Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kiểm tra thực địa hướng tuyến
các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn Hà Tĩnh gồm có 4 dự án thành phần, được thực hiện qua 2 giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025.
Ở giai đoạn 2017-2020 có dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt với chiều dài đoạn tuyến qua huyện Đức Thọ là 4,84 km. Tới thời điểm này, Hà Tĩnh đã hoàn thành công tác GPMB cũng như các công việc liên quan và bàn giao cho chủ đầu tư triển khai.
Ở giai đoạn 2021-2025, có 3 dự án thành phần đi qua Hà Tĩnh với tổng chiều dài 102,5 km (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 34,5 km; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài 55 km; đoạn Vũng Áng - Bùng dài 58 km, trong đó, đoạn qua Hà Tĩnh dài 13 km) đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã là: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh; tổng mức đầu tư 20.230 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh sẽ có 6 làn xe với vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/h.
Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Anh Sơn cho hay: Quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh, nhất là đoạn qua Khu kinh tế Vũng Áng đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, khó đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc đầu tư, hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nói chung và đoạn cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng nói riêng vào trước năm 2025 như Chính phủ và Bộ GTVT đặt ra là rất cần thiết, cấp bách.
Để đảm bảo cho việc triển khai công trình trọng điểm quốc gia đúng tiến độ, công tác chuẩn bị các điều kiện cho dự án là rất quan trọng, trong đó, việc bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư cần phải kịp thời. Tuy vậy, để mục tiêu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 là điều không hề dễ dàng, bởi khối lượng GPMB của dự án ở Hà Tĩnh là khá lớn.
Theo tính toán, diện tích đất bị ảnh hưởng từ dự án là khoảng 900 ha, di dời 600 hộ dân, 950 ngôi mộ, xây dựng mới 14 khu tái định cư, chuyển mục đích sử dụng 30,81 ha đất rừng phòng hộ, 144,65 ha đất rừng sản xuất, 355,4 ha đất trồng lúa 2 vụ trở lên. Kinh phí thực hiện công tác GPMB toàn tỉnh ước tính 3.900 tỷ đồng.
Quá trình cắm mốc thực địa GPMB dự án
cao tốc Bắc – Nam đoạn Bãi Vọt – Kỳ Anh đang gấp rút triển khai
Để thực hiện các nội dung yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT trong việc chuẩn bị triển khai dự án trên địa bàn, Hà Tĩnh đã chủ động, sớm ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các địa phương có công trình đi qua, các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện với các nội dung công việc có gắn kèm mốc thời gian cụ thể.
Ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh, các địa phương liên quan dự án đã thành lập hội đồng đền bù, GPMB, tiếp nhận hồ sơ, mốc GPMB thực địa giai đoạn 1 của dự án để kiểm đếm, xác định nhu cầu về tái định cư, di dời nghĩa trang, di dời đường điện, viễn thông và các công trình khác. Đồng thời, tiến hành rà soát quỹ đất của địa phương, trên cơ sở các quy hoạch liên quan, đề xuất các khu tái định cư phục vụ công tác GPMB dự án.
“Tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua 7 xã của huyện Thạch Hà với tổng chiều dài 19,69 km. Để nhường đất cho dự án, dự tính có 130 hộ dân, 100 ngôi mộ phải di dời, thu hồi 151 ha đất các loại. Hiện nay, địa phương đang đồng loạt triển khai nhiều nội dung công việc như thông tin, tuyên truyền; đề xuất các địa điểm khảo sát xây dựng 3 khu tái định cư, 1 khu vực di dời mộ; rà soát các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ chất thải”, ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho hay.
Vừa qua, tại một số nơi có hiện tượng người dân trồng cây, xây dựng các công trình trong phạm vi dự án cao tốc để chờ đền bù. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương đã nhanh chóng phát hiện, lập biên bản, đình chỉ vi phạm. Hiện nay, các địa phương đang tích cực tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận, đồng thời kiên quyết ngăn chặn và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm.
Hà Tĩnh đang nỗ lực hoàn thành các phần việc được giao như: tổ chức kiểm đếm, sơ bộ xác định nhu cầu về tái định cư, di dời nghĩa trang, di dời đường điện, viễn thông và các công trình khác; rà soát, tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước 2 vụ trở lên; cung cấp đầy đủ thông tin về vị trí, trữ lượng, công suất khai thác, hiện trạng các thủ tục pháp lý các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; tổ chức kiểm tra các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (không phải là chất thải nguy hại) phục vụ dự án…
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Tĩnh, qua khảo sát thực tế 22 vị trí đề xuất lập quy hoạch xây dựng khu tái định cư tại 6 huyện, thị xã cho thấy, các địa phương đã lựa chọn khá kỹ lưỡng, bài bản, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Sở đã có văn bản xin ý kiến tỉnh về khảo sát, lập quy hoạch các khu tái định cư ở những địa phương ảnh hưởng.
Thời gian tới, các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thỏa thuận hướng tuyến, vị trí và loại hình nút giao, vị trí các công trình (hầm chui dân sinh, cầu, cống, rãnh thoát nước); hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các hồ sơ, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế; dời công trình hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án…
Dù khối lượng công việc còn rất lớn, nặng nề nhưng tin tưởng, với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Tĩnh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn được triển khai đúng tiến độ, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ và Bộ GTVT.