Bùn nạo vét “hóa” vật liệu san lấp
Mới đây (12/11), tại cảng Cửa Cấm (Hải Phòng), Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cùng đại diện các Vụ: Khoa học Công nghệ và Môi trường, Kết cấu hạ tầng giao thông cùng các cơ quan liên quan đã tới khảo sát công nghệ xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp của Công ty CP Tư vấn đầu tư công trình hàng hải Việt Nam (MCIC).
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang (đội mũ xanh) cùng đoàn công tác khảo sát công nghệ
xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp của
Công ty CP Tư vấn đầu tư công trình hàng hải Việt Nam chiều ngày 12/11.
Giới thiệu về hệ thống xử lý bùn nạo vét với quy mô công nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT MCIC Trần Thành Trung cho biết, hệ thống xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp được phát triển trên công nghệ lõi K-DPM với nguyên lý hòa trộn dòng khí nén đã được MCIC nhận chuyển giao từ AOMI.
Toàn bộ quá trình thí nghiệm mẫu bùn và quá trình kiểm soát chất lượng, đánh giá chất lượng sản phẩm đầu ra áp dụng theo Tiêu chuẩn Nhật Bản.
Quá trình thử nghiệm cho thấy, công nghệ ổn định bùn bằng xi măng có thể tạo ra được vật liệu có cường độ theo yêu cầu, từ 1kg/cm2 đến 3kg/cm2. Với tỷ lệ thử nghiệm 100kg XM/1m3 bùn, sản phẩm có kết quả vượt trội so với cát san lấp hiện nay: Kết quả nén UCS (28 ngày) đạt 2,5 - 3,0kg/cm2; Chỉ số xuyên côn 800Kpa.
Đặc biệt, với tính năng không hóa lỏng trong nước, khả năng xử lý bùn đặc nguyên dạng (thi công bằng xáng cạp) từ hệ thống tiếp nhận bùn đầu vào và đóng rắn ngay sau 5h, phương án này rất phù hợp cho việc thi công nạo vét kết hợp đồng thời san lấp mặt bằng tập trung như: Cảng biển, khu công nghiệp,…
“Đến nay, công nghệ ổn định bùn bằng xi măng bằng phương pháp trộn dòng khí nén này đã được ứng dụng thành công cho rất nhiều dự án lớn trên thế giới như: Sân bay Chubu Nhật Bản (năm 2002); Cảng Nanao Nhật Bản (năm 2005); Sân bay Quốc tế Tokyo Nhật Bản (năm 2009); cải tạo Vịnh Marina Singapore (năm 2011); Dự án Sigmaplan vùng Flander Bỉ (năm 2013); Cảng Tanjung priok Indonesia (năm 2013); Sân bay Đông Changi Singapore (năm 2014); Cảng NewYork, Mỹ (năm 2015).
Dành sự quan tâm đặc biệt đến kết quả vận hành thử nghiệm của hệ thống với mẫu bùn Hải Phòng, nơi được cho là có mẫu bùn yếu điển hình tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao vai trò tiên phong của MCIC.
Với những lợi ích lớn về bảo vệ môi trường và phát triển hạ kinh tế - hạ tầng, công nghệ xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp của MCIC không những góp phần tháo gỡ nút thắt về nạo vét và san lấp hiện nay mà sẽ giúp cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
“Tuy nhiên, đặc thù chi phí xử lý còn cao nên phương pháp này phù hợp áp dụng đối với các cảng đầu tư xây dựng mới, khi khu vực san lấp rất gần nơi nạo vét, các khu vực khó khăn về nguồn vật liệu san lấp”, Thứ trưởng nhận định, đồng thời, yêu cầu Cục Hàng hải VN phối hợp với Vụ KHCN&MT tổ chức hội thảo với các chủ đầu tư cảng xây dựng mới và các đơn vị tư vấn đầu ngành để xem xét việc ứng dụng công nghệ vào các dự án phát triển cảng trong tương lai.
Dây chuyền công nghệ xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp
đang được MCIC ứng dụng triển khai tại cảng Cửa Cấm (Hải Phòng)
Nhu cầu bức thiết
Cần phải nói thêm, nhu cầu ứng dụng công nghệ mới, xử lý vật liệu nạo vét đang được đặt ra một cách cấp thiết khi theo quy định, vật liệu nạo vét đang được coi vật liệu cần kiểm soát trong thi công, vận chuyển, bơm chuyển tải vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.
Công tác duy tu luồng hàng hải, khu bến trước cảng muốn thực hiện phải trải qua các thủ tục xin giấy phép điểm tập kết bùn nạo vét, lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, hồ sơ thủ tục nhận chìm vật chất nạo vét và giấy phép giao khu vực biển để sử dụng.
Bên cạnh đó, quỹ đất đổ bùn ngày càng hạn hẹp. Quy trình xin cấp phép liên quan đến nhiều cơ quan ban, ngành, địa phương và các bộ chủ quản, các đơn vị tiếp nhận bùn nạo vét dẫn đến quá trình hoàn thiện hồ sơ rất phức tạp, mất nhiều thời gian.
Đáng nói, trong thời gian chờ cơ quan chức năng chấp thuận khu vực đổ chất nạo vét, quá trình bồi lắng vẫn diễn ra, các cảng phải giảm tải trọng tàu tiếp nhận gây ảnh hưởng tới hoạt động khai thác và kinh doanh của các cảng, tác động không nhỏ đến hình ảnh và uy tín của hệ thống cảng biển Việt Nam nói chung.
Ông Trần Thành Trung, Chủ tịch HĐQT MCIC cho biết, theo tính toán, hiện, khối lượng duy tu nạo vét luồng hàng hải tại Việt Nam ước khoảng 10 triệu m3/năm. Lượng bùn nạo vét đường thủy nội địa ước khoảng 2 triệu m3/năm. Nhu cầu nạo vét từ các bến cảng tư nhân khoảng 10 triệu m3/năm.
Đáng nói, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng diện tích đất cần để phát triển theo quy hoạch là 33.600 ha, nhu cầu nạo vét khoảng 1 tỷ m3.
Tính trong 20 năm tới (2040), mỗi năm nhu cầu cần phải nạo vét là 50 triệu m3/năm. Đồng nghĩa, tổng nhu cầu mỗi năm (tính cả nhu cầu nạo vét các luồng tuyến quốc gia, nhu cầu nạo vét bến cảng) khoảng 70 triệu m3/năm.
Với ngành san lấp, tính toán của Viện Vật liệu xây dựng cho thấy, nguồn tài nguyên cát đang ngày càng cạn kiệt dần, công suất cấp phép khai thác hợp pháp cát xây dựng được giới hạn khoảng 62 triệu m3/năm trong khi nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3 và ngày càng tăng.
Như vậy, nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được từ 40-50% nhu cầu cát xây dựng.
Chưa kể, hoạt động buôn bán cát ngày càng trở lên hấp dẫn do lợi nhuận cao nên việc khai thác cát trái phép phát triển với quy mô lớn gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy và lượng phù sa tự nhiên, gây triều cường, xâm nhập mặn, đe doạ các công trình ven sông và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
“Thực tế đó cho thấy, công nghệ xử lý vật liệu nạo vét không chỉ giải quyết áp lực cho môi trường mà còn tăng được một khối lượng lớn vật liệu san lấp, phục vụ cho nhu cầu san lấp các công trình xây dựng nói chung, hệ thống cảng biển nói riêng”, ông Trung nói.
P.V