Một số ý kiến về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên

Thứ sáu, 05/05/2023 11:16

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; coi trọng việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng làm cơ sở để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện.

Bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.   

Tọa đàm "Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới".
Trong ảnh: Đ/c Lê Hải Bình, Ủy viên Dự Khuyết T.Ư Đảng, PTB Tuyên giáo T.Ư phát biểu tại Hội nghị.

QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VÀ ĐẢNG TA VỀ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa tinh hoa đạo đức dân tộc và nhân loại, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức cách mạng. Thông qua các tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), “Đời sống mới” (1947), “Sửa đổi lối làm việc” (1947), “Cần Kiệm Liêm Chính” (1949), “Đạo đức cách mạng” (1958), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969), “Di chúc” (1969),… tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng được hình thành một cách hệ thống với những chuẩn mực cụ thể của người cách mạng, của cán bộ, đảng viên, gắn liền với điều kiện lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc và của loài người”; “...muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”(1). Theo đó, các chuẩn mực đạo đức cách mạng được Người nhấn mạnh là: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thương yêu con người, sống có tình có nghĩa; tinh thần quốc tế trong sáng… Theo Người, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố, vì thế Người yêu cầu “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(2).

Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, nhất là từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, trải qua các kỳ đại hội, từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong những giai đoạn trước đó, đồng thời hoàn thiện, bổ sung nội dung mới, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng.

Nghị quyết Đại hội X của Đảng xác định: “Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; kiên định lập trường giai cấp công nhân, phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng; năng động, sáng tạo, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách”(3); “có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, đi đầu trong công tác; xử lý hài hòa các lợi ích, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết. Liên hệ mật thiết với nhân dân, tôn trọng và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật. Không quan liêu, tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác”(4). Đảng ta cũng xác định: cán bộ phải là người tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, hết lòng phấn đấu vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao dộng trước những khó khăn, thử thách; có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao; có nhân cách và lối sống mẫu mực, trong sáng; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân. “Mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí; có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có tinh thần đoàn kết, hợp tác, ý thức tổ chức, kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng pháp luật, gắn bó với nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”(5).

Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu; kiên định, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, hết lòng phấn đấu vì mục tiêu cách mạng, vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có nhân cách và lối sống mẫu mực, lành mạnh, trong sáng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; nêu cao danh dự, tự trọng; có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; năng động, sáng tạo, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và mọi biểu hiện, hành vi tiêu cực; “tự soi, tự sửa”, không ngừng học tập, suốt đời phấn đấu;...

QUÁ TRÌNH VẬN DỤNG, CỤ THỂ HÓA QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

Trong quá trình vận dụng, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng, Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 06-CT/TW) có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó có nội dung được Đảng đề ra là: “Các cơ quan, đơn vị xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức để phấn đấu thực hiện phù hợp với tình hình từng cơ quan, đơn vị”.

Trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng, nhiều chuẩn mực đạo đức cách mạng đã được đưa vào các luật(6); một số bộ, ngành cũng ban hành bộ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; một số nơi đã xây dựng các quy định, quy chế, quy ước cụ thể trong thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức theo yêu cầu của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.   

Đặc biệt, việc xây dựng, bổ sung chuẩn đạo đức của cán bộ, đảng viên có sự chuyển biến mạnh mẽ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 03); Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1973/CT-TTg, ngày 7/11/2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Ban Bí thư ban hành Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7/6/2012 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.

Để triển khai Chỉ thị 03, Ban Bí thư đã ban hành Kế hoạch số 03-KH/TW, xác định rõ nội dung và phương thức thực hiện. Theo đó, các cấp uỷ đảng rà soát, bổ sung, chỉ đạo thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Tại Kế hoạch này, Ban Bí thư giao Ban Tuyên giáo Trung ương bổ sung hướng dẫn về việc xây dựng và tổ chức thực hiện những chuẩn mực đạo đức; các cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn rà soát, bổ sung, xây dựng xong chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 25/11/2011, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BTGTW về “Bổ sung và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, xác định những chuẩn mực đạo đức cần bổ sung và tổ chức thực hiện: 1) Sống có lý tưởng, vì nước, vì dân, vì con người, vì xã hội. 2) Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư. Trách nhiệm với công việc. 3) Trung thực, tự trọng, trong sáng, giản dị, khiêm tốn. 4) Tôn trọng luật pháp, kỷ cương. 5. Đoàn kết, nhân ái. 6) Suốt đời phấn đấu, rèn luyện, học tập. 7) Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Từ sau Đại hội XI của Đảng, việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng có sự gắn bó chặt chẽ với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.

 Thực hiện Chỉ thị, Quy định, Kế hoạch và Hướng dẫn nêu trên, các bộ, ngành đã triển khai xây dựng, bổ sung và ban hành các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động theo ngành, lĩnh vực; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đơn vị trên địa bàn rà soát, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên và nhân dân theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05), đặt ra nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Tiếp đó, ngày 25/7/2016, Ban Bí thư ban hành Kế hoạch số 03-KH/TW về thực hiện Chỉ thị số 05; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 8/9/2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018, phê duyệt “Đề án Văn hóa công vụ”.

Thực hiện các Chỉ thị, Kế hoạch, Quy định và Đề án nêu trên, các bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương và địa phương đã tích cực rà soát, xây dựng, công bố và tổ chức thực hiện các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương bám sát các văn bản của Đảng, Nhà nước, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của các ban, bộ, ngành để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đơn vị trên địa bàn rà soát, bổ sung, xây dựng các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong thời gian thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"”, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng, ban hành chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Việc vận dụng, cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng, nhất là trong xây dựng và thực hiện đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ trong thời gian qua đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trên thực tiễn, góp phần giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nâng cao nhận thức, điều chỉnh thái độ, hành vi theo các chuẩn mực đạo đức trong thực hiện nhiệm vụ và trong các mối quan hệ xã hội; góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường văn hóa công sở;...

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng quá trình rà soát, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức của các ban, bộ, ngành, địa phương trong những năm qua gặp không ít khó khăn, vướng mắc do phải phải căn cứ vào nhiều văn bản lãnh đạo của Đảng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, nhiều văn bản của các ban, bộ, ngành Trung ương; các văn bản này được ban hành vào nhiều giai đoạn khác nhau. Quy định về chuẩn mực đạo đức của một số địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều nội dung, nhiều tiêu chí; một số nơi còn chung chung, thiếu tính hệ thống, không rõ về tiêu chí, gây không ít khó khăn cho việc thực hiện, giám sát, kiểm tra, đánh giá,...

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mớiđất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đó là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế, nhất là tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”... gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của Đảng.

Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo. Sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phải coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là xây dựng Đảng về đạo đức: “Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng”(7).

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh: “Nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ công chức, viên chức rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân”. Để góp phần bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, xin trao đổi một số ý kiến sau:

Một là, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn đều khẳng định sự cần thiết phải xây dựng và ban hành chuẩn mực chung về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, tạo cơ sở chung, thống nhất để các ban, bộ, ngành, địa phương vận dụng, cụ thể hóa trên cơ sở vừa bảo đảm được chuẩn mực chung, vừa phù hợp với đặc điểm, thực tiễn ngành nghề, chức năng, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Theo đó, nội dung chuẩn mực chung của đạo đức cách mạng phải bảo đảm tính khoa học, toàn diện, thể hiện được bản chất cách mạng. Trên nền tảng những chuẩn mực đạo đức cách mạng đã được khẳng định trong các giai đoạn trước, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung những nội dung mới, , góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn mới – giai đoạn phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hai là, trong giai hiện nay, cán bộ, đảng viên trước hết phải tiêu biểu cho những giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đổi mới: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo(8); đồng thời, phải tập trung tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng gắn với các mối quan hệ cơ bản của cán bộ, đảng viên: 1) Tận trung với Đảng, 2) Tận hiếu với dân, 3) Tận tụy với việc, 4) Nhân nghĩa với người, 5) Cần, kiệm, liêm, chính, 6) Chí công, vô tư, 7) Giữ gìn danh dự, 8) Tự trọng, nêu gương, 9) Trí, dũng, kiên cường, 10) Tiên phong, kiên định.

Trong các chuẩn mực trên, từ chuẩn mực 1 đến chuẩn mực 4 đều xác định những chuẩn mực cốt yếu gắn với các mối quan hệ cơ bản của cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Người cán bộ phải có đạo đức cách mạng... Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: nhận rõ phải trái, giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”(9). Cùng với đó, sự nghiệp cách mạng của Đảng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải “tận hiếu với dân”, xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với dân, thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", "trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân", "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân" “tận tụy”, hết lòng, hết sức với công việc, với nhiệm vụ được giao; yêu thương con người, sống có tình, có nghĩa, đối xử với mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc.

Từ chuẩn mực 5 đến chuẩn mực 10 là các chuẩn mực trong mối quan hệ đối với “tự mình” của mỗi cán bộ, đảng viên. Tự mình “phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; phải giữ gìn “danh dự, tự trọng” vì đó là điều thiêng liêng, cao quý của mỗi cán bộ, đảng viên; phải “tiên phong, nêu gương” trong mọi việc, trước hết là trong thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng, quy định của Đảng về nêu gương, các giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đổi mới; không đi sau, không theo đuôi quần chúng. “Trí, dũng, kiên cường” tuy không phải là chuẩn mực mới, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần bổ sung thêm những nội dung mới, gắn với trí tuệ của thời đại, đặc biệt là tri thức khoa học - công nghệ hiện đại, có bản lĩnh “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”; kiên cường, kiên quyết trong cuộc đấu tranh phòng, chống kẻ thù của cách mạng, cả “kẻ địch bên ngoài” và “kẻ địch bên trong”, nhất là chủ nghĩa cá nhân; có khả năng giữ vững ý chí, tinh thần, không dao động, không khuất phục trước khó khăn, thách thức, nguy hiểm. “Kiên định” là chuẩn mực đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải chú trọng trong mọi giai đoạn cách mạng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người cán bộ, đảng viên cũng phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa....

Việc phân định chuẩn mực đạo đức cách mạng theo các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên chỉ mang tính tương đối, bởi vì các chuẩn mực này cũng như các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó, “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân” là cơ bản, cốt lõi, phản ánh sâu sắc nhất bản chất cách mạng, là cơ sở chủ yếu hình thành nên các chuẩn mực đạo đức cách mạng khác. 

Ba là, để chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới trở thành thực tiễn sinh động, cần phải chú trọng quán triệt các nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng, đặc biệt là: Nói đi đôi với làm; “xây” đi đôi với “chống”; “tự soi, tự sửa”; tu dưỡng, học tập suốt đời;...

Về cơ bản, các chuẩn mực, nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng nêu trên đã được Hồ Chí Minh và Đảng ta khẳng định trong nhiều văn bản, tài liệu khác nhau, đã được kiểm chứng qua thực tiễn cách mạng, có thể đáp ứng được yêu cầu của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới. Để triển khai thực hiện, văn bản hướng dẫn cần phải xác định tiêu chí cụ thể đối với từng chuẩn mực, chú trọng bổ sung nội dung mới./.

PGS. TS. NGUYỄN ĐỨC LUẬN
Ban Tuyên giáo Trung ương

________________________

(1) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.292, 290.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.611-612.

(3) (4) (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2018, t.65, tr. 225, 350, 344.

(6) Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 quy định: “Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ”; Luật Viên chức năm 2010 quy định nghĩa vụ chung của viên chức, trong đó nhấn mạnh: “Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; “Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức”.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.184.

 (8) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021.

 (9) Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, t.9, tr.354.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:20183
Lượt truy cập: 175.769.335