Hệ thống cảng biển là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của Đồng Nai

Thứ sáu, 13/05/2022 14:44

Ngày 12/5, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát thực tế và làm việc với tỉnh Đồng Nai để phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch chi tiết Cảng biển Đồng Nai.

Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Đồng Nai có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng và lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Đoàn công tác khảo sát thực tế và tìm hiểu hoạt động
tại Cảng tổng hợp hóa sinh Vàm Cỏ Đồng Nai

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định ban hành vào tháng 9-2021, các cảng biển trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm cảng biển số 4. Cũng theo quy hoạch này, Đồng Nai sẽ có 3 khu bến cảng biển được quy hoạch phát triển trong giai đoạn tới gồm: khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái; khu bến Nhơn Trạch và khu bến Long Bình Tân.

Cụ thể, khu bến cảng biển thứ nhất được quy hoạch là Phước An, Gò Dầu, Phước Thái (trên sông Thị Vải) có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất, vùng nước trên sông Thị Vải thuộc H.Nhơn Trạch. Khu bến cảng này có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên với các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Đối với cỡ tàu, khu bến này có thể đón tàu có trọng tải đến 60 ngàn tấn phía hạ lưu cầu Phước An và đến 30 ngàn tấn phía thượng lưu cầu Phước An đến Gò Dầu, Phước Thái phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải và tĩnh không công trình vượt sông.

Khu bến cảng thứ 2 là Nhơn Trạch, có phạm vi quy hoạch bao gồm vùng đất vùng nước bên phải tuyến luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng Đồng Nai, luồng Đồng Tranh thuộc địa phận H.Nhơn Trạch. Chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam bộ với các bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Về cỡ tàu, khu bến có thể đón tàu trọng tải đến 45 ngàn tấn hoặc lớn hơn giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải và tỉnh không công trình vượt sông

Khu bến cảng còn lại trong quy hoạch được duyệt là Long Bình Tân (trên sông Đồng Nai) gồm vùng đất, vùng nước bên phải tuyến luồng Đồng Nai (phía hạ lưu cầu Đồng Nai). Chức năng là khu bến cảng vệ tinh, đầu mối gom hàng cho các cảng biển trong khu vực và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Khu bến cảng này có bến tổng hợp, container, hàng lỏng/khí. Cỡ tàu trọng tải đến 5 ngàn tấn.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, theo Luật Quy hoạch, thì quy hoạch tổng thể cảng biển quốc gia là 1 trong 4 quy hoạch thuộc ngành giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi có quy hoạch tổng thể thì sẽ tiếp tục thực hiện các quy hoạch khác. Hiện nay, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng các quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, trong đó có quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4 bao gồm cảng biển Đồng Nai; quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước cảng biển tỉnh Đồng Nai và quy hoạch cảng cạn quốc gia trong đó có hệ thống cảng cạn trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, các quy hoạch này sẽ hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay.

Thứ trưởng Bộ GT VT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại buổi làm việc

Theo đơn vị tư vấn, cảng biển Đồng Nai thuộc nhóm cảng biển số 4, đây cũng là nhóm cảng biển lớn nhất Việt Nam và cũng là nhóm cảng biển quan trọng nhất, chiếm đến 43% tổng lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển cả nước. để phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch, đơn vị tư vấn cũng đã đưa ra một số đề xuất đối với tỉnh như: rà soát các dự án cảng biển, cảng cạn chậm tiến độ; quy hoạch các khu bến tổng hợp, container tập trung tại Nhơn Trạch, Phước An gần với các trung tâm logistics sau cảng; triển khai đầu tư tuyến đường liên cảng Nhơn Trạch, Phước An đồng bộ với tiến trình xây dựng cảng…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết trong 3 khu bến cảng được quy hoạch, việc phát triển khu bến Nhơn Trạch hiện nay còn phụ thuộc vào hướng tuyến xây dựng cầu Cát Lái. Do đó, đơn vị tư vấn cũng cần lưu ý để rà soát khi lập quy hoạch. Đồng thời, trong quy hoạch cũng cần cập nhật thêm tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, với hệ thống cảng biển, cảng cạn hiện có, Đồng Nai đang sở hữu nguồn tài nguyên rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế vùng nói chung và của địa phương nói riêng. Đây cũng là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của Đồng Nai.

Đối với định hướng phát triển hệ thống cảng biển của tỉnh để đón các tàu có trọng tải nhỏ phục vụ vận chuyển nội Á và nội địa, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng với phân khúc này, các cảng biển của tỉnh sẽ phải chịu sự cạnh tranh từ các cảng biển TP.HCM, Bình Dương, Long An. Do đó, Đồng Nai phải nỗ lực để có thể “kéo” tàu, “kéo” hàng về các cảng biển trên địa bàn tỉnh để tạo nên sự thịnh vượng. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có hệ thống giao thông kết nối tốt, từ đó giảm chi phí, giảm thời gian vận chuyển.

Trước đó, trong sáng cùng ngày, đoàn công tác của Bộ GTVT cũng đã có chuyển khảo sát thực tế một số cảng biển và các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:200601
Lượt truy cập: 176.010.048