Lâm Đồng: Sớm khởi công tuyến cao tốc, phá thế độc đạo qua đèo Bảo Lộc

Thứ năm, 03/08/2023 08:20

Tỉnh Lâm Đồng hiện đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục 2 dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương, nhằm kết nối thành phố Đà Lạt với TP.HCM hoàn toàn bằng tuyến đường cao tốc.

Tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ nối vào

đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (ảnh: Lâm Viên)

Ngày 1/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc số 6618/Ủy ban Nhân dân-GT về việc triển khai các phương án, giải pháp khắc phục và phòng, chống sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc và trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa 2023.

Về giải pháp lâu dài, tỉnh Lâm Đồng giao các sở, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp được giao để sớm khởi công tuyến cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương, nhằm phá thế độc đạo qua đèo Bảo Lộc trên Quốc lộ 20.

Nội dung chỉ đạo trên của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong buổi làm việc tại thành phố Bảo Lộc ngày 31/7 vừa qua.

Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Chính phủ với tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng đã có ý kiến việc sớm đầu tư, hoàn chỉnh tuyến cao tốc này là cần thiết và cần phải quan tâm ưu tiên triển khai thực hiện để phá thế độc đạo qua đèo Bảo Lộc.

Từ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao Sở Giao thông vận tải tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan kiểm tra rà soát, có ý kiến cụ thể về phương án thiết kế 2 dự án cao tốc này để thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu như phương án kết cấu mặt đường, nền đường; hệ thống thoát nước ngang, thoát nước dọc, cống thoát, hệ thống dẫn nước… nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập như ngập nước, lún nứt mặt đường… của một số tuyến cao tốc đang khai thác tại một số địa phương.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh mục đích sử dụng rừng đối với những vị trí điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc; báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Giao Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư, đề xuất phương án khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và các hồ sơ liên quan để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Giao Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố có đường cao tốc đi qua tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ việc triển khai dự án và đồng thuận trong giải phóng mặt bằng, tránh việc tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nhiệm vụ cần thiết để chủ động thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tỉnh Lâm Đồng hiện đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục 2 dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương, nhằm kết nối thành phố Đà Lạt với Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn bằng tuyến đường cao tốc.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng khẳng định địa phương hoàn toàn tự tin có đủ nguồn lực để có thể tổ chức khởi công 2 dự án của tuyến đường cao tốc này vào tháng 9/2023.

Dự án xây dựng 2 đoạn cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương là 2 đoạn cao tốc thuộc dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương dài 200km, nối liền trung tâm của tỉnh Lâm Đồng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Hai đoạn cao tốc này đi qua các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140km.

Trong đó dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km, có 11km đi trên địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và 55km còn lại thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng. Vốn Nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư là 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động.

Đoạn cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương nối với đoạn cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, có chiều dài khoảng 74km, quy mô 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước tham gia 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư là 11.760 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng.

Điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bảo Lộc (điểm cuối của Dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc); điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương-Prenn thuộc thị trấn Liên Nghĩa huyện Đức Trọng.

Hiện tại, tuyến Quốc lộ 20 vẫn là con đường chính kết nối tỉnh Lâm Đồng với Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, Quốc lộ 20 hiện vẫn còn rất nhiều nguy cơ xảy ra làm ách tắc giao thông khi xảy ra mưa bão.

Trên thực tế vẫn còn 3 tuyến đường khác để kết nối thành phố Đà Lạt với Thành phố Hồ Chí Minh như di chuyển theo Tỉnh lộ 721 và tỉnh lộ 725 để tránh đèo Bảo Lộc; hoặc đi trên Quốc lộc 28B hay Quốc lộ 28 rồi kết nối với cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.

Tuy nhiên, cả 3 tuyến đường này đều phải vượt qua các con đèo Đại Ninh, Gia Bắc hay Con Ó rất cao và hiểm trở; mặt đường nhỏ, dốc và quanh co, chỉ phù hợp cho các loại xe tải trọng nhỏ.

Còn những xe vận tải lớn như xe khách giường nằm; xe chở rau, hoa Đà Lạt về phía Nam hay chở nhu yếu phẩm, vật liệu xây dựng cung cấp cho tỉnh Lâm Đồng vẫn chỉ có cách leo qua đèo Bảo Lộc./.

Nguồn: TTXVN

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:123138
Lượt truy cập: 176.113.814