Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu nhấn nút động thổ
dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương
Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên đường đô thị 2-3 làn xe, cấp đường ô tô đô thị 60 km/h.
Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài 26,6 km. Trong đó, nút giao Tân Vạn dài 2,4 km; Đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,9 km; đoạn trùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3 km. Tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng, trong đó, dự án thành phần 5 (tổng chi phí xây lắp) 5.752 tỷ đồng và dự án thành phần 6 (chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) là 13.528 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2026.
Phát biểu tại lễ động thổ, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, đường Vành đai 3 là một dự án quan trọng của Quốc gia với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc và kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dự án nhằm giảm tình trạng quá tải hạ tầng giao thông ở cửa ngõ TP.Hồ Chí Minh, tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, mở rộng phát triển đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm thời gian và chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
Ông Mai Hùng Dũng phát biểu tại lễ động thổ
Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ. Để thực hiện thành công dự án, ông Mai Hùng Dũng đề nghị chủ đầu tư làm việc với nhà thầu thi công, tư vấn giám sát triển khai ngay các giải pháp thi công đồng bộ, đảm bảo tiến độ, chất lượng… Đồng thời, khẩn trương hoàn thành các thủ tục để động thổ các gói thầu còn lại của dự án thành phần 5 chậm nhất trong tháng 9-2023. Tổ công tác liên ngành kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Bình Dương tổ chức triển khai ngay các công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp tục làm việc, phối hợp với các tỉnh, thành trong dự án để đảm bảo các dự án thành phần trên địa bàn được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Ông Mai Hùng Dũng cũng đề nghị các cơ quan đoàn thể, chính quyền TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An và TP.Thuận An cần tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, đảm bảo bàn giao ít nhất 70% mặt bằng cho các gói thầu tổ chức động thổ xây dựng.
Tại buổi lễ, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ vui mừng và chia sẻ: Dự án đường Vành đai 3 có ý nghĩa quan trọng đối với người dân và doanh nghiệp. Bởi, dự án sẽ mở ra cơ hội tạo điều kiện thuận lợi đi lại, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nguyên Chủ tịch nước tin tưởng dự án sẽ mở ra cơ hội cho tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành có điều kiện rút ngắn thời gian để kết nối sân bay quốc tế Long Thành, các cảng biển… Thời gian tới, với những tuyến đường kết nối được đầu tư như: Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành… sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tỉnh Bình Dương cũng như các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam phát triển mạnh hơn…