Đơn giản, nhiều tiện ích
Các báo cáo gần đây cho thấy giá điện tăng đồng nghĩa với sạc xe điện gần như đắt ngang với việc đổ xăng cho ô tô ở châu Âu. Khi chi phí tiêu dùng tiếp tục tăng, nhiều người lo ngại về khả năng tiếp tục sử dụng xe điện thay cho phương tiện di chuyển hàng ngày. Tuy nhiên, việc thay đổi vật liệu và linh kiện thiết kế bằng vật liệu tái chế đã mang lại cho xe điện hình ảnh mới, tốc độ nhanh và thân thiện hơn với môi trường.
Vào tháng 9 năm nay, nhà sản xuất ô tô Citroen đã công bố mẫu xe điện phiên bản ý tưởng mới được làm từ vật liệu tái chế là EV-Oli. Chiếc xe nặng 1 tấn, mức tiêu hao năng lượng chỉ 10 kWh/100kg, có thể chạy đến 400km mỗi lần sạc, với pin 40kWh có khả năng sạc 20-80% trong 23 phút, cho phép nó đạt hiệu quả tối đa. Xe còn trang bị tính năng kết nối V2G (kết nối xe với lưới điện) và V2L (giúp sạc một số thiết bị điện khác).
Để tăng tuổi thọ của xe, Citroen thiết kế Oli theo hướng có thể cải tạo thay vì thay thế, các bộ phận của Oli có thể được tái sử dụng hoặc tái chế. Theo nhà sản xuất ô tô Pháp, chiếc xe 4 chỗ này có nắp ca-pô phẳng, mui xe và các tấm chắn đầu xe được làm từ bìa carton tái chế. Các vật liệu này có trọng lượng nhẹ hơn, cần ít vật liệu sản xuất hơn.
Citroen khẳng định mặc dù sử dụng vật liệu khác thường nhưng thân xe vẫn chịu lực tốt. Oli cũng có ghế ô tô bằng chất liệu mắt lưới, loa bluetooth có thể tháo rời, bảng điều khiển không có màn hình và các thiết bị sạc di động.
Mục đích khi phát triển Oli là tạo một chiếc xe điện nhỏ, đơn giản hơn và có nhiều tiện ích thay vì một chiếc xe nặng nề. Giám đốc điều hành của công ty, Vincent Cobée cho rằng tầm quan trọng của một chiếc xe điện là giá cả phải chăng. Mặc dù nhiều nhà sản xuất ô tô đang hướng tới một loại xe điện thông minh hơn, nhanh hơn, tầm hoạt động xa hơn, nhưng nó đã tăng giá đáng kể; nghĩa là không phải ai cũng đủ khả năng chuyển sang xe điện khi các quốc gia áp dụng lệnh cấm với xe động cơ đốt trong (ICE).
Xe EV-Oli
Trước đó, hãng sản xuất ô tô BMW của Đức giới thiệu mẫu ô tô BMW i Vision Circular, một chiếc xe được chế tạo từ vật liệu tái chế và thân thiện môi trường. Thân xe được chế tạo từ nhôm tái chế với lớp hoàn thiện mạ vàng nhạt. Các chi tiết trang trí của mẫu concept là nhựa tái chế với vẻ ngoài bằng đá cẩm thạch. Lốp xe màu xanh lam nhẹ, được làm từ cao su tự nhiên được trồng bền vững. BMW cho biết từ đầu đã hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn trong suốt quá trình thiết kế mẫu xe trên.
Trong khi đó, một số công ty đang sản xuất ô tô sử dụng thép không nhiên liệu hóa thạch. Tập đoàn Volvo gần đây cho biết sẽ sử dụng hydro xanh để cung cấp năng lượng cho nhà máy thép của mình nhằm giảm lượng khí thải CO2. Thép có thể chiếm tới 60% cấu trúc ô tô, nghĩa là việc dùng kim loại không sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô khử carbon đáng kể trong hoạt động.
Đẩy mạnh tái chế pin
Các công ty khác thì đang khám phá nhựa tái chế để thay thế cho một số bộ phận của xe như bảng điều khiển và tấm chắn, có thể được sản xuất bằng chai nhựa tái chế. Liên minh châu Âu thậm chí còn đang thảo luận về khả năng bắt buộc sử dụng nhựa tái chế trong xe điện. Ngoài việc thân thiện môi trường, việc sử dụng các vật liệu khác ngoài da, gỗ và thép có thể làm cho xe điện mới có trọng lượng nhẹ hơn.
Nửa đầu năm nay, khoảng 4,3 triệu xe điện được bán ra trên toàn cầu, tăng 62% so với cùng kỳ. Doanh số bán xe điện tiếp tục tăng dẫn đến nhu cầu về pin cao đột biến. Các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách kết hợp các vật liệu sáng tạo và đặc biệt thân thiện môi trường vào sản xuất pin xe điện. Khi một số nhà sản xuất ô tô đang cải tiến pin nhiên liệu hydro cho ô tô, các nhà sản xuất pin khác tìm cách làm cho thiết kế pin của họ cạnh tranh hơn. Nhiều “ông lớn” trong ngành xe điện cũng xây dựng nhà máy tái chế pin để tái sử dụng hoặc dùng cho mục đích khác.
Thời gian gần đây, cuộc đua thu thập và tái chế pin lithium-ion đã diễn ra tại những nơi xe điện thịnh hành. Các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà sản xuất ô tô và công ty năng lượng đổ tiền vào hàng chục công ty tái chế khởi nghiệp ở Bắc Mỹ, châu Âu và một số nơi khác. Những nhà máy do các công ty này điều hành có thể cung cấp cho nhà tái chế rất nhiều vật liệu pin bị lỗi hoặc dư thừa.
Theo một báo cáo gần đây của công ty theo dõi chuỗi cung ứng cho xe điện Benchmark Mineral Intelligence (Mỹ), có khoảng 78% vật liệu có thể tái chế trên toàn cầu vào năm 2025, đây vẫn là nguồn chính cho các nhà tái chế đến giữa những năm 2030, khi pin đã qua sử dụng trở nên dễ tiếp cận.
Trong số các công ty tái chế pin, Redwood Materials đang là doanh nghiệp nổi trội. Công ty này do JB Straubel - cựu giám đốc điều hành hàng đầu của Tesla, thành lập. Redwood chủ yếu sản xuất vật liệu pin, pin của hãng chủ yếu được làm từ kim loại thu hồi hoặc nguyên liệu khai thác. Hãng đã thiết lập quan hệ đối tác tái chế với Ford Motor, Toyota, Volkswagen và Volvo…
Redwood công bố khoản đầu tư khổng lồ 3,5 tỷ USD cho nhà máy ở Nam Carolina, một khu vực đang nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất pin và xe điện của Mỹ. Tập đoàn xe hơi lớn nhất nước Đức - Volkswagen đã mở nhà máy tái chế SalzGiga với công suất xử lý 3.600 khối pin/năm. Ước tính nhà máy này có thể thu hồi tới 95% thành phần lithium, nickel, mangan.