Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Báo Đầu tư
Họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 6/6, Quốc hội đã nghe chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TPHCM.
Kết nối giao thông thuận lợi với các địa phương trong vùng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TPHCM tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mục tiêu đầu tư 2 dự án nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.
Cụ thể, xây dựng tuyến đường vành đai liên vùng khu vực kinh tế trọng điểm vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TPHCM cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; tạo sự đồng bộ, liên tục nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển, kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong vùng; giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của Hà Nội và TPHCM, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đang triển khai.
Tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai, góp phần điều tiết dân số cho khu vực nội thành và sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển.
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long) qua địa phận Hà Nội (dài 58,2 km), Hưng Yên (dài 19,3 km), Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km).
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34 km (bao gồm: TPHCM 47,51 km, Đồng Nai 11,26 km, Bình Dương 10,76 km, Long An 6,81 km).
Về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: Giải phóng mặt bằng các tuyến đường theo quy mô quy hoạch (6-8 làn xe cao tốc) và hệ thống đường đô thị song hành 2 bên. Riêng đường Vành đai 4 giải phóng mặt bằng dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai. Trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải, phù hợp với các giải pháp đầu tư và nguồn lực giai đoạn đầu tư phiên kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc thiết kế 80 km/h có các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc (Tiêu chuẩn TCVN 5719:2012) và các nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng có nhu cầu vận tải cao, bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả, đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên.
Dự kiến kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 41.589 tỷ đồng. Thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch và giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chính đối với các nút giao liên thông (đầu tư giai đoạn 1). UBND các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi các dự án đi qua có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất.
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức PPP, được chia thành 7 dự án thành riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường. Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có hình thức đầu tư công, được chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương.
Cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ
Thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TPHCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư 2 dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình Chính phủ nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó yêu cầu "khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TPHCM".
Dự án thuộc các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định là đúng quy định.
Các dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2 dự án được triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021-2025).
Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng đề xuất của Chính phủ đầu tư 2 dự án theo quy mô phân kỳ mặt đường 17 m và 19,75 m là chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729:2012) về đường ô tô cao tốc. Đồng thời, việc đầu tư theo quy mô này sẽ không có làn dừng xe khẩn cấp, mà chỉ bố trí điểm dừng xe khẩn cấp, khó bảo đảm an toàn giao thông và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn làm giảm hiệu quả đầu tư...
Ngoài ra, cần rà soát cắt giảm tối đa các nút giao trên toàn tuyến để bảo đảm hiệu quả khai thác, an toàn giao thông... của 2 dự án. Theo đó, Chính phủ đã có các báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến nêu trên. Ủy ban Kinh tế đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, chuẩn xác phương án thiết kế của 2 dự án nhằm xác định phương án tối ưu.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện để bảo đảm được tiến độ hoàn thành 2 dự án và ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của các dự án.
Việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022-2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, do đó sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.
Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng cho 2 dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.