Ngày 20/7, Đoàn công tác Trung ương do Thứ trưởng Lê Đình Thọ - Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai - làm trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai tại Bình Định.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh Bình Định, địa phương đã hoàn thành công tác chuẩn bị xây dựng các dự án theo Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 8/1/2022 về việc phân bổ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2021; giải ngân trên 19,7 tỷ đồng.
Một số dự án được UBND tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp sẽ hoàn thành trước ngày 30/9/2022, các dự án còn lại đáp ứng yêu cầu vượt lũ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai
phát biểu chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, TKCN và khắc phục hậu quả thiên tai tại Bình Định
12 dự án khu tái định cư đã được tỉnh đầu tư xây dựng và hoàn thành giai đoạn 2016 - 2020, đang tiếp tục hỗ trợ, vận động nhân dân đến nơi ở mới. Sở NN&PTNT đang nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh kiến nghị với đoàn công tác Trung ương một số vấn đề như: Hướng dẫn kiện toàn tổ chức, bộ máy Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS cấp tỉnh. Chuyển hoạt động của Văn phòng từ kiêm nhiệm sang chuyên trách. Tổ chức xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai. Nâng cấp, tăng dung tích phòng lũ các hồ chứa nước lớn để cắt lũ, giảm ngập lụt, bảo đảm an toàn dân cư và cơ sở hạ tầng vùng hạ du (hồ Định Bình, hồ Núi Một).
Lắp đặt hệ thống trực canh, cảnh báo, giám sát thiên tai chuyên dùng theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Sớm cho triển khai xây dựng và mở rộng khẩu độ thoát lũ Cầu Đen, Cầu Trắng 2, cầu Nước Xanh, cầu Đồng Xiêm trên QL 19. Nâng độ cao mặt QL 19 đoạn km 17+250 xã Nhơn Hòa và làm thông thoáng đường công vụ qua các cầu cống trên quốc lộ.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, cần xác định công tác PCTT và TKCN là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của các tỉnh. Đặc biệt là các tỉnh miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ bởi đây là các địa phương nằm dọc ven biển, bão lũ nhiều, cần có kế hoạch cụ thể để thực hiện thường xuyên liên tục.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu địa phương cần coi công tác chỉ đạo phòng ngừa là chính.
"Kinh nghiệm từ phòng chống dịch và phòng chống thiên tai vừa qua cho thấy việc phòng ngừa, chuẩn bị là hết sức quan trọng. Bởi nếu chuẩn bị không tốt, khi nó xảy ra rồi sẽ vừa ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân rất lớn.
Các địa phương cần xác định phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống dịch, phòng chống thiên tai là cực kỳ quan trọng. Thời điểm này, chúng ta cần xác định chuẩn bị bước vào mùa mưa bão rồi. Ngay từ bây giờ nếu chuẩn bị tốt, phòng ngừa tốt sẽ giảm thiểu hậu quả rất lớn", Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.
Tàu cá của ngư dân Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Bình Định bị sóng đánh tan tác
trong đợt lốc xoáy bất thường hồi cuối tháng 3 vừa qua
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định, khi có mưa bão cần có kịch bản, cần chuẩn bị hậu cần cho tốt từ thiết bị, con người và cả tinh thần nữa. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.
Về các kiến nghị của Bình Định, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị địa phương cần có tổng hợp lại các vấn đề trong công tác phòng chống thiên tai một cách cụ thể, không nên dàn trải. Qua đó tập trung tháo gỡ những vấn đề cấp bách
Thứ trưởng cũng lưu ý địa phương về vấn đề sạt lở trong thời gian gần đây. Thứ trưởng nhìn nhận, khu vực phía Bắc người dân phòng chống sạt lở tốt hơn khu vực miền Trung. Do đó, về trước mắt cần tuyên truyền, cảnh báo sạt lở, lũ ống lũ quét cho người dân. Vấn đề lâu dài là di dời dân. Tất cả nhằm đảm bảo an toàn cho người dân là chính.