Thúc đẩy xe điện được một số nước Đông Nam Á đánh giá là hướng đi cần thiết
nhằm giữ chân các đại gia ô tô duy trì sản xuất trong khu vực
Chỉ vài tháng sau khi Hyundai Motor bắt đầu đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất xe điện mới ở Indonesia, hãng SAIC-GM-Wuling Automobile của Trung Quốc đã công bố mẫu xe điện mini mới, dự kiến bắt đầu được sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này vào cuối năm nay.
Không chỉ thu hút Hyundai hay SAIC-GM-Wuling Automobile, Indonesia đang nổi lên như một điểm sáng đầy tiềm năng về sản xuất xe điện trong khu vực. Quốc gia này đã có lộ trình rõ ràng cho việc tận dụng nguồn khoáng sản phong phú giúp thúc đẩy sản xuất pin và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến xe điện. Nhà máy sản xuất pin xe điện đầu tiên của Đông Nam Á cũng đặt tại Indonesia, do liên minh Huyndai - KIA - LG xây dựng dưới sự hỗ trợ của chính phủ nước này.
Mục tiêu của Indonesia là nâng tỷ trọng xe điện trong tổng sản lượng ô tô xuất xưởng trong nước lên mức 20% vào năm 2025, với hàng loạt biện pháp hỗ trợ, trong đó có ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất để khuyến khích các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực ô tô chạy điện.
Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu nâng tỷ trọng xe điện trong tổng sản lượng xe ô tô lên 30% vào năm 2030. Đầu tháng 6-2022, nước này đã giảm thuế đối với xe ô tô điện từ 8% xuống 2%, và dự kiến trợ giá tới 150.000 baht (tương đương khoảng 4.240 USD) cho mỗi xe điện.
Đáp lại sự hỗ trợ này, Great Wall Motor (Trung Quốc) đã giảm 8% giá khởi điểm của mẫu xe Ora Good Cat, trong khi Toyota dự kiến sẽ bắt đầu bán xe điện do Nhật Bản sản xuất tại Thái Lan vào cuối năm nay, sau đó sẽ chuyển sang sản xuất ở nước này sớm nhất là vào năm 2024.
Về phần mình, Mercedes-Benz đang lên kế hoạch bắt đầu lắp ráp xe điện EQS tại Thái Lan trong năm nay. Tập đoàn năng lượng quốc doanh PTT của Thái Lan cũng sẽ hợp tác với Hon Hai Precision Industry (Foxconn) của Đài Loan (Trung Quốc) để bắt đầu sản xuất xe điện vào năm 2024.
Tại Malaysia, Volvo Cars cũng thông báo về việc bắt đầu lắp ráp xe điện. Trước đó, vào tháng 1/2022, Fieldman Group, nhà sản xuất dầu cọ và các mặt hàng khác của Malaysia cho biết, họ sẽ hợp tác với hãng Changan Automobile của Trung Quốc để xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện ở nước này.
Tại Philippines, một luật về phát triển lĩnh vực xe điện đã có hiệu lực vào tháng 5/2022, trong đó yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ logistics và các nhà cung cấp dịch vụ vận tải công cộng phải nâng tỷ lệ xe điện trong đội xe vận tải lên ít nhất 5% vào một thời điểm sẽ được quyết định sau. Cùng với đó, Chính phủ Philippines đang cân nhắc các biện pháp khuyến khích đối với việc nhập khẩu và sản xuất các loại xe điện.
Tại Việt Nam, VinFast đã bắt đầu bán xe điện sản xuất trong nước vào tháng 12/2021, nhưng chưa có lộ trình cụ thể nào cho việc phát triển hạ tầng xe điện ra ngoài lãnh thổ đất nước. Nhà máy sản xuất pin xe điện VinES cũng đã khởi công tại khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh).
Trong bức tranh chung về sản xuất xe điện tại Đông Nam Á, dễ thấy sự quyết tâm của các thương hiệu Hàn Quốc, Trung Quốc…, trong khi các hãng chế tạo ô tô Nhật Bản có phần dè dặt, dù ô tô “Made in Japan” đang chiếm tới 90% thị phần trong khu vực.
Bên cạnh Toyota đang nỗ lực thúc đẩy phương tiện hybrid và có lộ trình xây dựng một nhà máy tái chế pin trong khu vực, Mitsubishi dự kiến sẽ cho ra lò thêm ít nhất hai mẫu xe hybrid phục vụ thị trường Đông Nam Á.
Với Honda, hãng này cũng sẽ tham gia vào công cuộc mở rộng phát triển xe điện ở Indonesia với cam kết đầu tư khoảng 361 triệu USD cho đến năm 2024. Hãng cũng dự định sẽ chuyển nhà máy từ Ấn Độ về Indonesia, khi đang có kế hoạch phát triển một mẫu xe điện mới tại đây.
Bất chấp sự bùng nổ của làn sóng sản xuất ô tô điện, giới chuyên môn vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng phổ cập ô tô điện ở khu vực Đông Nam Á. Hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, thiếu hệ thống trạm sạc, tâm lý tiêu dùng… được cho là những yếu tố khiến xe điện chưa thể phổ biến rộng rãi. Điều này đồng nghĩa rằng, không ít xe xuất xưởng ở Đông Nam Á sẽ được nhập khẩu ngược để phục vụ các thị trường ô tô lớn như Mỹ và châu Âu.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, xe ô tô điện sẽ không giúp cắt giảm lượng khí thải carbon ở Đông Nam Á, vì nhiều quốc gia ở khu vực này vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện. Đó là chưa kể tới bài toán khó là xử lý, tái chế các rác thải từ ô tô điện, đặc biệt là pin, vẫn chưa có lời giải phù hợp.