Để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa và phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông đường thủy liên quan đến hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh và Công văn số 6701/UBND-KT ngày 04/11/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động giao thông đường thủy nội địa. Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở (truyền thanh ở phường, xã, thị trấn, khu phố, ấp) những quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa, điều kiện hoạt động của phương tiện thủy, chứng chỉ chuyên môn đối với người lái phương tiện, trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách đường thủy nội địa; qua đó, kịp thời cung cấp thông tin về dự báo thời tiết, đặc biệt là những thông tin cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn bảo đảm an toàn cho phương tiện và con người của cơ quan chức năng.
Ảnh minh họa
Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát ngay tại các bến thủy, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với bến kinh doanh vận tải khách du lịch không phép, phương tiện không đủ điều kiện khai thác vận tải, không bảo đảm an toàn hoạt động trong phạm vi bến thủy; không cho xuất bến đối với các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn như: Chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định; yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách trên đường thủy kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện sau thời gian dài không hoạt động do dịch Covid-19 trước khi đưa vào sử dụng.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức hướng dẫn đơn vị vận tải, thuyền viên, người tham gia giao thông về công tác đảm bảo an toàn giao thông trên đường thủy. Đồng thời, công bố số điện thoại đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông phụ trách đường thủy tại các bến thủy và trên các phương tiện thủy vận tải khách du lịch trên địa bàn tỉnh để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát toàn bộ các hoạt động du lịch liên quan đến giao thông đường thủy; đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan lập và triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các khu vực diễn ra hoạt động du lịch có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông trên địa bàn nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa. Yêu cầu các bến thủy trên địa bàn tổ chức tốt hoạt động đưa đón khách (từ khâu bán vé, sắp xếp hành khách lên phương tiện), không để xảy ra tình trạng các phương tiện tranh giành kéo khách, hành khách chen, lấn, xô đẩy khi lên, xuống phương tiện; hành khách bắt buộc phải sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay trong suốt quá trình tham gia giao thông đường thủy nội địa.
Chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm theo quy định đối với vi phạm pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa tại địa phương. Trong đó, tập trung về điều kiện hoạt động của phương tiện thủy nội địa, quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên các phương tiện vận tải hành khách, đặc biệt chú trọng đối với các phương tiện vận chuyển khách tham quan du lịch, vận chuyển khách ngang sông và phương tiện thô sơ. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các bến không đủ điều kiện bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời, yêu cầu UBND cấp xã nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa ở địa phương theo quy định tại Điều 100 của Luật Giao thông đường thủy nội địa (được sửa đổi, bổ sung năm 2014). Có trách nhiệm đảm bảo TTATGT đối với bến và phương tiện chở khách ngang sông, các phương tiện nhỏ của gia đình hoạt động trên địa bàn. Yêu cầu chủ các bến thủy, bến khách ngang sông trên địa bàn niêm yết bảng giá, sửa chữa các hư hỏng về kết cấu hạ tầng tại 02 đầu bến đảm bảo an toàn giao thông.