Nếu được thực hiện, Bangkok sẽ trở thành thành phố lớn thứ 2 của châu Á thực hiện chính sách này.
Tổn thất 332 triệu USD/năm vì tắc đường
Theo bảng xếp hạng chỉ số tắc nghẽn trên thế giới do nhà sản xuất thiết bị định vị TomTom NV thực hiện, năm 2019, Bangkok xếp thứ 11 (trước đó có lúc đứng thứ 8 thế giới và thứ 4 ở khu vực châu Á).
Theo báo cáo này, mỗi năm, người dân tại thành phố 10 triệu dân lãng phí 8 ngày và 14 giờ vì tắc nghẽn. Còn báo Thailand Herald từng có ước tính nền kinh tế Thái Lan thiệt hại khoảng 332 triệu USD/năm vì tắc đường.
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, vì ảnh hưởng từ các biện pháp giãn cách xã hội nên chỉ số tắc nghẽn của Bangkok nhanh chóng cải thiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng tắc đường đang quay trở lại như thời kỳ trước đại dịch.
Tắc đường tại Bangkok, Thái Lan
Ngoài vấn đề ách tắc, thủ đô Bangkok cũng đang phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Có thời điểm chỉ số ô nhiễm ở mức không tốt cho sức khỏe kéo dài hàng tuần vì tỉ lệ sử dụng phương tiện cá nhân tăng cao và hoạt động đốt rơm rạ ở các tỉnh lân cận.
Dù đã áp dụng nhiều biện pháp như ứng dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh sử dụng hệ thống camera và cảm biến để phát hiện tắc nghẽn và TNGT nhưng vấn nạn tắc đường vẫn tiếp diễn.
Để tiếp tục cải thiện tình trạng này, thời gian gần đây, Phòng Quy hoạch, Chính sách giao thông (TTPPO) thuộc Bộ GTVT Thái Lan đã phối hợp với cơ quan phát triển của Đức - Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit thực hiện một nghiên cứu về đề án thu phí tắc nghẽn nội đô Bangkok.
Dự án được thực hiện trong vòng 5 năm qua, đưa ra những đánh giá về mức độ khả thi khi áp dụng thu phí tắc nghẽn tại Bangkok. Nghiên cứu trên đã vạch ra từng kịch bản thực hiện khác nhau và phân tích tác động của từng trường hợp đối với những yếu tố như doanh thu từ tiền phí, khí thải CO2, gánh nặng tài chính của các hộ gia đình thu nhập thấp.
Ông Punya Chupanit, Giám đốc Phòng Quy hoạch, Chính sách giao thông Thái Lan khẳng định: “Nếu thực hiện thu phí tắc nghẽn sẽ có thể giúp giảm tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường”. Cụ thể, khi thực hiện, khu vực thu phí sẽ cải thiện tốc độ giao thông khoảng 20%, giảm khí thải CO2 thường niên khoảng 100.000 – 600.000 tấn.
Đồng thời, lúc này, nhiều người sẽ chuyển sang sử dụng lựa chọn giao thông công cộng hơn. Việc thu phí còn giúp giảm ô nhiễm bụi mịn PM2.5 lên tới 36%. Đây là loại bụi mịn liên quan tới các bệnh về phổi, tim gây tử vong sớm.
Mức phí đề nghị tương đương 33-80 nghìn VNĐ
TTPPO cho biết, trong nghiên cứu trên, các chuyên gia đã áp dụng mô hình thu phí tắc nghẽn của Thủ đô London (Anh) với Bangkok và đánh giá mức độ phù hợp.
Các chuyên gia Thái Lan và Đức đề nghị thu mức phí từ 50 baht (khoảng 33 nghìn VNĐ) lên tới 120 baht (gần 80 nghìn VNĐ) tùy các khu vực khác nhau trong thành phố.
Trước Thái Lan, đã có Singapore, Stockholm (Thụy Điển) và London (Anh) thu phí tắc nghẽn. Bên cạnh đó, nhiều thành phố lớn khác như: Hà Nội, TP.HCM (Việt Nam) và New York (Mỹ) đang nghiên cứu để triển khai thu phí nội đô. Trong đó, New York dự định thu phí với một số loại ô tô với mức phí tối đa là 23USD khi vào quận kinh doanh trung tâm Manhattan. Nếu được thực hiện, New York sẽ trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ thực hiện chính sách này.
Thái Lan sẽ áp dụng cách thu phí điện tử, sử dụng hệ thống tương tự như hệ thống M-Flow đang áp dụng trên đường cao tốc hiện tại của nước này, cho phép người tham gia giao thông đi qua khu vực trung tâm Bangkok và tự động thu phí sau.
Theo ông Punya, công nghệ thu phí này giống như hệ thống thu phí điện tử tại Singapore. Số tiền thu được từ phí tắc nghẽn sẽ được sử dụng để cải thiện giao thông công cộng, bãi đỗ ô tô.
Tuy nhiên, trước khi áp dụng thu phí, chính quyền Thủ đô Bangkok sẽ phải cân nhắc liệu hệ thống giao thông công cộng của thủ đô đã sẵn sàng để phục vụ thêm hành khách chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang công cộng hay chưa.
Ông Punya thừa nhận: “Sẽ mất khá nhiều thời gian để có thể đưa dự án thu phí tắc nghẽn đi vào đời sống.
Chẳng hạn, tại Thủ đô London đã nghiên cứu phương án này suốt 30 năm trước khi chính thức thực hiện thu phí”.
Giám đốc TTPPO nhấn mạnh, việc thu phí tắc nghẽn sẽ không được thực hiện nếu chính phủ nhận thấy cách làm này ảnh hưởng quá nhiều tới những người thường xuyên phải di chuyển vào nội đô để làm việc/học tập…
Ông Punya cho biết, cơ quan này sẽ lắng nghe ý kiến của cộng đồng về chính sách trước khi đề xuất lên Bộ GTVT Thái Lan. Dự kiến, toàn bộ nghiên cứu sẽ hoàn tất trong năm nay.
Chia sẻ trên báo Bangkok Post, bà Eva Ayaragarnchanakul, giảng viên Khoa Kinh tế Đại học Songkla, nghiên cứu sinh về định cư, kinh tế bền vững tại Đại học Kỹ thuật, Berlin, Đức cho rằng, từ kinh nghiệm của London có thể thấy, việc thực hiện chính sách thu phí không dừng là thách thức chính trị rất lớn.
Theo bà, chính sách thu phí này sẽ chỉ có hiệu quả khi đạt được 3 điều kiện.
Thứ nhất, đó là đảm bảo có các phương tiện giao thông thay thế. Với Bangkok, hệ thống vận tải công cộng hiện có xe buýt, hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao và tàu thông thường.
Nhưng vì mạng lưới vận tải công cộng còn hạn chế nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của phần lớn người dân sống ở bên ngoài khu vực trung tâm, do đó, đa phần những người này phải sử dụng phương tiện cá nhân.
Thứ hai, tiền phí thu được cần phải được sử dụng để tăng cường giao thông công cộng.
Cuối cùng là tất cả các bên từ các doanh nghiệp địa phương đến người dân đều cần được tham gia góp ý để xây dựng mô hình thu phí phù hợp.
Kinh nghiệm từ London
TP London bắt đầu triển khai khu vực thu phí tắc nghẽn từ năm 2003 để chuyển hướng người lái xe ô tô sang các phương tiện di chuyển khác. Các phương tiện đi vào khu vực nội đô từ 7 - 22h hàng ngày trừ ngày Giáng sinh, sẽ bị tính phí cố định hàng ngày là 15 bảng Anh (khoảng 17,60 euro). Kết quả, số lượng ô tô cá nhân đi vào nội thành London đã giảm 39% từ năm 2002 - 2014 và lưu lượng giao thông trong khu vực thu phí trong năm 2017 thấp hơn 22% so với một thập kỷ trước đó.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, số lượt sử dụng phương tiện công cộng ở London như: Xe buýt, xe điện, tàu điện ngầm và đường sắt tăng 10,5% so với đầu những năm 2000. Ngoài ra, lượt người đi xe đạp có mức tăng trưởng đáng kể, với 727.000 lượt/ngày tính trong năm 2016, tăng 9% so với năm 2015.
Bên cạnh cách thu phí này, London mới áp dụng thêm chính sách thu phí khu vực phát thải cực thấp (ULEZ) tại các quận trung tâm, nhằm mục đích cải thiện chất lượng không khí. Các phương tiện đi vào khu vực không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải sẽ phải trả thêm 12,50 bảng Anh (14,10 euro). Sau khi có hiệu lực vào ngày 8/4/2019, khu vực ULEZ đã được mở rộng hơn từ tháng 10/2021.