự án và phối hợp UBND các huyện, thị xã trên địa bàn khảo sát, đề xuất các vị trí, khoảng cách, quy mô (diện tích, chiều cao, trữ lượng…) đổ thải vật liệu thừa từ đất đào không thích hợp.