Lực lượng liên ngành tiến hành kiểm tra kích thước thành, thùng xe
và tải trọng phương tiện trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Nhìn lại "cuộc chiến" bảo vệ hạ tầng giao thông thời gian qua đã huy động liên Bộ: Công an, GTVT, Quốc phòng vào cuộc và UBND các tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm xóa tận gốc "xe quá tải".
Kết thúc Kế hoạch 12593 giữa Bộ GTVT và Bộ Công an, tình trạng xe quá tải chỉ còn 10% nhưng rất khó giải quyết khi chỉ có lực lượng Thanh tra giao thông duy trì "trận tuyến". Điểm nhấn và có yếu tố quyết định để "xóa xe quá tải" chính là ngày 13/6/2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch cao điểm 299/KH-BCA-C08 và Điện số 76/ĐK-HT về mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT được thực hiện đồng bộ ở 4 cấp, trong đó tập trung xử lý quyết liệt tình trạng phương tiện vi phạm về chở hàng quá tải trọng, cơi nới thùng xe.
6 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Thủ tướng chính phủ về kiểm soát tải trọng xe, lực lượng chức năng đã dừng xe kiểm soát 5.435.905 phương tiện có dấu hiệu chở hàng quá tải trọng, phát hiện 1.072.927 phương tiện vi phạm, ra quyết định xử phạt 1.092.397 trường hợp, thu ngân sách nhà nước 5.852,9 tỷ đồng và tước 375.044 GPLX các loại.
Đến nay, công tác kiểm soát tải trọng xe đã cơ bản được kiểm soát, hạ tầng giao thông đường bộ được bảo vệ.
Có thể thấy, chỉ khi các cấp các ngành thật sự vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra tình hình tại các địa phương thì mới có tác động sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, làm thay đổi cung cách vận tải thiếu minh mạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải và điều quan trọng nhất là hạ tầng giao thông đường bộ được bảo vệ, góp phần kéo giảm TNGT theo hướng bền vững.
P.V