Giám sát nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Thứ tư, 22/02/2023 15:22

Giám sát là việc làm cần thiết đối với mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội, đặc biệt là đối với chính đảng của giai cấp vô sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam.

Ảnh minh họa.

ĐỔI MỚI, CHỦ ĐỘNG, KỊP THỜI

Để lãnh đạo đúng, trước hết Đảng “phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng". Tuy nhiên, lãnh đạo đúng để đi đến thành công còn cần “Phải tổ chức sự thi hành cho đúng.... " và “Phải tổ chức sự kiểm soát..."(1). Quy trình lãnh đạo này nhằm biến lý luận thành thực tiễn, đường lối, chính sách, nghị quyết đi vào cuộc sống. Mặt khác, nói về kiểm soát, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “1. Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu. 2. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan. 3. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”(2) và “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi"(3). Kiểm soát ở đây chính là kiểm tra và giám sát, một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng.

Trong giám sát có nhiều hình thức khác nhau, ngoài sự giám sát từ trên xuống và từ dưới lên, giám sát trực tiếp và gián tiếp còn có giám sát từ trong ra và từ ngoài vào. Giám sát từ trong ra là sự giám sát trong nội bộ Đảng, trong nội bộ tổ chức, là sự tự giám sát chính mình. Giám sát từ ngoài vào là kết hợp với vai trò quản lý của Nhà nước, sự tham gia giám sát của các đoàn thể chính trị và nhân dân.

Trong thực hiện giám sát từ ngoài vào, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia giám sát của nhân dân. Người khẳng định: “Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”(4) hay “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”(5).

Theo Hồ Chí Minh, giám sát của nhân dân không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; kịp thời ngăn ngừa những khuyết điểm, sai lầm và giúp đỡ họ sửa chữa mà còn khơi dậy được tính tích cực, sức mạnh to lớn của nhân dân, củng cố uy tín của Đảng trước quần chúng. Thực hiện công tác giám sát trong Đảng một cách nghiêm ngặt kết hợp với giám sát bên ngoài của nhân dân sẽ góp phần làm cho Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Người viết:

"- Một mặt trong có Đảng kiểm tra đôn đốc.

- Một mặt có anh em ngoài kiểm tra đôn đốc.

Như thế đảng viên và cán bộ ngoài Đảng cùng được giáo dục. Nếu đảng viên không gương mẫu, người ngoài Đảng có thể nói là không xứng đáng. Hoặc anh em ngoài gương mẫu thì có thể đề nghị Đảng công nhận là đảng viên”(6).

Ngay khi Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công, chính quyền vừa mới được thành lập, Hồ Chí Minh đã nhận thấy một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện lên mặt làm quan cách mạng, cậy có chức quyền nhũng nhiễu nhân dân. Người đã đề nghị nhân dân tích cực tham gia giám sát, giúp đỡ Đảng, Chính phủ. Người chỉ rõ: “Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân, phì gia ... Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ”(7). Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, phần “Cách lãnh đạo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề ra cho dân thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(8).

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về giám sát có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng không những trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc mà còn trong công tác xây dựng Đảng giai đoạn hiện nay. Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giám sát, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn nhận thức và phát huy vai trò to lớn của giám sát trong công tác xây dựng Đảng. Công tác giám sát đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; bảo vệ đường lối, quan điểm, các nguyên tắc của Đảng; thúc đẩy xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng… góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng.

Trong thời gian gần đây, công tác giám sát có nhiều đổi mới, chủ động và kịp thời hơn, bám sát yêu cầu thực tiễn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”(9).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát vẫn còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế cần sớm được khắc phục nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đặc biệt, một số cơ sở, công tác giám sát chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, còn mang tính hình thức, chưa quyết liệt, còn có hiện tượng nể nang, né tránh, đùn đẩy, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên... Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm…; còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời”(10).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm kè bảo vệ sông Đà ở Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (8/7/1958)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm kè bảo vệ sông Đà ở Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (8/7/1958)

 

ĐỀ CAO VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA NHÂN DÂN

Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng chính là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự có hiệu quả thì không thể thiếu sự tham gia đóng góp của nhân dân. Thực tiễn những năm vừa qua đã chứng minh, có nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra trong nội bộ Đảng là do quần chúng nhân dân phát hiện. Đặc biệt, năm 2023 được xác định là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, càng đòi hỏi sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác giám sát của Đảng nhất thiết phải dựa vào dân, phát huy cao nhất sự tham gia, đóng góp của nhân dân. Đảng phải tạo mọi điều kiện và có thiết chế để nhân dân thực hành quyền giám sát hoạt động của Đảng; nội dung giám sát phải toàn diện bao gồm mọi hành vi liên quan đến phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên...

Thấm nhuần hơn nữa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giám sát từ ngoài vào, đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân, cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần phải tuyên truyền, giáo dục nhân dân về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của mình trong xây dựng Đảng thông qua hoạt động giám sát. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói về giám sát của nhân dân trong cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu của cán bộ, đảng viên: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tội tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”(11). Mặt khác, “dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiền tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu”(12), người cán bộ phải nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của nhân dân, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng chậm tiến, lạc hậu để họ thực hiện tốt vai trò, quyền và trách nhiệm giám sát đối với Đảng. Cần tránh thái độ thờ ơ, lảng tránh hoặc qua quýt cho xong việc hoặc thái độ lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên đề công kích, phá hoại tổ chức Đảng, hạ thấp uy tín của đảng viên.

Thứ hai, trong thực hiện giám sát phải phát huy dân chủ trong nhân dân. Dân chủ thể hiện quyền của người dân và nghĩa vụ của người dân: Nhân dân là chủ và Nhân dân làm chủ. Quyền và nghĩa vụ đó được quy định trong Hiến pháp, pháp luật. Nhưng để quyền đó được thực thi trong thực tế, để người dân có thể thực hiện quyền đó một cách thường xuyên, cần có những quy định rõ ràng cụ thể, có cơ chế thực hiện. Theo Hồ Chí Minh, muốn dân chúng tham gia bày tỏ ý kiến, cán bộ phải quan tâm, phải khéo léo khơi gợi cho người dân nói lên tiếng nói của mình, từ đó, gom góp lại, sắp đặt lại cho có thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của dân chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm chuyên môn của mình. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải chú trọng phát huy vai trò của nhân dân thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nhất là qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cần tạo cơ chế để người dân nói lên tiếng nói của mình trong giám sát Đảng mà không sợ bị trả thù, trù úm, đồng thời cũng cần đấu tranh chống các thủ đoạn lợi dụng diễn đàn dân chủ để tuyên truyền cho những tư tưởng, mục đích cá nhân, gây hại cho Đảng và cho xã hội

Thứ ba, phát huy vai trò tích cực của dư luận xã hội. Dư luận xã hội là “luật bất thành văn” có tác động trong điều chỉnh các quan hệ xã hội, giáo dục, giám sát, tư vấn, phản biện và giải tỏa tâm lý xã hội. Dư luận xã hội chính là một kênh thông tin thể hiện sự quan sát, đánh giá của nhân dân đối với Đảng và cán bộ, đảng viên, góp phần vào việc xây dựng, củng cố Đảng; phòng chống nguy cơ suy thoái trong cán bộ, đảng viên. Sự nhìn nhận, đánh giá của dư luận xã hội góp phần giám sát các hoạt động của các tổ chức đảng và Nhà nước, các cán bộ của Đảng và Nhà nước, buộc họ phải làm việc phù hợp với lợi ích chung của xã hội, các quy định của Đảng và nhà nước. Trước các hiện tượng tiêu cực, các hành vi phạm và “lệch chuẩn” của cán bộ, đảng viên, thái độ phản ứng của dư luận xã hội tạo ra sức ép lớn đến suy nghĩ, hành động của mỗi người và có tác động nhất định trong việc thay đổi nhận thức, hành vi của họ.

Trong điều kiện hiện nay, cần định hướng cho dư luận xã hội về sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, cần chú ý đấu tranh, loại bỏ những dư luận có tác động tiêu cực, bảo thủ, kìm hãm hành vi tích cực và sự sáng tạo, nhất là dư luận tiêu cực xuất phát từ mục tiêu tự bào chữa của những phần tử cơ hội, tham nhũng, tiêu cực tạo nên hoặc thủ đoạn của các thế lực trong tạo dư luận xấu đề gây kích động trong nhân dân.

Thứ tư, Đảng và cán bộ, đảng viên phải thực sự tôn trọng nhân dân, phải nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, nghiêm túc sửa chữa, khắc phục khuyết điểm trước nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng, người lãnh đạo, quản lý phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Dựa vào quyền lực để lãnh đạo và quản lý nhất thời có thể đạt được mục đích nhưng về lâu dài có thể làm cho nhân dân e ngại, lo sợ, dẫn đến xa lánh và khinh ghét, không giành được sự tin tưởng, yêu mến, kính phục của họ. Hơn nữa, nhân dân là những người trí tuệ, thông minh, tài giỏi… Dân chúng “nhiều tai, nhiều mắt, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy”. Làm theo cách quần chúng, việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng để lãnh đạo là đúng đắn. Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn trở thành chi bộ “bốn tốt”, trước hết đảng viên phải gương mẫu, làm đúng chính sách, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng thì mới được dân tin, dân phục, dân yêu”(13).

Có thể nói, phát huy vai trò giám sát của nhân dân chính là thực hiện tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”, nhằm tổ chức, động viên nhân dân tham gia giám sát tổ chức đảng, đảng viên góp phần đưa công tác giám sát đi vào chiều sâu và thực chất và đạt hiệu quả cao./.

TS. Trần Thị Hợi
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

---

(1) (2) (3) (4) (7) (8) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.325, 327, 327, 325, 75, 337-338, 336.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr.81.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr.59.

(9) (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. II, tr.197 - 198, 201, 197 - 198, 201.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.419.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.277.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:15989
Lượt truy cập: 175.768.075