Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, các Ban quản lý dự án của Bộ GTVT; lãnh đạo UBND tỉnh, thành, Sở GTVT và các địa phương có dự án đi qua cùng tham dự hội nghị.
Đại diện UBND TX Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) và UBND TX An Nhơn (tỉnh Bình Định)
ký biên bản bàn giao mặt bằng với Ban QLDA 85, Bộ GTVT
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án) có 5 dự án thành phần, đi qua 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Đây là một dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, đi qua nhiều địa phương, việc sớm hoàn thành dự án sẽ giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Do vậy, Dự án được phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị.
Cụ thể, Bộ GTVT lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB cho địa phương theo từng giai đoạn, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022. Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt kinh tế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu để đảm bảo tiến độ triển khai Dự án.
Theo Bộ GTVT, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2021-2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua 12 tỉnh, thành phố, với tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỉ đồng. Dự án được chia thành 12 dự án thành phần, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án(QLDA), tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ cắm cọc GPMB và bàn giao hồ sơ cắm cọc GPMB (đợt 1) cho địa phương khoảng 52,1 km (qua 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa). Nhìn chung, việc triển khai dự án cơ bản đang bám sát theo kế hoạch. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại phải hoàn thành để đảm bảo đủ điều kiện phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án còn rất lớn, như: Thủ tục lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ; Lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Lập phê duyệt khung chính sách GPMB; giám sát đầu tư cộng đồng; hồ sơ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ biểu dương những nỗ lực của các ngành, địa phương, đơn vị trong quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, đây là một dự án lớn, có vai trò đặt biệt quan trọng, với một khối lượng công việc rất lớn. Do vậy, đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan, trong đó giao Sở GTVT các địa phương chủ trì, tập trung hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ đề ra. Đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc, cần kịp thời báo cáo, đề xuất để giải quyết sớm, dứt điểm. Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiên cứu các chế độ, chính sách về nhân sự phụ trách, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng; tập trung công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai dự án.