Thủ tướng phát lệnh thi công Dự án đường sắt Nha Trang - Sài Gòn

Thứ sáu, 27/01/2023 10:15

Chiều tối 26/1 (mùng 5 Tết) tại Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát lệnh triển khai thi công Dự án cải tạo nâng cấp đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy và lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ ra quân

Phát biểu chỉ đạo tại lễ ra quân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tầm quan trọng của việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, khi mở mới các tuyến đường đến đâu sẽ thay đổi diện mạo và phát triển kinh tế các địa phương đến đó.

Khi có các tuyến cao tốc đi qua, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ rất cụ thể đặc biệt quan tâm đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT, Bộ ngành liên quan vừa qua đã khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc trên trục Bắc - Nam và nay tiếp tục triển khai thi công Dự án cải tạo đoạn đường sắt Nha Trang - Sài Gòn.

Nhấn mạnh ngành đường sắt chưa được đầu tư đúng mức từ nhiều năm. Việc cải tạo nâng cấp, vận tải đường sắt còn nhiều bất cập, thị phần giảm sút, chưa kéo giảm được chi phí logistics... vì vậy cần đổi mới cách thức đầu tư như đầu tư bằng hình thức công tư PPP...

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay thăm hỏi công nhân thi công dự án tại lễ ra quân

Theo Thủ tướng, quy hoạch đường sắt đã có nhưng do nhiều nguyên nhân nên việc đầu tư xây dựng dành cho đường sắt còn hạn chế. Phải xác định ngoài việc cải tạo tuyến đường sắt hiện có ngoài trục Bắc - Nam phải kết nối các tuyến đường sắt Đông - Tây, kết nối quốc tế. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề đòi hỏi quyết tâm nỗ lực rất lớn.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành quan tâm và xem là một trong những nhiệm vụ về quy hoạch đường sắt giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Bên cạnh cải tạo các đoạn đường sắt hiện hữu phải nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao từ TP.HCM ra Hà Nội và ngược lại.

Ông đặt giả thiết nếu tuyến đường sắt tốc độ cao khoảng 200km/h từ Hà Nội chỉ nằm ngủ một giấc là đến TP.HCM. Nếu đưa vào khai thác sẽ giảm được áp lực đường hàng không, đường bộ.

Thủ tướng trao quà động viên kỹ sư, công nhân đường sắt chiều tối mùng 5 Tết

Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT, các đơn vị liên quan phải tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu về kỹ thuật, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quá trình triển khai. Dự án phải hoàn thành trong năm 2025. Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư điều hành sát thực tiễn, kiểm tra đôn đốc, giám sát phải được coi trọng. Giám sát chặt chất lượng tiến độ, đảm bảo an toàn thi công

“Các tỉnh có dự án đi qua và các Bộ ngành cần hỗ trợ phối hợp chặt với Bộ GTVT kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng và phát huy ngay hiệu quả khi đưa vào khai thác.

Cần chấm dứt tình trạng quan liêu, tránh tình trạng một vấn đề khi chuyển sang một Bộ, ngành phải giải quyết trong nhiều tháng. Cùng chung tay kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút triển khai thi công dự án

Theo Ban Quản lý đường sắt (Bộ GTVT), Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (giai đoạn 2) được Bộ GTVT phê duyệt vào cuối tháng 4/2022.

Dự án gồm 3 gói thầu xây lắp, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.098 tỷ đồng bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Các hạng mục đầu tư gồm cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000mm với các hạng mục: Cải tạo các cầu yếu; cải tạo kiến trúc tầng trên và một số hạng mục công trình đồng bộ (hệ thống thoát nước); cải tạo, sửa chữa, xây mới một số ga hành khách và hàng hóa.

Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt báo cáo tại buổi lễ ra quân

Nâng cấp 4 cầu yếu tại Km1384+396, Km1389+847, Km1408+236 (Ninh Thuận) và Km1605+307 (Bình Thuận) phù hợp với quy mô tuyến đường và hiện trạng kết cấu công trình. Nâng cấp kiến trúc tầng trên (thay ray, tà vẹt…) của 9 đoạn với tổng chiều dài khoảng 87km phù hợp với hệ thống hạ tầng hiện hữu, tốc độ thiết kế đạt 100km/h.

Với ga Sóng Thần sẽ sửa chữa nâng cấp bãi làm hàng đáp ứng nhu cầu vận tải của ga đến năm 2030 đạt công suất xếp dỡ hàng hóa đạt hơn 2,1 triệu tấn/năm. Kéo dài các đường xếp dỡ hiện hữu trong ga, đặt mới 2 đường xếp dỡ; Bãi xếp dỡ hàng hóa An Bình và Sóng Thần:..

Với ga Dĩ An (ga hành khách) tiến hành xây dựng mới, kết hợp cải tạo đường ga và công trình đồng bộ. Xây mới nhà ga Dĩ An mới 2 tầng bao gồm đầy đủ các phòng chức năng, phòng đợi tàu và các công trình phụ trợ khác tại nhà ga.

Sau hoàn thành sẽ đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; từng bước nâng cao năng lực thông qua, năng lực chuyên chở. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có trên khu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:22896
Lượt truy cập: 176.097.935