Thủ tướng: Long Thành là một trong 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới

Thứ năm, 31/08/2023 20:25

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút khởi công nhà ga, đường cất hạ cánh, đường lăn sân đỗ… dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cùng thời điểm, tại TP.HCM, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cũng chính thức khởi công.

Phải hoàn thành đúng tiến độ hợp đồng

Chiều 31/8, tại Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, dự lễ khởi công đồng loạt 3 gói thầu quan trọng với tổng mức đầu tư khoảng 53.000 tỷ đồng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất. 

Nhà ga sân bay quốc tế Long Thành thuộc gói thầu 5.10 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự
lễ khởi công sân bay Long Thành tại điểm cầu Đồng Nai

Trong khi đó, nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trị giá gần 7.000 tỷ đồng sẽ được thi công hoàn thành cuối năm 2025.

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế xã hội; hạ tầng giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó. 

Đối với lĩnh vực hạ tầng hàng không, Thủ tướng cho rằng, việc phát triển phải đồng bộ và phù hợp với việc phát triển chung của toàn thế giới, theo kịp được sự hội nhập của đất nước.

"Hàng không nhiều năm trở lại đây dù đã phát triển nhanh nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều sân bay bị quá tải cả trên trời và dưới đất, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất, quá tải 1,7 lần so với thiết kế.

Vì vậy,  phải tập trung mọi nguồn lực để thi công nhà ga T3, sân bay quốc tế Long Thành sớm để chia tải cho Tân Sơn Nhất hiện nay", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
chỉ đạo tại lễ khởi công nhà ga sân bay Long Thành

Theo Thủ tướng, dự án sân bay Long Thành là một trong 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới. 

"Chúng ta vừa mở rộng sân bay Tân Sân Nhất vừa xây dựng sân bay Long Thành đã thể hiện khát vọng vươn lên trong ngành hàng không, kỳ vọng đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn, đem lại kỳ vọng phát triển kinh tế địa phương, cả nước và khu vực. 

Hiện nay nhiều hạng mục đã lần lượt được triển khai. Đặc biệt hai gói thầu quan trọng nhất là nhà ga hành khách và đường băng sân đỗ sân bay Long Thành đã được khởi công hôm nay. 

Đây là dấu ấn, sự kiện quan trọng chào mừng 78 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Tôi đánh giá cao các lực lượng đã tham gia giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng phục vụ dự án, đảm bảo tiến độ", Thủ tướng nói.  

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dự lễ khởi công nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Đồng Nai, TP.HCM tăng cường kiểm tra giám sát, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

"Phải cố gắng đưa dự án về đích đúng tiến độ, không đội vốn bất hợp lý, không để xảy ra tham nhũng tiêu cực; nâng cao chất lượng công trình, không được chia nhỏ gói thầu làm manh mún, giảm hiệu quả.

Đồng thời đảm bảo an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường khi triển khai dự án; hài hòa quyền lợi của người dân và chủ đầu tư", Thủ tướng chỉ đạo.

Lực lượng thi công trên đại công trường sân bay Long Thành đã sẵn sàng

Riêng với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV, Thủ tướng lưu ý cần quan tâm đến đời sống đời sống cán bộ, công nhân, người lao động tham gia xây dựng sân bay Long Thành, không để họ thiệt thòi.

"Còn đối với sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM phải làm đường kết nối vào sân bay mới, không thể dùng đường cũ. Khởi công mới là bước đầu, nhiệm vụ phía sau còn nặng nề

Yêu cầu các nhà thầu huy động ngay thiết bị, nhân lực để thi công ngay sau lễ khởi công, đảm bảo tiến độ theo hợp đồng", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút
khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
cùng các đại biểu bấm nút khởi công các gói thầu thuộc dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, hai dự án sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất cùng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng không nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước nói chung. 

Hai cảng hàng không sẽ tạo thành một cụm cảng hiện đại, tương lai trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không trên con đường hội nhập quốc tế.

Về tư vấn giám sát, ACV đã thuê một đơn vị Nhật Bản để giám sát chặt chẽ quá trình triển khai gói thầu. 

"Chúng tôi yêu cầu nhà thầu thi công, tư vấn giám sát phải thực hiện nghiêm, hiệu quả các nghĩa vụ cam kết, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, an toàn lao động, bảo đảm vệ sinh môi trường đối với các gói thầu...", ông Thanh nhấn mạnh. 

Nhà thầu chuẩn bị sẵn sàng máy móc để khởi công dự án
nhà ga và đường băng, sân đỗ sân bay Long Thành

Đại diện liên danh nhà thầu Vietur cam kết, với gần 55 năm kinh nghiệm, sẽ cố gắng cống hiến hết mình cho dự án sân bay Long Thành.

"Chúng tôi sẽ mang những thành tựu của mình vào Việt Nam, cam kết hoàn thành xây dựng nhà ga hành khách tối đa 39 tháng với chất lượng thi công theo các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất", đại diện liên danh nhà thầu Vietur nhấn mạnh.

Sẽ là sân bay quốc tế hiện đại, đẳng cấp

Gói thầu 5.10 - nhà ga sân bay quốc tế Long Thành là gói thầu có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp và thời gian thi công dài nhất trong các gói thầu của dự án thành phần 3. Khi hoàn thành, đây là một trong những nhà ga hiện đại bậc nhất trong nước, sử dụng công nghệ 4.0 trong quá trình vận hành.

Sân bay quốc tế Long Thành được quy hoạch đầu tư xây dựng đáp ứng phục vụ 100 triệu hành khách/ năm. Giai đoạn 1, khi đưa vào khai thác, sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Nhà ga hành khách với hình ảnh hoa sen sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế gồm: mái, góc nhìn mặt chính, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục được bố trí theo dạng tập trung. Điểm nhấn kiến trúc là ô lấy sáng và ô thông tầng trung tâm nhà ga, nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn.   

Phối cảnh sân bay Long Thành

Nhà ga được xây trên khu đất rộng 150ha, thiết kế hai luồng đi và đến tách biệt, gồm một tầng trệt và 3 lầu. Trong đó tổng diện tích sàn gần 376.500m2, chiều cao đỉnh mái 45,55m, bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay code C, E, F.

Liên danh Viettur là đơn vị trúng gói thầu thi công gói thầu nhà ga sân bay quốc tế Long Thành. 

Liên danh này gồm: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas (thành viên đứng đầu liên danh); Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Newtecons; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng SOL E&C; Công ty cổ phần Kết cấu ATAD; Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP; Công ty cổ phần HAWEE cơ điện; Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP.

Hạng mục khu bay, đường cất hạ cánh được thi công 23 tháng. Đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m; hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, 4 sân đỗ tàu bay bay (sân đỗ tàu bay trước nhà ga hàng hóa, sân đỗ tàu bay trước nhà ga chuyển phát nhanh, sân đỗ bảo trì tàu bay, sân đỗ cách ly) và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4ha.

Thủ tướng: Khởi công 2 nhà ga sân bay mới là bước đầu, nhiệm vụ còn rất nặng nề - Ảnh 10.
Máy móc của liên danh nhà thầu Vietur tập kết tại vị trí xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Ảnh: Minh Tuệ

Nhà ga T3 có khu vực phục vụ khách VIP

Chiều cùng ngày, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tổ chức lễ khởi công gói thầu số 12 xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Tham dự tại lễ khởi công có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo TP.HCM. 

Gói thầu số 12 xây dựng nhà ga giá trị hơn 9.000 tỷ đồng do liên danh 6 tổng công ty đảm nhận bao gồm: Tổng công ty CP Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty CP Xây dựng số 1, Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Đầu tư xây dựng RICONS, Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn.

Ga hành khách T3 có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2. Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check - in, 27 cửa ra tàu bay (trong đó 13 cửa bằng ống lồng và 14 cửa bằng xe bus), có 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách. 

Đặc biệt, Nhà ga T3 được thiết kế 8 cửa kiểm soát an ninh và 1 khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên. 

Hạng mục nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không là tổ hợp gồm 2 tầng hầm, 2 tầng hầm chung, 2 khối phức hợp thương mại văn phòng 4 tầng nổi và khối nhà để xe máy 3 tầng nổi được kết nối với nhau bằng hành lang cầu, tổng diện tích sàn xây dựng (bao gồm 2 tầng hầm) là 130.000 m2.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành, giai đoạn 1 có diện tích 2.532 ha (gồm 1.810ha khu vực ưu tiên và 722ha dự trữ đất dôi dư).

Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay huyện Long Thành đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với khu vực 1.810ha xây dựng sân bay giai đoạn 1 và khu vực 722ha dự trữ đất dôi dư. Toàn bộ mặt bằng triển khai dự án đã được UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao cho ACV vào ngày 25/8 vừa qua.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:55110
Lượt truy cập: 176.513.105