Giấc mơ tuyến đường sắt xuyên lục địa
Tuyến đường sắt này đã mở ra cơ hội mới cho giao thương giữa hai bờ nước Mỹ và
tạo tiền đề phát triển thương mại quốc tế. Ảnh: Getty Images
Đầu máy hơi nước đầu tiên của Mỹ ra mắt lần đầu vào năm 1830 và trong hai thập kỷ tiếp theo, nhiều tuyến đường sắt đã được xây dựng kết nối các thành phố ở Bờ Đông.
Đến năm 1850, đã có khoảng 9 nghìn dặm (gần 15 nghìn km) đường sắt được xây dựng ở phía Đông sông Missouri.
Cũng trong khoảng thời gian này, ở bờ Tây nước Mỹ, số lượng người định cư gia tăng, đặc biệt là sau khi phát hiện ra vàng ở California vào năm 1848.
Từ đó, đặt ra nhu cầu di chuyển giữa hai bờ Tây và Đông của nước Mỹ. Trong khi việc di chuyển từ bờ Đông sang bờ Tây bằng đường bộ, băng qua núi, đồng bằng, sông và sa mạc đầy rủi ro và khó khăn, nhiều người đã chọn di chuyển bằng đường biển với hành trình dài 6 tháng vòng qua Cape Horn ở cực Nam Mỹ, hoặc di chuyển qua eo đất Panama và đi tàu đến San Francisco, kéo theo nguy cơ mắc nhiều loại bệnh.
Chính từ nhu cầu cấp thiết phải rút ngắn thời gian xuyên hai bờ nước Mỹ, năm 1845, một doanh nhân người New York là Asa Whitney đã đệ trình ý tưởng lên Quốc hội Mỹ, đề xuất chính phủ tài trợ cho một tuyến đường sắt xuyên lục địa. Dù không thành công tại thời điểm đó, nhưng ý tưởng này đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sau.
Năm 1860, một kỹ sư trẻ tên là Theodore Judah đã tìm hiểu và cho rằng, đèo Donner nổi tiếng ở miền Bắc California (nơi từng có một nhóm người di cư về phía Tây đã bị mắc kẹt vào năm 1846), là một địa điểm lý tưởng để xây dựng tuyến đường sắt xuyên qua dãy núi hùng vĩ Sierra Nevada.
Nếu như Hiến pháp Mỹ là khuôn khổ pháp lý để xây dựng thị trường quốc gia chung duy nhất trong giao dịch hàng hoá, thì tuyến đường sắt xuyên lục địa là nền tảng vật lý để hiện thực hoá điều này.
“Sự kết hợp của hai yếu tố trên đưa nước Mỹ trở thành thị trường lớn nhất trên thế giới, tạo cơ sở cho sự mở rộng nhanh chóng của ngành công nghiệp và nông nghiệp Mỹ đến mức nước này vào những năm 1890 trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất hành tinh”, Henry W. Brands, giáo sư lịch sử tại Đại học Texas nói.
Đến năm 1861, Judah đã thu hút được một nhóm các nhà đầu tư ở Sacramento để thành lập Công ty Đường sắt Trung tâm Thái Bình Dương. Sau đó, ông đến Washington và thuyết phục các nhà lãnh đạo Quốc hội cũng như Tổng thống Abraham Lincoln để sau đó Đạo luật Đường sắt Thái Bình Dương được ký thành luật vào một năm sau đó.
Theo Đạo luật này, Công ty Đường sắt Trung tâm Thái Bình Dương sẽ bắt đầu xây dựng ở Sacramento và tiếp tục về phía Đông, đi qua Sierra Nevada, trong khi công ty thứ hai là Công ty Đường sắt Liên đoàn Thái Bình Dương sẽ xây dựng từ sông Missouri, gần biên giới Iowa - Nebraska và tiếp tục tới khu vực phía Tây.
Hai tuyến đường sẽ gặp nhau ở giữa (dự luật không chỉ định vị trí chính xác) và mỗi công ty sẽ nhận được 6.400 mẫu đất (sau này tăng gấp đôi lên 12.800) và 48.000 USD trái phiếu chính phủ cho mỗi dặm đường được xây dựng.
Trong bối cảnh hai công ty vật lộn với sự cạnh tranh nội bộ nhằm tối đa hoá lợi nhuận và khai thác tối đa đầu tư từ chính phủ thì cuộc nội chiến xảy ra (1861-1865), sự kiện phần nào làm trì hoãn quá trình xây dựng những mét đường ray đầu tiên.
Đến tháng 5/1866, Công ty Đường sắt Liên đoàn Thái Bình Dương bắt đầu những bước đi đầu tiên về khu vực phía Tây, tuy nhiên vẫn vấp phải các cuộc tấn công khốc liệt từ những người Mỹ bản địa - những người lo sợ sự xuất hiện của người da trắng tại vùng đất của họ.
Vượt qua những khó khăn này, Công ty Đường sắt Liên đoàn Thái Bình Dương nhanh chóng xây dựng thêm nhiều km đường sắt tại các vùng đồng bằng, vượt xa tiến độ chậm chạp của Công ty Trung tâm Thái Bình Dương ở khu vực Sierra.
Tuy nhiên, sau khi bổ sung thêm lao động từ châu Á, Công ty Đường sắt Trung tâm Thái Bình Dương nhanh chóng hoàn thành phần việc của mình.
Đến ngày 10/5/1869, các bức điện tín đã được gửi tới Tổng thống Mỹ Ulysses Simpson Grant và người dân khắp nước Mỹ thông báo rằng tuyến đường sắt xuyên lục địa đã được hoàn thành. Hai bên đã đặt gần 2.000 dặm (3.200km) đường ray.
“Thay da đổi thịt” nước Mỹ
Năm 1869, tuyến đường sắt nối hai bờ nước Mỹ chính thức hoàn thành. Ảnh: Getty Images
Việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa mở ra cho miền Tây nước Mỹ cơ hội phát triển nhanh chóng hơn. Sau khi tuyến đường này được hoàn thành, thời gian di chuyển qua 3 nghìn dặm (hơn 4.800km) xuyên nước Mỹ đã được cắt giảm từ vài tháng xuống chưa đến một tuần.
Chi phí để thực hiện một chuyến đi xe ngựa trong 6 tháng giữa hai bờ nước Mỹ từ khoảng gần 1.000 USD được giảm xuống 150 USD với hành trình đường sắt.
Thuận lợi này giúp người Mỹ có thể đến thăm các địa phương xa xôi mà trước đây họ chỉ được… nghe nói đến.
Bên cạnh đó, việc kết nối hai bờ biển của nước Mỹ đã giúp việc xuất khẩu các nguồn tài nguyên giữa hai bờ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Đến năm 1880, tuyến đường sắt này đã vận chuyển được 50 triệu USD hàng hoá/năm. Ngoài việc vận chuyển lương thực và nguyên liệu thô từ bờ Tây đến các thị trường bờ Đông và hàng hóa sản xuất từ các thành phố bờ Đông sang bờ Tây, tuyến đường sắt này cũng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại quốc tế sau này.
Cuộc sống của người Mỹ bản địa đã mãi mãi thay đổi bởi tuyến đường này. Những cuộc di cư mới sau khi tuyến đường sắt liên Lục địa hoàn thành đã khiến cho cuộc chiến giữa người da trắng và người da đỏ sớm kết thúc, bắt đầu một thời kỳ mới với những vùng dành riêng cho người da đỏ bản địa.
Tính đến nay, một số tuyến đường trên tuyến đường sắt xuyên lục địa của Mỹ vẫn hoạt động nhưng nếu xét trên toàn tuyến thì đã dừng phục vụ từ năm 1904 khi có một tuyến khác ngắn hơn ra đời.
Những toa tàu từng được sử dụng trong tuyến đường này lại có kết cục khác nhau. Có toa được dùng để trưng bày trong bảo tàng, có toa bị lưu kho, bị tiêu hủy hoặc chuyển ra bãi phế thải. Ở đó, một số người sẽ mua về tái sử dụng làm nơi ở, nhà hàng, tiệm sách và phổ biến nhất là làm nhà nghỉ.