Lãnh đạo tỉnh An Giang kiểm tra công tác chuẩn bị địa điểm tổ chức Lễ khởi công
Dự án thành phần 1, DA tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng GĐ 1
Trong những năm qua, kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có bước phát triển khá nhanh, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Nhiều tỉnh đã cải thiện môi trường đầu tư, huy động các nguồn lực tốt để đầu tư. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa thực sự bền vững, sức cạnh tranh còn thấp, nhiều yếu tố rủi ro cao, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Có nhiều yếu tố kìm hãm sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó hạ tầng giao thông được coi là nút thắt lớn.
Theo Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì trong nhiều năm qua, hạ tầng đường bộ là một điểm nghẽn cơ bản kìm hãm sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những yếu kém cố hữu về cơ sở hạ tầng giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long cũng được bộc lộ qua hiện trạng cao tốc của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 7% chiều dài đường cao tốc cả nước với 91km trên tổng số 1.239 km của cả nước.
Chính vì vậy bà con nhân dân các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất vui mừng vào háo hức chờ đợi khi hay tin Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 188 km sắp được khởi công. Anh Dương Anh Tuấn – người dân thành phố Châu Đốc cho biết khi hay thông tin sắp đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này gia đình anh ai cũng đều phấn khởi bởi cao tốc được hình thành giải quyết rất nhiều vấn đề về đời sống của người dân. Bà con đi lại nhanh chóng dễ dàng hơn, kinh tế - xã hội và du lịch sẽ phát triển hơn.
Ông Huỳnh Quang Vinh sống ở thành Châu Đốc hơn 70 năm rồi. Ông thấy giao thông ở miền Tây còn khó khăn so với các vùng miền khác. Khi biết Nhà nước có chủ trương làm đường cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng, ông rất ủng hộ và chờ đợi. Ông mong dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để việc đi lại, mua bán của người dân thuận tiện hơn. Ông cũng không quên bày tỏ mong mỏi nhà nước đầu tư ở vùng đồng bằng sông Cửu Long này nhiều tuyến đường cao tốc hơn nữa, tạo điều kiện cho vùng đất này ngày một phát triển hơn.
Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để phát triển kinh tế- xã hội. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu tiềm năng về du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, bất động sản, logicstic, công nghiệp... Khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, cộng với nhiều giải pháp căn cơ khác thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng sẽ có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ổn định, bền vững, gắn kết với liên kết vùng miền./.