Tạo đột phá
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT hiện đã ban hành Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung với lĩnh vực đường bộ" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020; xây dựng chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án 06 (phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và các thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) tại Bộ GTVT. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai trước các hệ thống, dữ liệu nền tảng và các hệ thống nghiệp vụ có tác động lớn.
Hệ thống thu phí điện tử không dừng do Cục Đường bộ Việt Nam
chủ trì đã được triển khai trên cả nước.
Các chương trình đều có kế hoạch triển khai cụ thể, mỗi nhiệm vụ đều phân công rõ đơn vị chủ trì, thời gian hoàn thành. Công tác kiểm điểm tiến độ được thực hiện định kỳ để kịp thời đôn đốc và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đáng chú ý là dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe (GPLX), chuyển đổi số cảng biển, thu phí tự động không dừng, chuyển đổi số trong đăng kiểm...
Với dịch vụ công đổi GPLX, Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm sạch dữ liệu GPLX và kết nối dữ liệu khám sức khỏe. Từ đây, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong toàn quốc từ tháng 11/2022. Đến nay, trung bình mỗi tháng có hơn 5.000 GPLX được đổi theo hình thức trực tuyến, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí.
Trước tình trạng quá tải đăng kiểm do một số trung tâm phải ngừng hoạt động và do việc thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân đăng ký, xếp lịch đăng kiểm, gia hạn tự động kỳ đăng kiểm. Hiện nay, toàn bộ thủ tục hành chính đăng kiểm được quản lý bằng phần mềm dưới hai hình thức: Dịch vụ công trực tuyến hoặc Một cửa điện tử. Điển hình là công tác kiểm tra chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ nhập khẩu thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên Cổng một cửa ASEAN và cấp chứng chỉ điện tử.
Bộ GTVT cũng đang đẩy mạnh kinh tế số trong lĩnh vực hàng hải thông qua việc thúc đẩy chuyển đổi số tại các cảng biển. Điều này giúp các doanh nghiệp khai thác cảng biển quản lý, điều hành khai thác hiệu quả hơn; điều động phương tiện, thông quan hàng hoá nhanh chóng. Từ đó giúp kéo giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Được triển khai thí điểm từ năm 2016 đến nay, hệ thống thu phí điện tử không dừng do Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì đã được triển khai rộng khắp trên cả nước, với hơn 5,6 triệu xe được dán thẻ, giúp người dân tham gia giao thông nhanh chóng, an toàn và minh bạch trong công tác quản lý. Đặc biệt, Cục Đường bộ Việt Nam còn xây dựng quy trình quản lý tuyến cố định, biển hiệu, phù hiệu cho xe kinh doanh vận tải bằng ứng dụng công nghệ toàn diện, giám sát hành trình phương tiện xe ô tô vận tải để phát hiện vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ tự động, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận tải và ATGT...
Bộ cũng đang nghiên cứu xây dựng kiến trúc tổng thể về giao thông thông minh, làm cơ sở để triển khai hệ thống này đồng bộ trên hệ thống đường cao tốc, kết nối với các hệ thống điều hành của đường vành đai và nội đô, phục vụ công tác quản lý giao thông và cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, Bộ GTVT luôn nỗ lực và quyết tâm chuyển đổi số thành công bằng những mục tiêu, chính sách cụ thể, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Vì vậy, chuyển đổi số ngành GTVT được triển khai tổng thể theo một kiến trúc thống nhất. Việc kết nối, trao đổi dữ liệu giữa các lĩnh vực được thông qua những nền tảng và các cơ sở dữ liệu dùng chung.
Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan đứng đầu bảng xếp hạng đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2023. |
Tạo hành lang pháp lý, gắn trách nhiệm người đứng đầu
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, chuyển đổi số là khái niệm mới với cách làm mới, không giống việc ứng dụng công nghệ thông tin như giai đoạn trước đây. Chuyển đổi số sẽ dẫn tới thay đổi quy trình, phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số. Vì vậy, người đứng đầu các đơn vị phải là người trực tiếp chỉ đạo chuyển đổi số lĩnh vực được giao phụ trách. Khó khăn nhất hiện này thực hiện chuyển đổi số là thiếu thể chế triển khai, nhiều lĩnh vực chuyển đổi số phải đợi văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới đủ điều kiện để triển khai. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tập trung tháo gỡ, tạo được hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT.
"Các đơn vị chuyển đổi số, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân thời gian qua mới chỉ là kết quả bước đầu, các nhiệm vụ cần phải thực hiện còn nhiều và cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới mới có thể đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra, nhất là việc tiếp tục nâng cao nhận thức kỹ năng số cho người dùng trong ngành GTVT và gắn trách nhiệm của người đứng đầu với nhiệm vụ về chuyển đổi số của lĩnh vực được giao phụ trách", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhận định.
Qua tìm hiểu, chương trình chuyển đổi số của Bộ GTVT đến năm 2025, định hướng đến 2030 đặt ra nhiều mục tiêu, lộ trình cụ thể. Trong năm 2023, Bộ GTVT tập trung tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến và số hồ sơ thực hiện trực tuyến.
Giai đoạn 2023 - 2024, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thành xây dựng các nền tảng dùng chung và các cơ sở dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải; tập trung chuyển đổi số đối với các lĩnh vực này. Đối với các nhóm nhiệm vụ triển khai hệ thống giao thông thông minh, thu phí điện tử không dừng, chuyển đổi số tại cảng biển và các lĩnh vực khác cũng sẽ được bộ đẩy mạnh trong giai đoạn 2023-2025.
Để hoàn thành các mục tiêu, lộ trình chuyển đổi số này, Bộ GTVT ưu tiên các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng trong hoạt động vận tải và an toàn giao thông. Các nhiệm vụ được thực hiện theo nguyên tắc làm đến đâu đưa vào sử dụng đến đó. Chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, vì vậy, khi chuyển đổi số thành công, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.