Chuẩn bị kỹ trước trận đánh lớn
Ngay khi bắt đầu cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh: Lâu nay chúng ta không quan tâm đến vấn đề bãi đổ thải và mỏ vật liệu khi lập dự án nên lúc triển khai hay gặp khó khăn. Nói là bãi đổ thải nhưng thực chất là đất bóc hữu cơ. Với chúng ta coi như đồ bỏ nhưng với địa phương lại là vàng, là ngọc, ở nhiều địa phương người dân, chính quyền cũng rất cần để san lấp để làm nông thôn mới, trồng trọt...
Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh
và các sở, ngành, đơn vị liên quan về việc chuẩn bị các mỏ vật liệu, bãi thải
Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu tư vấn và địa phương làm việc cụ thể, sử dụng đường nào, hư hỏng hoàn trả ra sao? Phải làm rõ ràng rành mạch, làm chặt ngay từ bây giờ. Trên tinh thần giải quyết tận gốc, từ tổng thể đến chi tiết. Làm xong dân kêu nhiều quá không được. Mỏ vật liệu, bãi đổ thải phải có sơ đồ riêng từng vị trí, có phương án so sánh làm luận cứ chứng minh, đảm bảo phương án tối ưu, hiệu quả nhất.
“Trận đánh lớn, phải chuẩn bị kỹ mới thắng lớn. Làm nửa vời thì khi bắt tay vào cái gì cũng thiếu, cái gì cũng khó”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Báo cáo đoàn công tác, ông Nguyễn Ngọc Hoạch - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: 2 Dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh do 2 Ban là Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 của Bộ GTVT phụ trách. Đến nay, Sở đã nhận được văn bản đề xuất thẩm tra các vị trí đổ thải và mỏ vật liệu của Ban QLDA 6. Sau khi thẩm tra, Sở xác định có 30/37 điểm đạt yêu cầu.
Đối với Ban QLDA 6 hiện mới có số liệu dự kiến ban đầu là 19 điểm nhưng qua kiểm tra, chúng tôi thấy có nhiều điểm không đạt như nằm trong hành lang đường điện, gần khu dân cư, nhà văn hóa ảnh hưởng đến môi trường. Tới đây, Sở sẽ làm việc lại với các Ban để xác định một cách chi tiết hơn.
Tại cuộc họp Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu
các đơn vị khẩn trương bàn giao mốc GPMB cho địa phương.
Đối với các mỏ vật liệu, Sở đã cung cấp thông tin đầy đủ các mỏ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban và tư vấn. Những mỏ chưa được cấp phép mà dự án cần, Sở sẽ rà soát đưa vào danh mục mỏ không qua đấu giá để tỉnh xem xét điều chỉnh thủ tục trong quá trình cấp phép.
Giải thích lý do chậm thực hiện việc lập sơ đồ bãi thải và mỏ vật liệu, ông Phạm Văn Minh - Phó Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết: Do vừa rồi anh em trong Ban phải đi phối hợp với các huyện, xã khảo sát từ thực tế trước khi lập sơ đồ và lên kế hoạch chi tiết. Theo tính toán, quá trình đào và điều phối vật liệu sẽ dư khoảng 2,5 triệu m2 đất đá thải các loại.
Hiện, Ban đã đã khảo sát 5 vị trí ở huyện Kỳ Anh với trữ lượng khoảng 3,8 triệu m3. Chúng tôi đề nghị tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ Ban trong việc thực hiện thủ tục cấp bãi đổ thải. Riêng về mỏ vật liệu, Ban vẫn đang cùng với tư vấn TEDI xem xét một cách kỹ lưỡng bởi lẽ trên thực tế có mỏ gần lại không đảm bảo chất lượng hoặc đường vào nhỏ, còn mỏ xa cần tính toán thêm.
Các mỏ vật liệu đất, đá, cát tại tỉnh Hà Tĩnh cơ bản đáp ứng yêu cầu làm dự án cao tốc Bắc - Nam
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu: Ban và tư vấn TEDI phải điều tra kỹ lưỡng, mọi sự thành công hay thất bại phụ thuộc vào giai đoạn này. Tất cả đều phải cụ thể, chi tiết, khách quan, trung thực, đề nghị chính quyền địa phương và các Sở cùng tham gia giám sát. Các Ban và các đơn vị tư vấn phải chịu trách nhiệm trước Bộ khi xảy ra vấn đề. Cũng cần rút kinh nghiệm từ các dự án trước, chỉ khảo sát lập theo hồ sơ, nhưng đến khi bắt tay vào thực tế nó lại không như vậy.
Đẩy nhanh GPMB phấn đấu tháng 11/2022 khởi công dự án cao tốc qua Hà Tĩnh
Tại buổi làm việc, ông Phạm Hoàng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Là địa phương có 27km cao tốc đi qua nhưng đến thời điểm này, huyện chưa được bàn giao bất cứ mốc nào. Chúng tôi vô cùng lo lắng vì GPMB là việc rất khó, mất nhiều thời gian, trong khi thời gian làm dự án cao tốc gấp gáp.
“Đến 30/11 phải hoàn thành tới 70% mặt bằng. Vì vậy, huyện đề nghị các đơn vị liên quan cắm trước một số đoạn để huyện có cơ sở triển khai GPMB”, ông Anh nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trong công tác GPMB, cần nhất vẫn là mốc GPMB. Đến nay, tỉ lệ bàn giao mốc GPMB rất thấp. Trong khi đó, thời gian dự kiến bàn giao mặt bằng để khởi công vào ngày 30/11 rất gấp. Vì vậy, đề nghị Bộ và Ban QLDA sớm giao hết mốc GPMB cho địa phương.
Ông Lĩnh cũng giao các huyện nghiên cứu rà soát các vị trí đổ thải và có phương án chi tiết nhất, coi đây là tài nguyên cần phải trữ và sử dụng hiệu quả. Giao các Sở ngành phối hợp với 2 Ban QLDA và tư vấn giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng.
Ông Nguyễn Tiến Hùng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh nêu sự lo lắng từ địa phương: Các phương án chọn vị trí đổ thải chúng tôi đều nhất trí nhưng đây cũng là tài nguyên. Trước mắt đổ đó không ảnh hưởng gì, sau các Sở ngành phải có phương án để địa phương sử dụng, tránh việc để treo nguồn tài nguyên mà địa phương lại mất sức trông coi.
Ông Nguyễn Tiến Hùng đề xuất tại cuộc họp đưa khu đất
gần nhà máy xử lý rác thải Phú Hà để làm bãi đổ thải
Hiện, trên địa bàn huyện Kỳ Anh không có mỏ cát nào, mà có thể tận dụng từ các sông, suối mỗi khi mùa lụt về nên trữ lượng rất ít. Việc khai thác cát trên các lòng hồ sông, suối có thể bị sạt lở.
Cũng tại cuộc họp, liên quan đến việc chọn vị trí bãi đổ thải, ông Hùng đề xuất có khu đất ngay gần Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà tại xã Kỳ Tân có thể tận dụng làm bãi đổ thải. Tại vị trí này đất đã được GPMB và bàn giao cho huyện quản lý.
Kết luận buổi làm việc Thứ trưởng Thọ một lần nữa nêu tinh thần làm việc quyết liệt, không kể thời gian, thứ 7, Chủ nhật. Ban và tư vấn xây dựng mốc thời gian ngược lại đối với các đoạn. Riêng với Hà Tĩnh chậm nhất tháng 12/2022 khởi công. Còn đoạn nào xong trước ta có thể khởi công trước từ tháng 10, tháng 11. Đây là nhiệm vụ quan trọng chúng ta phải làm.
Hiện tại hướng tuyến đã chốt xong và bước sang bàn giao mốc. Hôm nay là cuộc họp rất ý nghĩa. Đây là điều kiện tiên quyết quyết định đến tiến độ chất lượng dự án sau này. Đối với mỏ vật liệu tư vấn phải nghiên cứu lại tổng thể, nhu cầu đất đắp, cát đá đối với từng thời kỳ, thời điểm thi công cụ thể.
Dự án liên tuyến không bị ngắt quãng nên tư vấn phải nghiên cứu tổng thể, ưu tiên số 1 là điều phối đất đắp, kết cấu đường công vụ. Rút kinh nghiệm từ các dự án GĐ1, phải làm tốt điều phối để tận dụng nguồn tài nguyên. Có phương án so sánh về mỏ vật liệu và sơ đồ để xác định phương án tối ưu. Khi đã chọn mỏ cũng phải xác định trữ lượng dư thừa sau khi làm cao tốc sẽ bàn giao cho địa phương như thế nào. Công tác lập dự toán, giá phải làm chặt.
Dự kiến 2 dự án cao tốc tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh
cần khoảng 12 triệu khối đất đắp; cát khoảng 1,4 triệu m3; đá 1,7 triệu m3.
Thứ trưởng cũng lưu ý, chỉ đưa những mỏ vật liệu có thể khai thác được, đạt chất lượng tránh trường hợp đưa vào đại trà mà không khai thác.
Giao Cục QLXD ban hành chỉ đạo chung đối với 12 dự án để thống nhất về phương pháp làm ở tất cả các địa phương.
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị: Các địa phương cùng xắn tay vào cuộc, cái gì thuộc thẩm quyền cấp huyện, xã phải làm rõ để giải quyết. Sở TN&MT phải chủ trì, tham mưu cho tỉnh những cơ chế, xây dựng quy trình để vừa đảm bảo số lượng mỏ, bãi đổ thải, vừa quản lý tốt tài nguyên trên địa bàn.