Nhiều xe xuống cấp, sắp hết niên hạn
Do sự phát triển ngày càng nhiều các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nên công nhân ở xa có nhu cầu sử dụng xe đưa rước đi làm hằng ngày càng lớn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, trên thực tế kiểm tra cho thấy, hầu hết các xe đưa rước công nhân đều là xe ô tô cũ, niên hạn sử dụng còn thấp, thân vỏ bên ngoài của xe đã quá cũ, có những phương tiện sơn xe đã bong tróc, cửa xe hoen rỉ... Đặc biệt, bên trong xe đa phần đều đã cải tạo lại so với thiết kế ban đầu nhằm để chở thêm người… Đây là những yếu tố tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất ATGT.
Cần có những chấn chỉnh để hoạt động xe đưa rước công nhân đi vào nền nếp
Ngoài ra, số lượng xe đưa rước công nhân quá lớn trong khi bãi đậu xe của các KCN diện tích không đáp ứng đủ nhu cầu dừng, đậu. Nhiều trường hợp xe đưa rước công nhân phải dừng, đậu xe trên vỉa hè, lề đường trong KCN nhưng vẫn phải đóng phí nên đa số các xe chọn đậu tại các bãi xe ngoài KCN. Mặt khác, một số công ty trong KCN chưa quan tâm tới việc bố trí xe đưa rước công nhân, chủ yếu hỗ trợ tiền đi lại cho công nhân, nên công nhân tự thuê xe đưa rước đi làm hằng ngày. Vì vậy, các công ty và Ban Quản lý các KCN tỉnh đều không thể rà soát, thống kê và quản lý được số lượng xe ra vào, hoạt động tại các KCN.
Theo thống kê, tại KCN Tân Hương (huyện Châu Thành) hiện có 175 xe thường xuyên đưa rước công nhân, nhưng chỉ có 58/175 xe được các công ty ký hợp đồng hằng năm với các đơn vị kinh doanh vận tải để đưa rước công nhân; 117 xe còn lại do các nhóm công nhân tự thuê xe đưa rước đi làm hằng ngày. Ngoài ra, còn một lượng lớn xe đưa rước công nhân không thể thống kê do không nằm ở bãi các KCN.
Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tiền Giang - Diệp Thanh Hà cho biết, đơn vị vừa phối hợp Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 6301S tiến hành kiểm tra dữ liệu 175 xe đưa rước công nhân thì phát hiện 1 xe đã hết niên hạn, 174 xe có hạn sử dụng từ 1 đến 3 năm, 12 xe hết thời hạn kiểm định.
Đặc biệt, 174 xe còn niên hạn đều đăng kiểm tại tỉnh Long An và các trung tâm đăng kiểm tư nhân khác. “Thậm chí, khi lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Tiền Giang vào cuộc tiến hành kiểm tra thực tế thì phát hiện 5/49 xe đưa rước công nhân vi phạm không lắp camera, phù hiệu hết hạn, chở người không có tên trong danh sách hoặc không có danh sách theo quy định” - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Diệp Thanh Hà cho biết thêm.
Có thể nói, dù biết chất lượng xe không bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn nhưng nhiều công nhân ở xa nơi làm việc chẳng còn chọn lựa nào khác. Công nhân chỉ biết trông chờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tại các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh để hoạt động xe đưa rước công nhân đi vào nền nếp.
Siết chặt quản lý
Nhằm đảm bảo trật tự ATGT và quản lý có hiệu quả hoạt động xe đưa rước công nhân thời gian tới, Sở GTVT Tiền Giang sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, Ban Quản lý KCN tỉnh và UBND các địa phương, cùng một số doanh nghiệp tập trung rà soát số lượng xe, công nhân có nhu cầu đưa rước đi làm hằng ngày; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hành trình tuyến để quản lý các xe đưa đón công nhân. Đồng thời, tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các đơn vị vận tải không bảo đảm các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định.
Theo đó, Thanh tra Sở GTVT phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh và Công an các huyện, thành phố, thị xã tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (phù hiệu chạy xe; xe chở quá số người quy định; phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; dừng, đậu sai quy định; người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia; không có Giấy phép lái xe…) nhằm siết chặt hoạt động vận chuyển hành khách theo hợp đồng đưa rước công nhân trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị tăng cường quản lý hoạt động của xe đưa rước công nhân qua thiết bị giám sát hành trình; xây dựng kế hoạch liên ngành trong chuyên đề xử lý vi phạm, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký và biển số xe đối với các xe đã hết niên hạn sử dụng theo quy định.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, giáo dục ý thức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe, công nhân nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không sử dụng các xe không đảm bảo điều kiện để vận chuyển đưa rước công nhân. Nghiên cứu quy hoạch, bố trí lại khu vực bãi đậu xe của các KCN đảm bảo diện tích, đáp ứng đủ nhu cầu đậu xe hằng ngày đối với các phương tiện đưa rước công nhân. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp xe đưa rước công nhân đậu trên vỉa hè, lề đường trong các KCN.
Song song đó, các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh quản lý chặt chẽ đội ngũ lái xe, các xe hợp đồng đưa rước công nhân, nghiêm cấm tình trạng sử dụng xe quá niên hạn, xe không đủ điều kiện đảm bảo an toàn để vận chuyển đưa rước công nhân; lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc hạng Giấy phép lái xe không phù hợp với loại phương tiện điều khiển.
Ngoài ra, Hiệp hội GTVT Tiền Giang thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến các thành viên Hiệp hội có xe tham gia vận chuyển hành khách theo hợp đồng đưa rước công nhân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; nâng cao trách nhiệm của đơn vị vận tải, của đội ngũ lái xe. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và triển khai kịp thời các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để nâng cao đạo đức nghề nghiệp.
Đặc biệt, các đăng kiểm viên, nhân viên đăng kiểm thuộc các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định; thực hiện đúng nội dung, phương pháp kiểm tra phương tiện; chú trọng đối với xe khách, đặc biệt là xe đưa rước công nhân. Ngăn ngừa hoặc xử lý nghiêm đăng kiểm viên, nhân viên đăng kiểm có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.