Xuất phát từ bến sông Văn Úc tại Công ty Đóng tàu Thái Bình Dương, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang qua sông Kênh Khê, sông Luộc, sông Hồng đến sông Đào (Nam Định).
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đang khảo sát tuyến đường thủy hành lang số 2
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết đang làm việc tới TP. Hải Phòng để chốt tiến độ di dời bến cảng tại khu vực sông Cấm.
“Cần cố gắng để từ nay đến năm 2055, chúng ta phải có được một bến khởi động ở Nam Đồ Sơn. Điều đó đồng nghĩa với việc khơi thông cửa sông, để tàu có trọng tải 10.000 DWT và 20.000 DWT giảm tải có thể vào được bến sông Văn Úc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong chuyến khảo sát, Thứ trưởng đặc biệt quan tâm tới các luồng sông, trọng tải tàu di chuyển trên sông, cũng như hành lang bảo vệ an toàn bờ sông.
Thứ trưởng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa VN nghiên cứu các giải pháp để có thể khai thác hiệu quả tuyến hành lang số 2, đặc biệt với hàng container. Đồng thời, Thứ trưởng cũng lưu ý cần “rà soát lại các hệ thống biển báo, báo hiệu trên luồng để đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu vận tải”.
Tổng quãng đường của tuyến đường thủy hành lang số 2 (tuyến Hải Phòng – Ninh Bình) khoảng 156 km.
Về cơ bản, tuyến đường thủy hành lang số 2 (đoạn bến sông Văn Úc - Nam Định)
ổn định về luồng, tĩnh không cầu
Theo đại diện của Cục Đường thủy nội địa VN, hiện tại, các tàu lưu thông trên tuyến hành lang số 2 chủ yếu là tàu chở hàng rời như chở than, đá, clinker, cát… Các tàu có trọng tải trung bình khoảng 3000 DWT.
Trong tuyến hành lang số 2, đoạn từ cảng Hải Phòng tới chân cầu Khuể còn là một vướng mắc vì tĩnh không thấp, độ sâu của luồng không đảm bảo.
Do đó, nếu có thể di dời cảng Hải Phòng (đoạn sông Cấm) vào bến sông Văn Úc, sẽ thuận tiện hơn cho các tàu có trọng tải lớn cập bến.
Được biết, hiện nay, một số đơn vị đã có đề xuất đến năm 2025, sẽ từng bước di dời các bến cảng khu vực sông Cấm theo quy hoạch của TP Hải Phòng. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định, không mở rộng phát triển bến sông Cấm.
Khi đó, một lượng hàng hóa nhất định sẽ được chuyển dịch từ sông Cấm về Nam Đồ Sơn, sông Văn Úc. Hai khu vực được đánh giá có mạng lưới giao thông tương đối tốt, đáp ứng được nhu cầu dịch chuyển hàng hóa.
Đồng thời, khu bến Nam Đồ Sơn và sông Văn Úc cũng có phạm vi gồm vùng đất, vùng nước sẽ được quy hoạch với chức năng là cảng cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế, có bến kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh khi có yêu cầu.
PV