Bí thư tỉnh ủy Hải Nam Thẩm Hiểu Minh đánh giá cao quá trình phát triển KTXH
của Việt Nam, mong muốn đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên
Cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian tiếp Đoàn, Bí thư tỉnh ủy Hải Nam Thẩm Hiểu Minh cho biết, Trung Quốc nói chung và tỉnh Hải Nam nói riêng đánh giá rất cao quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, vì vậy rất muốn đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên. “Muốn phát triển hợp tác về kinh tế thì trước tiên phải thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực GTVT. Giao thông có thông suốt, thuận tiện mới tạo điều kiện để tiến hành các hợp tác về kinh tế xã hội”, Bí thư Thẩm Hiều Minh nhận định.
Bí thư tỉnh Hải Nam đề xuất việc khôi phục một số tuyến tuyến vận tải biển
giữa Hải Nam và Việt Nam
Trước hết, Bí thư tỉnh Hải Nam đề xuất việc khôi phục tuyến vận tải biển Hải Nam (cảng Dương Phố) – Hải Phòng và đề xuất mở mới tuyến vận tải hàng hóa, hành khách đường biển từ cảng Bát Sở đến cảng Cái Lân, Quảng Ninh (mở tuyến cố định cho tàu RoRo từ Hải Nam đến một số cảng biển của Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu du lịch quốc tế tự lái xe của người dân Trung Quốc.
Đồng thời, tỉnh Hải Nam cũng mong Bộ GTVT Việt Nam ủng hộ việc khôi phục lại tuyến vận tải khách du lịch đường biển từ Hải Nam (cảng Hải Khẩu) đến Hạ Long, Đà Nẵng và đề xuất mở mới tuyến vận tải du lịch đường biển từ Tam Á đến Đà Nẵng, Nha Trang. Bên cạnh đó, cũng đề nghị Bộ GTVT Việt Nam xem xét phối hợp với tỉnh Hải Nam đề sớm khôi phục đường bay giữa Hải Nam và Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao sự phát triển của tỉnh Hải Nam
trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của đồng chí Thẩm Hiểu Minh
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng hoan nghênh đồng chí Thẩm Hiểu Minh, Bí thư tỉnh ủy Hải Nam có chuyến công tác tại Việt Nam và đến làm việc với Bộ GTVT. Bộ trưởng bày tỏ ngưỡng mộ đối với thành tựu phát triển của Trung Quốc, trong năm 2022, mặc dù phải đối mặt môi trường quốc tế đầy biến động, nhiệm vụ cải cách, phát triển rất nặng nề, đặc biệt là trước làn sóng dịch Covid-19, nhưng Chính phủ Trung Quốc đã kết hợp hiệu quả việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với phát triển kinh tế - xã hội, đạt được sự ổn định về việc làm và giá cả, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì nền kinh tế vận hành trong phạm vi hợp lý.
Đặc biệt, Bộ trưởng đánh giá cao sự phát triển của tỉnh Hải Nam trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của đồng chí Thẩm Hiểu Minh. “Hải Nam hội đủ ba yếu tố: Thiên thời – địa lợi – Nhân hòa để tiếp tục phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cơ bản thống nhất với các đề xuất của tỉnh Hải Nam
Sau khi nghe ý kiến của đồng chí Thẩm Hiểu Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giao thông là khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều hiệp định hợp tác vận tải trong lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải… đã được hai bên ký kết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác hai nước, góp phần thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại và du lịch giữa hai bên. Đây cũng là điều kiện pháp lý để các doanh nghiệp vận tải biển, các hãng hàng không hai nước tổ chức khai thác các đường bay, tuyến vận tải biển giữa Hải Nam đến Việt Nam.
Về khôi phục tuyến vận tải biển Hải Nam (cảng Dương Phố) - Hải Phòng: Theo quy định hiện hành của Việt Nam không có quy định về đăng ký mở tuyến vận tải biển cố định như Trung Quốc, các hãng tàu có nhu cầu thống nhất với cảng để thực hiện mở tuyến vận tải. Bộ GTVT ủng hộ việc mở tuyến vận tải giữa hai nước, tăng cường hợp tác về vận tải biển giữa cảng Hải Phòng và Hải Nam, tiếp tục duy trì và phát triển số lượng tàu thuyền, sản lượng, chủng loại hàng hóa cũng như đơn giản hóa các thủ tục để tàu thuyền được vào, rời cảng thuận lợi, an toàn, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của công ước quốc tế, quy định của quốc gia có cảng.
“Bộ GTVT ủng hộ việc mở tuyến vận tải hàng hóa, hành khách đường biển từ cảng Bát Sở đến cảng Cái Lân, Quảng Ninh. Phương tiện tham gia vận tải chỉ cần đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Công ước quốc tế về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển, quy định của quốc gia có cảng. Hiện tại, cảng Cái Lân, Quảng Ninh có khả năng tiếp nhận tàu đến 85.000 DWT làm hàng. Riêng đối với phà biển (Ro-Ro) đến cảng sẽ tuỳ thuộc vào thông số kỹ thuật của phương tiện để xem xét tiếp nhận phù hợp. Đối với loại hình này chỉ có phương tiện của Trung Quốc sang Việt Nam còn Việt Nam chưa có phương tiện phà biển hoạt động quốc tế, Bộ trưởng Nguyển Văn Thắng trả lời đề xuất của tỉnh Hải Nam.
Còn việc khôi phục tuyến vận tải khách du lịch đường biển từ Hải Nam (cảng Hải Khẩu) đến Hạ Long, Đà Nẵng; Đề xuất mở mới tuyến vận tải du lịch đường biển từ Tam Á đến Đà Nẵng, Nha Trang, theo Bộ trưởng, cũng như quy định về mở tuyến vận tải hàng hóa, các hãng tàu chủ động làm việc với các cảng để thống nhất mở tuyến. Bộ GTVT ủng hộ việc mở tuyến vận tải giữa hai nước; đặc biệt đối với tàu khách sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch ở các địa phương của Việt Nam. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác để đơn giản hóa các thủ tục để tàu thuyền được vào, rời cảng thuận lợi, an toàn.
Bộ trưởng cũng nhất trí cao với đề xuất khôi phục đường bay giữa Hải Nam và Việt Nam. Trên cơ sở hiệp định vận tải hàng không đã ký giữa hai nước, Bộ GTVT ủng hộ việc mở lại đường bay giữa Hải Nam đến Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại điểm đến Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang bị quá tải về slot, đặc biệt là các khung giờ thuận lợi. Đề nghị hãng hàng không của Hải Nam liên hệ với Cục Hàng không Việt Nam để được hướng dẫn. Hiện tại Cục HKVN đã xác nhận slot cho Hãng hàng không Hainan Airlines khai thác chở khách đường bay mới Thâm Quyến-Tp Hồ Chí Minh-Thâm Quyến từ ngày 18/3/2023 đến 28/3/2023.
Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang dành ưu tiên cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng giao thông, coi đây là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đường cao tốc đã hoàn thành của Việt Nam tới thời điểm hiện nay là 1.290 km.
Với sự chỉ đạo và quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đang tập trung triển khai Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với 654km giai đoạn I đang được triển khai thi công quyết liệt, phấn đấu thông xe vào năm 2023 và giai đoạn II với 729 km đã khởi công vào ngày 01/01/2023 vừa qua. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc, tới năm 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc. Điều đáng nói, hệ thống đường cao tốc Bắc Nam phía Đông này sẽ có nhiều điểm kết nối với các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc.
Ngoài ra, triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đã tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Qua tìm hiểu kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao của các nước trên thế giới, Bộ GTVT được biết tại Trung Quốc GTVT đường sắt đóng vai trò quan trọng và được ví như động mạch chính của nền kinh tế quốc gia. Việc hoạch định, phát triển thần kỳ mạng lưới đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc là bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng cảm ơn đồng chí Bí thư Thẩm Hiểu Minh đã đến thăm và làm việc với Bộ GTVT Việt Nam và chúc Bí thư Thẩm Hiểu Minh có chuyến công tác thành công tại Việt Nam. Đồng thời cảm ơn đồng chí Đại sứ Hùng Ba đã tích cực hỗ trợ các hoạt động hợp tác GTVT song phương giữa hai nước trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của đồng chí trong thời gian tới.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên cùng thống nhất sẽ tiếp tục trao đổi cụ thể hợn nữa về những vần đề đã nêu và hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung, giữa Bộ GTVT Việt Nam và tỉnh Hải Nam nói riêng dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi sẽ ngày càng phát triển.
H.N