Thâm Quyến gần chạm đích
Theo nghiên cứu của Công ty Transparency Market Research, thị trường taxi sử dụng phương tiện năng lượng mới trên toàn cầu trong năm 2022 đã đạt giá trị 3,5 tỷ USD.
Thực tế hiện nay, rất nhiều quốc gia trong khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang đẩy mạnh và ghi nhận những đột phá về taxi điện.
Taxi điện vận hành tại Thâm Quyến
Đầu tiên phải kể đến Trung Quốc vì nhiều thành phố hàng đầu của nước này như: Bắc Kinh, Thâm Quyến đã đưa ra các chính sách để phát triển thị trường taxi điện từ cách đây nhiều năm.
Theo nghiên cứu của Công ty Transparency Market Research, một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường xe taxi điện là nhờ công nghệ phát triển và doanh số bán xe điện tăng mạnh ở Trung Quốc, Ấn Độ…
Bên cạnh đó, việc nhiều nước tăng cường các hoạt động thử nghiệm và ứng dụng taxi điện cũng là động lực cho thị trường taxi điện trong tương lai.
Thị trường toàn cầu dự kiến tăng lên gần 6 lần (khoảng 20,9 tỷ USD) trong năm 2031. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là điểm nhấn.
Thâm Quyến, nơi được mệnh danh là “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc, đã hoàn thành điện hóa gần như toàn bộ 21.689 xe taxi hoạt động trong thành phố vào năm 2020, sau 10 năm kể từ khi bắt đầu thử nghiệm.
BYD - nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc có trụ sở tại Thâm Quyến - là đơn vị cung cấp xe điện duy nhất cho toàn thành phố.
Khi mới triển khai dự án, năm 2015, thành phố đã cung cấp cho chủ xe taxi điện các khoản trợ cấp cho chi phí mua xe và vận hành lên tới 463 triệu VNĐ. Giai đoạn từ 2017 - 2018, Thâm Quyến đã tăng trợ cấp lên tới tối đa 671 triệu VNĐ (tập trung tăng ở khoản chi phí mua xe).
Khó khăn lớn nhất với các tài xế taxi ở giai đoạn đầu mới triển khai là thiếu nơi sạc pin. Tuy nhiên, đến năm 2022, Thâm Quyến đã xây dựng hơn 5.000 trạm sạc với tổng số 83.000 máy sạc, trong đó có 30.000 sạc nhanh và 53.000 sạc thông thường, riêng taxi có 16.500 máy. Đến nay, số lượng trạm sạc được nhiều chuyên gia đánh giá là đáp ứng đủ nhu cầu.
Bên cạnh đó, một số công ty vận hành taxi tại Thâm Quyến như Công ty xe Bus Thâm Quyến đang vận hành 5.000 taxi điện mở thêm nhiều tiện ích như quán cafe, nhà hàng, phòng tập, kiểm tra sức khỏe ngay khu vực sạc để các lái xe có thể kết hợp làm nhiều việc khác trong thời gian sạc xe khoảng 2 tiếng.
Bắc Kinh muốn điện hóa toàn bộ taxi trong 2 năm
Còn với Bắc Kinh, thành phố 20 triệu dân đã công bố dự thảo kế hoạch điện hóa 100% xe taxi từ cách đây 5 năm. Theo đó, Bắc Kinh sẽ thay thế toàn bộ 67.000 taxi chạy bằng xăng. Chi phí cho dự án ước tính là 9 tỷ nhân dân tệ (1,3 tỷ USD).
Bắc Kinh chưa công bố thông tin cụ thể về quá trình thực hiện kế hoạch này nhưng trong một sự kiện tổ chức hồi tháng 7/2019, Chủ tịch Tập đoàn ô tô BAIC của Trung Quốc thời điểm đó - ông Xu Heyi khẳng định, trong vòng 2 năm, Bắc Kinh sẽ điện hóa toàn bộ taxi.
Thời gian đầu mới thực hiện, các chuyên gia Trung Quốc đã chỉ ra một loạt khó khăn như giá xe taxi điện cao hơn xe thường; không đủ trạm sạc. Nếu một chiếc xe xăng trị giá khoảng 10.000 USD thì xe điện sẽ có giá gấp đôi - 20.000 USD.
Một trạm sạc taxi điện tại Thâm Quyến
Thực tế, khi số xe điện nhiều mà hạ tầng sạc chưa kịp đáp ứng, thời lượng pin xe điện thấp đã dẫn đến tình trạng trạm sạc quá tải. Thời điểm đó, mỗi lần sạc xe chỉ đi được 150km, cánh lái xe chật vật để tính toán đi sao cho tiết kiệm và phục vụ được nhiều khách nhất, thậm chí từ chối khách ở xa.
Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của công nghệ mới, các phương tiện điện được trang bị thêm các tính năng có thể sạc nhanh hoặc dùng pin có thể thay thế được.
Lái xe taxi tại Bắc Kinh chỉ cần đưa xe vào trạm, thay pin trong 1 phút là có thể di chuyển tiếp chặng đường dài.
Bên cạnh đó, để khuyến khích taxi chuyển đổi, chính quyền Bắc Kinh cũng tích cực hỗ trợ cho taxi điện thuộc sở hữu tư nhân. Các phương tiện đủ điều kiện sẽ được nhận trợ cấp khoảng 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu VNĐ) mỗi tháng.
Singapore tiến gần mục tiêu điện hóa
Ngoài Trung Quốc, Singapore cũng là một quốc gia đặt mục tiêu chuyển đổi taxi điện từ sớm.
Năm 2019, Chính phủ Singapore đã đề ra mục tiêu, đến năm 2030 sẽ chuyển đổi toàn bộ xe taxi mới sang phương tiện sạch (chạy bằng điện, dùng nhiên liệu hydrogen hoặc xe lai điện), sau đó sẽ mở rộng ra toàn bộ xe taxi của nước này vào năm 2040.
Để thúc đẩy quá trình đưa taxi điện vào đời sống, Chính phủ quốc đảo đã cung cấp nhiều khoản hỗ trợ tài chính “khủng” như khoản giảm giá mua xe 1 lần và giảm thuế đăng ký lên tới 45% hoặc tương đương, tổng 2 khoản là 57.500 Singapore đô-la (khoảng 1 tỷ VNĐ); giảm 77% thuế đường bộ; kéo dài tuổi thọ xe theo luật định từ 8 năm lên 10 năm.
Song song với đó, quốc đảo cũng đẩy mạnh xây dựng hạ tầng sạc. Tháng 11/2022, Singapore đã chính thức triển khai dự án lắp đặt 12.000 bộ sạc điện trên tất cả các bãi đỗ xe vào năm 2025. Từ đây, số lượng bộ sạc điện công cộng sẽ tăng mạnh từ 3.000 lên 40.000 trạm vào năm 2030.
Nhờ các ưu đãi đó, tính đến tháng 10/2022, tỷ lệ taxi điện trong tổng số xe taxi Singapore là 2,8%, tăng 0,7% so với cuối năm 2019. Với taxi năng lượng sạch (kể cả các mẫu xe lai điện), tính đến cuối năm 2019, tỉ lệ cũng tăng mạnh từ 47,2% lên 71,0%.