Hành khách sử dụng tài khoản VNeID tại điểm kiểm soát giấy tờ tùy thân,
Cảng HKQT Nội Bài
Nhanh chóng, chính xác
Sáng ngày 2/8/2023, Huỳnh Công Vĩnh (25 tuổi, trú tại TP. Đà Nẵng) có mặt tại Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài (Hà Nội) để làm thủ tục lên tàu bay trở về quê sau chuyến công tác dài ngày tại Thủ đô Hà Nội. Vĩnh chỉ mất khoảng 7 giây để nhân viên an ninh hàng không quét mã QR code tài khoản định danh điện tử mức 2 (VNeID) và hoàn tất thủ tục để vào phòng chờ chuyến bay.
Trước đó, Vĩnh và hàng trăm hành khách khác đã sử dụng tài khoản VNeID để làm thủ tục check-in tại quầy thủ tục. Thông tin từ tài khoản VneID cũng được sử dụng để nhân viên an ninh hàng không kiểm soát giấy tờ đi tàu bay trước khi vào khu vực soi chiếu an ninh hàng không và để nhân viên hãng hàng không, nhân viên phục vụ mặt đất kiểm soát tại các cửa ra tàu bay.
Trong ngày đầu tiên (2/8/2023) chính thức áp dụng phương thức làm thủ tục mới trên các chuyến bay nội địa đã có hàng trăm hành khách sử dụng tài khoản VneID làm thủ tục đi tàu bay tại Cảng HKQT Nội Bài và không gặp khó khăn, trở ngại nào trong quy trình làm thủ tục. "Thời gian kiểm tra bằng quét mã QR code tài khoản định danh điện tử mức 2 đối với một hành khách dao động từ 5 - 15 giây. 100% việc quét mã QR code thành công; 100% tài khoản định danh điện tử mức 2 sau khi quét QR code đều cho kết quả là tài khoản do Bộ Công an cấp", lãnh đạo Cảng HKQT Nội Bài chia sẻ và cho biết, trong giai đoạn thí điểm trước đó (từ 1/6 -1/8/2023) đã có gần 7 nghìn lượt khách sử dụng tài khoản VneID làm thủ tục đi tàu bay tại cảng.
"Với tư cách nhà khai thác Cảng HKQT Nội Bài, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VneID tạo thuận lợi cho công tác quản lý tại sân bay, giảm thiểu rủi ro an ninh và tiết kiệm thời gian làm thủ tục, nâng cao hiệu quả hoạt động khi ứng dụng công nghệ số vào hoạt động cảng hàng không", lãnh đạo Cảng HKQT Nội Bài cho biết thêm.
Trước đó, cùng với Cảng HKQT Nội Bài và Cát Bi, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục thí điểm xác thực sinh trắc học và sử dụng căn cước công dân, hộ chiếu có gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử mức 2 đối với hành khách đi tàu bay tại Cảng HKQT Phú Bài.
Cũng từ đầu tháng 8/2023, cùng với 4 cảng hàng không khác là Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc, tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã vận hành thử nghiệm 10 cổng kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động (Autogate) giúp hành khách thuận tiện làm thủ tục, rút ngắn thời gian so với kiểm tra thủ công. Việc triển khai hệ thống này được thực hiện theo chủ trương của Bộ Công an trong cải cách thủ tục hành chính, xuất, nhập cảnh. Đây là công nghệ lần đầu triển khai trên phạm vi rộng tại một số cảng hàng không lớn ở Việt Nam.
Theo đó, khu vực cổng Autogate gồm hai lớp cửa. Lớp thứ nhất yêu cầu khách scan trang nhân thân trên hộ chiếu và vé máy bay (boarding pass). Sau khi thông báo thành công, cửa này mở ra cho khách đến lớp cửa thứ hai để chụp ảnh chân dung và lấy dấu vân tay. Sau khi hoàn tất, cửa thứ hai sẽ mở và khách cũng xong thủ tục, không cần đóng dấu vào hộ chiếu như trước. Toàn bộ quy trình trên mất chưa đến 1 phút, tạo thông suốt ở các cửa kiểm soát. Thủ tục được thực hiện nhanh giúp hành khách giảm thời gian xếp hàng chờ đưa hộ chiếu để công an cửa khẩu sân bay nhập thông tin thủ công như trước (thời điểm đông người, thời gian chờ đợi kiểm soát tốn cả giờ đồng hồ).
Các cổng Autogate áp dụng cho toàn bộ công dân Việt Nam có hộ chiếu gắn chíp nhập cảnh. Đối với người chưa có hộ chiếu gắn chip sẽ được hướng dẫn đăng ký thủ công tại sân bay trong khoảng 2 - 4 phút, gồm quét hộ chiếu, vân tay, xác thực sinh trắc học gương mặt. Khi hoàn thành, khách sẽ di chuyển ra khu vực cổng Autogate để qua cửa hải quan.
Xu hướng tất yếu
Ngày 1/8/2023, lần đầu tiên Cảng HKQT Đà Nẵng phối hợp Hãng hàng không Korean Air triển khai hệ thống check-in tự động (self check-in kiosk) song ngữ cho hành khách đối với các chuyến bay quốc tế khởi hành tại Đà Nẵng. Trong đó, tại ga đi bố trí 10 quầy self check-in để hành khách tự làm thủ tục tự động (nhà ga cũng sắp xếp nhân viên hỗ trợ). Tất cả các thao tác, quy trình check-in hiển thị rõ trên màn hình cảm ứng, nội dung song ngữ dễ hiểu.
Khi đến kiosk tự check-in, du khách bấm chọn hãng bay và ngôn ngữ, tiếp đến sẽ quét passport (hộ chiếu) hoặc mã hành khách, sau đó màn hình hiển thị chỗ ngồi để du khách lựa chọn và khai báo hành lý. Khi hoàn thành các bước này, quầy sẽ tự động in thẻ lên máy bay cho hành khách... "Toàn bộ các bước check-in tự động mất khoảng 2 - 5 phút. Nếu làm thủ tục truyền thống thì khách phải xếp hàng, đợi mất hơn 15 phút mới hoàn thành", đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng (AHT) chia sẻ và cho hay, self check-in kiosk đang là xu hướng tại các nhà ga sân bay hiện đại trên thế giới, với ưu điểm mang lại trải nghiệm nhanh chóng, thuận tiện cho hành khách, từng bước số hóa quy trình sân bay, góp phần giảm bớt ùn tắc sân bay giờ cao điểm, tiết kiệm thời gian cho du khách.
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, các hãng hàng không tại Việt Nam đã và đang tập trung đầu tư chuyển đổi số để cung cấp hệ thống dịch vụ trên nhiều thiết bị (máy tính, điện thoại, máy tính bảng, kiosk check-in sân bay...) một cách đồng bộ và thuận tiện nhất cho hành khách.
Một xu hướng lớn khác là các hãng hàng không sẽ để hành khách tự lựa chọn dịch vụ đi kèm khi đặt vé trực tuyến, như mua thêm hành lý ký gửi, bữa ăn, dịch vụ giải trí trong chuyến bay...
Thực tế hiện nay, check-in qua ứng dụng hoặc check-in tại kiosk ở sân bay là dịch vụ mà hãng bay nào cũng bắt buộc phải có, như một phương thức cạnh tranh, mang lại trải nghiệm thuận tiện nhất cho hành khách trong bối cảnh cuộc cách mạng số đang diễn ra rộng khắp trên thế giới.
Ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực hàng không là xu thế tất yếu để tạo thuận tiện hơn trong quá trình làm thủ tục hành chính và dân sự cho khách đi tàu bay. Thực tế thời gian qua, việc thí điểm xác thực sinh trắc học và sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 (VNeID) làm thủ tục chuyến bay phần nào cho thấy những dấu hiệu tích cực bước đầu trong quá trình ứng dụng chuyển đổi số lĩnh vực hàng không.
"Để triển khai có hiệu quả Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có lĩnh vực hàng không cần phải sớm giải quyết một số khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý, bố trí trang thiết bị, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân, hành khách nắm được và sử dụng", ông Đinh Việt Sơn nhấn mạnh.