Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu

Thứ ba, 19/04/2022 09:13

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 48 -HD/BTGW về tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 5/5/2022).

Đồng chí Phan Đăng Lưu

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 1740-CV/VPTW, ngày 07/9/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc tổ chức kỷ niệm một số ngày lễ và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2022; Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Hướng dẫn số 30-HD/BTGTW, ngày 30/11/2021 về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2022; nay hướng dẫn cụ thể công tác tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (05/5/1902 - 05/5/2022) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tôn vinh và tri ân những công lao, cống hiến, đóng góp của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với cách mạng Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; bồi đắp niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

- Thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ về thân thế, sự nghiệp và nhân cách cao đẹp của đồng chí   Phan Đăng Lưu; giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, noi gương đồng chí Phan Đăng Lưu và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, tích cực học tập, lao động và công tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Công tác tuyên truyền kỷ niệm cần tiến hành bằng các hình thức sinh động, thiết thực, hiệu quả, có tính giáo dục sâu sắc; kết hợp với tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, phù hợp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

- Cuộc đời, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng và công lao, cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam của đồng chí Phan Đăng Lưu - một tấm gương sáng ngời về ý chí và tinh thần cách mạng; một nhân cách cộng sản mẫu mực; người chiến sĩ cộng sản kiên trung, anh hùng, bất khuất; cả cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi.

- Khẳng định đồng chí Phan Đăng Lưu là nhà lãnh đạo tài năng, có những đóng góp quan trọng vào công tác tổ chức xây dựng Đảng và sự nghiệp chung của cách mạng Việt Nam; sáng suốt trong hoạch định đường lối và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ; là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí và văn học cách mạng nước nhà.

- Những phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí Phan Đăng Lưu: kiên định lý tưởng cách mạng, sắt son niềm tin với Đảng, với Nhân dân; luôn trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, với đường lối cách mạng của Đảng, của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; tinh thần say mê, miệt mài học tập, rèn luyện, không ngừng trau dồi tri thức nhằm phục vụ Đảng, cách mạng, dân tộc, Nhân dân; đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; hết lòng yêu thương đồng đội, đồng chí, đồng bào.

- Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm diễn ra ở ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, nhất là trên quê hương Nghệ An.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM

1. Tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa tại nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu ở tỉnh Nghệ An.

2. Tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ (ngành).

3. Xây dựng phim tài liệu về đồng chí Phan Đăng Lưu.

4. Xây dựng, trùng tu, tôn tạo khu lưu niệm, nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu.

5. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị; trên các trang mạng xã hội; thông qua các ấn phẩm tuyên truyền (sách, tài liệu...); sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, cuộc thi tìm hiểu, hội thảo, tọa đàm... tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 1. Các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm

1.1. Tỉnh Nghệ An

- Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa tại khu nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

- Phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt Hội thảo khoa học cấp bộ (ngành).

- Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc lập đề án xây dựng, trùng tu, tôn tạo khu lưu niệm, nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu theo Hướng dẫn số 07-HD/BTGTW ngày 24/5/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm khác trên địa bàn tỉnh.

1.2. Ban Tuyên giáo Trung ương

- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền kỷ niệm; biên soạn, phát hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm.

- Phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt Hội thảo khoa học cấp bộ (ngành).

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Hãng phim   Tài liệu và Khoa học Trung ương xây dựng phim tài liệu về đồng chí Phan Đăng Lưu.

- Chủ trì, chỉ đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản sách về đồng chí Phan Đăng Lưu.

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; báo cáo Ban Bí thư theo quy định.

1.3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ (ngành).

1.4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương xây dựng phim tài liệu về đồng chí Phan Đăng Lưu.

Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, nhất là trên pano, áp phích, tranh ảnh và các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao… chào mừng, phù hợp với tình hình thực tế.

1.5. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản sách về đồng chí Phan Đăng Lưu, phát hành vào dịp kỷ niệm.

1.6. Đài Truyền hình Việt Nam

- Phát sóng phim tài liệu về đồng chí Phan Đăng Lưu vào dịp kỷ niệm, trong khung giờ phù hợp.

- Tổ chức tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

1.7. Đài Tiếng nói Việt Nam: Tổ chức tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm trên sóng phát thanh, chú trọng đưa tin về các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm của các ban, bộ, ngành, địa phương.

2. Các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương

2.1. Các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, nhất là những địa phương, địa danh, lĩnh vực gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm phù hợp với điều kiện cụ thể; tuyên truyền trên các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử; ấn phẩm tuyên truyền của bộ, ngành, đoàn thể.

2.2. Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chặt chẽ các hoạt động thông tin, truyền thông, nhất là việc đăng tải thông tin trên các báo, đài, tạp chí, trên Internet và mạng xã hội; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đưa thông tin sai trái, xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Phan Đăng Lưu, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2.3. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cho phóng viên báo chí nước ngoài và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu thiết thực, phù hợp, hiệu quả.

3. Ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương

- Tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thông tin tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội, các phương tiện cổ động trực quan và qua các ấn phẩm (đề cương, tài liệu, sách, bản tin sinh hoạt chi bộ…).

4. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương

- Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai tuyến tin, bài, phóng sự, chương trình có nội dung và thời lượng phù hợp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

- Thực hiện nghiêm chế độ kiểm duyệt, bảo mật thông tin, không để xảy ra sai sót; việc đăng tải thông tin tuyên truyền cần phải căn cứ vào nguồn thông tin, tư liệu chính thống do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, phát hành; không khai thác những sự kiện, nội dung nhạy cảm, những vấn đề còn chưa thống nhất hoặc có ý kiến trái chiều, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, tạo điểm nóng; trong trường hợp cần thiết phải thông tin, báo cáo, xin ý kiến của ban tuyên giáo cùng cấp trước khi tuyên truyền.

Đài phát thanh và truyền hình các địa phương tổ chức tiếp sóng, phát sóng phim tài liệu.

V. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1. Nhiệt liệt chào mừng 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (05/5/1902 - 05/5/2022)!

2. Đồng chí Phan Đăng Lưu - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung!

3. Đồng chí Phan Đăng Lưu - Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời!

4. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

5. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

6. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:173521
Lượt truy cập: 176.123.642