Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác về công nghệ, thiết bị hàng hải

Thứ ba, 06/12/2022 09:54

7 doanh nghiệp, đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp đến từ Hiệp hội Máy và Thiết bị tàu thủy Nhật Bản (JSMEA) đã giới thiệu những thành tựu và công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất về máy tàu, trang thiết bị tàu thủy, mở ra cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp, chủ tàu Việt Nam.

Kết nối công nghệ hàng hải Việt Nam - Nhật Bản

Chiều 5/12 tại Hà Nội, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA) phối hợp với Hiệp hội Máy và Thiết bị tàu thủy Nhật Bản (JSMEA) tổ chức Hội thảo Diễn đàn kết nối công nghệ hàng hải Nhật Bản. Sự kiện có sự tham gia của các thành viên Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, đại diện Cục Hàng hải VN, Cục Đăng kiểm VN. Đặc biệt là 7 doanh nghiệp hàng đầu đại diện cho khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực máy và thiết bị tàu thuỷ Nhật Bản thuộc Hiệp hội JSMEA. 

Tại sự kiện này, các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực máy móc, thiết bị tàu thủy như MEMAC, DAIHATSU, YANMAR, NAKASHIMA, HANSHIN DIESEL, TAIKO, KAMOME PROPELLER đã giới thiệu nhiều thiết bị, máy móc, công nghệ mới, hiện đại cung cấp cho tàu thủy.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác về công nghệ, thiết bị hàng hải   - Ảnh 1.

Hội thảo có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp đóng tàu, vận tải, cung cấp thiết bị,

máy móc tàu biển của Việt Nam và Nhật Bản

Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, với trên 3000 km bờ biển, kinh tế biển Việt Nam đóng góp gần 50% tổng GDP quốc gia, trong đó vận tải biển cũng góp phần quan trọng cho thành tựu chung này.

Trong khi đó, là một quốc gia có lịch sử phát triển ngành hàng hải lâu đời, Nhật Bản có các nhà máy đóng tàu với công nghệ hiện đại, tiên tiến cùng các hãng thiết bị, máy nổi tiếng bậc nhất trên thế giới.

Thực tế, hơn 70% các tàu biển đóng mới của Việt Nam đã sử dụng máy và các trang thiết bị của Nhật Bản có độ tin cậy và tính kinh tế cao. "Các bạn Nhật Bản đã luôn đồng hành cùng các nhà máy đóng tàu và các chủ tàu Việt Nam trong nhiều thập kỷ và đến nay vẫn là các đối tác tin cậy của cộng đồng Hàng hải Việt Nam", Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Lê Anh Sơn chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác về công nghệ, thiết bị hàng hải   - Ảnh 2.

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam phát biểu tại hội thảo

"Thông qua hội thảo, JSMEA và VSA mong muốn giới thiệu đến cộng đồng hàng hải Việt Nam những thành tựu và công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất về máy tàu, trang thiết bị tàu thủy của Nhật Bản, đặc biệt là công nghệ xanh và số hóa trong lĩnh vực hàng hải thông qua đại diện của các công ty sản xuất máy và thiết bị của Nhật Bản. Ngoài những thông tin về công nghệ, kỹ thuật, đây cũng là dịp để chúng ta có thể tìm hiểu về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, thu xếp về vốn cho việc đầu tư phát triển triển đội tàu từ Nhật Bản", ông Lê Anh Sơn cho biết thêm.

Tại hội thảo, ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) thông tin, Việt Nam có hơn 500 chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu; có 38 hãng tàu container nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong đó có tất cả các hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay khai thác thị phần quốc tế. Việt Nam hiện có 10 hãng tàu container đang hoạt động chủ yếu ở thị trường nội địa.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác về công nghệ, thiết bị hàng hải   - Ảnh 3.

Ông Võ Duy Thắng (trái), Trưởng phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN)
trao đổi với đại biểu tại hội thảo

"Đội tàu của Việt Nam chủ yếu là tàu nhỏ, vận tải từ bờ ra đảo. Ngoài tàu dầu, khí hoá lỏng và tàu khách có sự gia tăng thì tàu container gần như không có thay đổi. Tổng công suất các tàu container của Việt Nam chỉ bằng 2 tàu container lớn trên thế giới", ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo hàng hoá thông qua cảng biển Việt Nam đến năm 2030 khoảng 1.140 – 1.423 triệu tấn, trong đó: hàng container từ 455 – 559 triệu tấn (tương đương 38 – 47 triệu teus); hàng tổng hợp rời từ 521 – 673 triệu tấn; hàng lỏng từ 164 – 190 triệu tấn.

"Với dự báo như này thì thị trường cho vận tải biển là rất lớn, mở ra cơ hội cho đội tàu biển Việt Nam trong những năm tới", ông Thắng nói.

Khơi thông nguồn vốn để tiếp cận công nghệ mới, phương tiện hiện đại

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Lê Anh Sơn, thời gian qua, kinh tế thế giới đã chịu sự khủng khoảng kéo dài, đặc biệt là những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động rất xấu tới nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong đó, ngành vận tải biển cũng chịu những hậu quả tiêu cực nặng nề. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam không có điều kiện và khả năng đầu tư, phát triển đội tàu một cách mạnh mẽ.

"Phần lớn chủ tàu Việt Nam hiện nay đang quản lý và khai thác những tàu được đóng bằng công nghệ cũ, tiêu hao nhiên liệu cao, chi phí bảo quản, bảo dưỡng rất lớn nên kém sức cạnh tranh với các chủ tàu nước ngoài. Đội tàu của Tổng Công ty Hàng hải VN (VIMC) những năm 2010 có hơn 120 tàu với tổng trọng tải khoảng 3 triệu DWT, thì nay chỉ còn 60 tàu với tổng trọng tải 1,5 triệu DWT, tuổi trung bình đã trên 20 tuổi", ông Sơn thông tin.

Cũng theo ông Sơn, trước những dự báo, tín hiệu lạc quan về thị trường trong thời gian tới, nhu cầu phát triển, hiện đại hóa đội tàu được đóng bằng công nghệ mới tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường của các chủ tàu Việt Nam là rất lớn. "Riêng VIMC đã đặt ra mục tiêu ngắn hạn đến 2025 sẽ đầu tư phát triển thêm khoảng 12 tàu, trong đó khoảng 4 tàu container từ 1700 TEU đến 2200 TEU và 6 tàu hàng rời từ 30.000 DWT đến 60.000 DWT. Ngoài ra, các doanh nghiệp thành viên của VIMC cũng như các doanh nghiệp Hội viên của VSA cũng có nhu cầu đầu tư phát triển và đổi mới đội tàu nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp mình", Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho hay.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác về công nghệ, thiết bị hàng hải   - Ảnh 4.

Ông Masato Oda - Phó chủ tịch Hiệp hội Máy và Thiết bị tàu thủy Nhật Bản (JSMEA)

phát biểu tại hội thảo

Ông Masato Oda - Phó chủ tịch Hiệp hội Máy và Thiết bị tàu thủy Nhật Bản (JSMEA) cho rằng, các nhà sản xuất Nhật Bản từ lâu nay đã có nhiều sự hợp tác với các đối tác Việt Nam. Từ năm 2004, BEMAC, thành viên của Hiệp hội JSMEA đã có nhà máy ở KCN Thăng Long. "Tiếp cận công nghệ, năng lượng mới là vấn đề toàn cầu của ngành hàng hải. Chúng tôi hi vọng sẽ có nhiều chương trình hợp tác, chuyển giao công nghệ, đầu tư lâu dài với với các đối tác ở Việt Nam", ông Masato Oda nói.

Trong khi đó, ông Maeda Takanari, đại diện đến từ Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch của Nhật Bản khẳng định, Nhật Bản thuộc top đầu thế giới về công nghiệp đóng tàu, ngành hàng hải tạo ra nhiều hiệu quả cao về kinh tế và tuyển dụng, hỗ trợ nền kinh tế ở các địa phương.

"Hiện chúng tôi có những gói vay, cấp vốn nhập khẩu cho các tổ chức nước ngoài. Điều kiện cấp vốn xuất khẩu, thời gian cho vay cũng khá linh hoạt để các doanh nghiệp có thể tiếp cận", ông Maeda Takanari cho hay.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác về công nghệ, thiết bị hàng hải   - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Tổng giám đốc SBIC chia sẻ tại hội thảo

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC), hiện các doanh nghiệp của SBIC phần lớn là sửa chữa tàu, việc đóng mới chủ yếu đóng cho chủ tàu nội địa. Tuy nhiên, năng lực đóng tàu của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng cho nhu cầu thị trường trong nước và thế giới. Thậm chí, các doanh nghiệp đã có thể đóng được tàu thám hiểm Nam Cực, loại tàu đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật, trang thiết bị. Trong khi đó, năng lực sửa chữa có thể tiếp nhận tàu đến 70.000 DWT.

"Chúng tôi mong muốn có sự hợp tác, chia sẻ về cơ hội đầu tư với doanh nghiệp Nhật Bản, không phải là một chiều – nhập thiết bị, máy móc từ Nhật Bản mà ở chiều ngược lại, với chi phí rẻ và nhân lực dồi dào, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận việc sản xuất nhiều thiết bị, phụ kiện cho doanh nghiệp Nhật, hợp tác về chuyển đổi số, công nghệ, đưa người lao động có tay nghề đi hợp tác theo các dự án, đơn vị có năng lực về tàu thuyền. Có như vậy mới đảm bảo sự tương tác, mối quan hệ hợp tác lâu dài", ông Đạt cho hay.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Bùi Văn Trung, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nghẽn, khó khăn mà các chủ tàu Việt Nam đang gặp phải là eo hẹp về nguồn tài chính. Bởi sau nhiều năm trải qua giai đoạn khó khăn, các đơn vị mong muốn có cơ hội phát triển. Nhưng do các điều kiện ngặt nghèo khi tiếp cận nguồn vốn nên chủ tàu Việt Nam chủ yếu mua tàu cũ, từ đó việc mua sắm thiết bị, phụ tùng để duy trì hoạt động phương tiện cũng rất lớn. Nếu không có sự hỗ trợ về tài chính, các hoạt động đóng mới khó khởi động, đặc biệt với các dự án tàu có công suất lớn. Thực tế, các nhà máy SBIC vẫn chưa được tận dụng hết.

"Hiện nay, việc sửa chữa, mua tàu cũ vẫn cần nhưng lâu dài sẽ đối mặt với nhiều vấn đề về chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đáp ứng các cam kết về môi trường. Nhu cầu, tiềm năng của ngành vận tải biển Việt Nam rất lớn. Trong khi đó, JSMEA có khoảng 200 đơn vị thành viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, cung cấp đa dạng các trang thiết bị, công nghệ, thậm chí cả khâu thiết kế. Đây là cơ hội để các chủ tàu Việt Nam tìm kiếm sự hợp tác, chuyển giao công nghệ", ông Trung nói và cho rằng, thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản có hỗ trợ cho một số chương trình đóng tàu, nhưng chủ yếu ở lĩnh vực quốc phòng, do đó cần thêm những chính sách rõ ràng, hấp dẫn cho lĩnh vực đóng tàu thương mại.

Nguồn: Tạp chí GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:54724
Lượt truy cập: 175.933.364