Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng đại diện lãnh đạo Bộ Công an và các đơn vị liên quan tham dự buổi lễ.
Đại diện 5 Sở GDĐT và 5 trường ĐH, CĐ ký cam kết với Bộ GDĐT,
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về đảm bảo an toàn giao thông
Tại lễ phát động, gần 20 nghìn học sinh, sinh viên đã được phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, văn hóa giao thông và kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy an toàn. Lễ phát động là nỗ lực để thực hiện mục tiêu của năm học 2022-2023 là năm học đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông học sinh sinh viên, góp phần giáo dục pháp luật, giáp dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh kêu gọi các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Đồng thời nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh sinh viên là một tuyên truyền viên tới gia đình, bạn bè và cộng đồng dân cư tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông. Từ đó, xây dựng văn hóa giao thông trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và học sinh sinh viên trong toàn quốc.
Ngành Giáo dục với trên 23 triệu học sinh, sinh viên là thế hệ tương lai, nhân tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, giáo dục thế hệ trẻ trở thành những công dân phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ, ý thức tuân thủ pháp luật là mục tiêu chủ yếu của các cơ sở giáo dục. Trong đó, công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các em trước hiểm họa tai nạn giao thông, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Lễ phát động
Để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học, Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT, các nhà trường tập trung thực hiện tốt đợt cao điểm hưởng ứng Tháng hành động an toàn giao thông và cả năm học 2022-2023. Trong đó, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên, lồng ghép với các phong trào, các hoạt động của nhà trường một cách phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu qủa giữa ngành Giáo dục và các cơ quan liên quan, đặc biệt là cơ quan Công an để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tạo tác động từ nhiều phía đối với công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh sinh viên.
Thứ trưởng cũng đề nghị, các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện tham gia giao thông… Đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng phải quán triệt triệt để tới cán bộ, nhà giáo và sinh viên nghiêm túc thực hiện quy định về nồng độ còn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông quy định về đội mũ bảo hiểm; thực hiện các hành vi văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông; tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.
Diễu hành tuyên truyền bảo đảm an toàn giao thông
Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong những năm qua, tai nạn giao thông mặc dù đã từng bước được kiểm soát, tuy nhiên, vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Tính riêng trong năm 2021, số vụ tai nạn giao thông cả nước được ghi nhận là hơn 11 nghìn vụ, trong đó, có 10,3% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Nhân dịp lễ phát động, đại diện 5 Sở GDĐT khu vực phía Bắc và 5 trường Đại học, Cao đẳng ký cam kết với Bộ GDĐT, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia trong việc tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học. Quỹ phòng chống thương vong châu Á trao tặng 500 mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.