Tất cả ô tô mới bán tại EU sẽ phải trang bị công nghệ 'hỗ trợ tốc độ thông minh' từ năm 2022
Luật mới của Liên minh châu Âu (EU) quy định, kể từ tháng 7/2022, tất cả những mẫu ô tô bán ra sẽ phải lắp đặt công nghệ hỗ trợ thông minh (ISA), hệ thống tự động giảm tốc độ xe theo giới hạn ghi trên biển báo giao thông.
Theo nhà sản xuất, nhờ sử dụng bộ định vị GPS cùng camera tốc độ, công nghệ hỗ trợ thông minh có thể phát hiện biển báo giới hạn và xác định phương tiện có chạy quá vận tốc cho phép trong khu vực hay không.
Trường hợp xe vượt quá tốc độ cho phép, hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo, nhắc nhở tài xế bằng âm thanh, sau đó tự động hạ thấp công suất động cơ mà không cần sử dụng chân phanh. Nếu muốn, tài xế vẫn có thể chủ động nắm quyền kiểm soát phương tiện khi hệ thống thông minh can thiệp.
Ông Matthew Avery, Giám đốc trung tâm nghiên cứu bảo hiểm Thatcham Research cho biết: “Nhiều người muốn chạy xe ở tốc độ an toàn và đúng luật. Tuy nhiên, việc chuyển từ tốc độ giới hạn này sang tốc độ giới hạn khác có thể gây khó khăn và mất tập trung. Do đó, công nghệ thông minh sẽ giúp lái xe an toàn”.
Biển báo giới hạn tốc độ tại Frankfurt, Đức
Hội đồng An toàn giao thông châu Âu cho biết, mỗi năm châu Âu có khoảng 26.000 người tử vong vì tai nạn đường bộ và tốc độ là một trong những nguyên nhân chính. Do đó, công nghệ hỗ trợ tốc độ thông minh được kỳ vọng có thể kéo giảm 30% va chạm trên đường và 20% tỷ lệ tử vong.
Dự án là một phần của sáng kiến ‘Vision Zero’, hướng tới mục tiêu, đến hết năm 2050 sẽ không còn tai nạn chết người trên đường. Từ năm 2024, kể cả ô tô đời cũ cũng bắt buộc trang bị công nghệ này.
Bà Elżbieta Bieńkowska, Ủy viên Hội đồng Châu Âu nhận định: “Tính năng an toàn, tiên tiến sẽ trở thành thiết bị bắt buộc tương tự như hệ thống dây đai an toàn trang bị trên xe”
Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến ủng hộ, quy định bắt buộc lắp thiết bị hỗ trợ tốc độ thông minh cũng nhận không ít quan điểm trái chiều.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu lo ngại, nhiều vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng có thể cản trở việc áp dụng rộng rãi công nghệ mới. Các biển báo tốc độ không được tiêu chuẩn hóa trên khắp châu Âu và thường bị che khuất sẽ khiến thiết bị khó phát hiện. Bên cạnh đó, bản đồ kỹ thuật số thiếu thông tin nhiều tuyến đường bởi dữ liệu không phải lúc nào cũng được cập nhật.
Chính vì vậy, cần có đủ thời gian nâng cấp cơ sở hạ tầng trước khi bắt buộc đưa hệ thống hỗ trợ tốc độ thông minh vào phương tiện.
Biển báo hạn chế tốc độ ở Haute-Saône, Pháp
Theo ông Tim Short, tới từ công ty luật Plexus, mặt trái của công nghệ có thể khuyến khích tài xế luôn lái xe ở vận tốc tối đa cho phép, trong khi tốc độ này không phải lúc nào cũng an toàn. Ngoài ra, tài xế vẫn bị phạt tiền nếu chạy quá tốc độ và không thể giải thích với cảnh sát giao thông rằng hệ thống thông minh chọn không đúng giới hạn hay lỗi phần mềm: “Hệ thống tốc độ thông minh sẽ không phản ứng với điều kiện thời tiết hoặc giao thông khác nhau, do đó có thể gây nguy hiểm cho tài xế”.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Pierre Chasseray, chủ tịch Hiệp hội các tài xế Pháp bày tỏ: “Nếu bạn đang lái xe và công nghệ phát hiện một biển hạn chế tốc độ khi đang ra khỏi cao tốc, khi đó hệ thống có thể tự động giảm tốc gấp và dẫn tới nguy cơ tai nạn".
Hiện nay, trên nhiều tuyến đường, cao tốc ở Việt Nam có gắn camera phạt nguội khiến các tài xế không dám lơ là chân ga khi tham gia giao thông. Để tránh bị phạt nguội, không ít tài xế đã tìm hiểu và sử dụng một số ứng dụng, phần mềm giới hạn tốc độ như HUD hay Lim (Limited Speed) đang bán trên thị trường.
Chức năng của những bộ thiết bị này là kiểm soát tốc độ xe luôn thấp hơn tốc độ giới hạn đã đặt, cho dù người lái có đạp quá chân ga, hệ thống điện tử trên xe cũng không cho phép xe chạy quá tốc độ thiết lập.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không nhất thiết phải sử dụng ứng dụng giới hạn tốc độ nếu tài xế có ý thức lái xe và chú ý quan sát, nắm rõ các biển hiệu giao thông để thực hiện theo đúng quy định. Khi đó tài xế sẽ không dễ dàng dính phạt nguội.