Nam Định: Quan tâm khắc phục các điểm "đen" đường thủy nội địa

Thứ sáu, 15/12/2023 14:07

Hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa của tỉnh đa dạng với 241km sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ do Trung ương quản lý và 14 sông địa phương có tổng chiều dài 279km do Sở Giao thông vận tải quản lý và khai thác.

Sự phong phú này đã tạo cho tỉnh lợi thế về khai thác giao thông đường thủy nội địa trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và mở rộng hợp tác phát triển với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Tuy nhiên, trên hệ thống đường thủy nội địa của tỉnh ta vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT). 

Lực lượng chức năng khắc phục sự cố đâm va tại cầu phao Ninh Cường tháng 3/2023.

Ban ATGT tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành cơ sở đường thủy nội địa Nam Định đã phối hợp khảo sát, xây dựng phương án đầu tư nạo vét, cắt cong, thanh thải các khu vực khan cạn, nguy hiểm tiềm ẩn mất ATGT đường thủy nội địa tại các khu vực: cong, cua phía thượng lưu cầu Tân Phong trên sông Đào; các bãi cạn tại ngã ba Mom Rô ở vị trí Km61 trên sông Ninh Cơ; cửa Ba Lạt trên sông Hồng (từ Km2+00 đến Km3+00); kênh Quần Liêu; lắp đặt phao giới hạn luồng chạy tàu tại các khu vực cầu phao Ninh Cường (Km17+00, sông Ninh Cơ), cầu Lạc Quần (Km36+00 sông Ninh Cơ), cầu Đò Quan (Km26+500, sông Đào Nam Định), cầu Nam Định (Km 23+500, sông Đào Nam Định); thi công cầu Đống Cao; bổ sung hệ thống báo hiệu dẫn luồng khu vực kè chỉnh trị luồng trên sông Ninh Cơ thuộc địa phận huyện Xuân Trường.

Theo Thông tư 46/2016/TT-BGTVT, ngày 29/12/2016, của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về cấp kỹ thuật đường thủy nội địa, sông Đào Nam Định là sông cấp II với độ sâu luồng tàu lớn hơn hoặc bằng 3,2m; bề rộng luồng chạy tầu trên 50m; bán kính cong trên 500m. Tại khu vực cong, cua phía thượng lưu cầu Tân Phong sông Đào Nam Định, theo kết quả khảo sát phục vụ thông báo luồng đường thủy nội địa sông Đào Nam Định năm 2022 do Liên danh các Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình thủy và HCC Hà Nội lập tháng 12/2022, bán kính cong hạn chế tại các khu vực: Km 32+900 là 350m, Km31+800 là 363m. Do đó bán kính cong tại khu vực thượng lưu cầu Tân Phong không đảm bảo chuẩn theo Thông tư 46/2016/TT-BGTVT. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy khu vực cầu Tân Phong nhiều khúc cong, cua khuất tầm nhìn, dòng chảy xiết, mật độ phương tiện cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT.

Khu vực các bãi cạn tại ngã ba Mom Rô ở vị trí Km 61 trên sông Ninh Cơ, theo quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BGTVT sông Ninh Cơ là sông cấp I với độ sâu luồng tàu lớn hơn hoặc bằng 4m; bề rộng luồng chạy tàu trên 90m; bán kính cong trên 600m. Theo số liệu do Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 5 cung cấp: từ ngày 1/1/2023 đến nay, mực nước thấp nhất là +0.07; tổng hợp số liệu sơ khảo các bãi cạn tại ngã ba Mom Rô cao độ đáy luồng từ 3,2 đến 3,9m; do đó với cao độ mực nước +0.07 ứng với cao độ 3,2m thì độ sâu luồng tàu sẽ là 3,27m; không đảm bảo chuẩn tắc sông cấp I. Cùng với đó, hiện tượng phù sa bồi lắng làm biến đổi luồng chạy tàu, tạo ra các bãi cạn vào mùa khô, không đảm bảo chuẩn tắc luồng theo cấp kỹ thuật, gây khó khăn cho phương tiện vận tải hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT... Khu vực cửa Ba Lạt sông Hồng từ Km2+00 đến Km3+00 có cao độ đáy +0.0 (hệ cao độ hải đồ), tại khu vực luồng khan cạn thường xuyên có phương tiện bị mắc cạn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thuỷ.

Về kênh Quần Liêu, cấp kỹ thuật đường thủy cấp III, chiều sâu luồng chạy tàu lớn hơn 2,8m; chiều rộng luồng chạy tàu lớn hơn 40m; bán kính cong luồng chạy tàu trên 350m; chiều cao tĩnh không cầu từ 7m trở lên. Nhưng thực tế hiện nay chuẩn tắc luồng sông kênh Quần Liêu không đạt chuẩn kỹ thuật đường thủy cấp III; hiện trạng kỹ thuật kênh có luồng hẹp, chiều sâu luồng tại cầu bê tông Km1+500 là 1,5m lại có nhiều vị trí cong cua có bán kính cong nhỏ, tại hạ lưu có cầu bê tông bán kính cong luồng chạy tàu dưới 70m tầm nhìn bị hạn chế rất nguy hiểm cho phương tiện lưu thông; tĩnh không tại cầu dân sinh 1 ở vị trí Km2+500 và cầu dân sinh 2 tại vị trí Km3+00 chiều sâu luồng chạy tàu dưới 3m, chiều rộng khoang thông thuyền chỗ hẹp nhất chỉ đạt 18m. Hiện nay kênh và âu tàu Nghĩa Hưng đã đưa vào hoạt động, tuy nhiên tại kênh Quần Liêu vẫn có các loại phương tiện tải  trọng dưới 850 tấn, chiều ngang phương tiện dưới 10m lưu thông qua kênh.

Tại các khu vực: cầu phao Ninh Cường ở vị trí Km17+00 và cầu Lạc Quần tại vị trí Km36+00 cùng trên sông Ninh Cơ; cầu Đò Quan tại vị trí Km26+500 và cầu Nam Định tại vị trí Km23+500 cùng trên sông Đào Nam Định luồng tàu hạn chế, tàu thuyền đi qua các khu vực này dễ mất phương hướng, nguy cơ bị đâm va với trụ cầu rất cao, nhất là về mùa lũ bão, rất cần lắp đặt phao giới hạn luồng chạy tàu.

Để phục vụ thi công cầu Đống Cao, lực lượng chức năng đã cấm phương tiện neo đậu khu vực từ hạ lưu (ngã ba Độc Bộ) đến khu vực thi công, tăng cường điều tiết, hướng dẫn phương tiện neo đậu về phía thượng lưu (qua khu vực thi công), tránh xung đột giao thông. Hiện nay khu vực từ hạ lưu đến vị trí thi công cầu Đống Cao (từ Km00 đến Km3+500 trên sông Đào Nam Định) có nhiều phương tiện neo đậu chờ nước lên mới chạy nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Trong tháng cuối năm 2023, trên sông Đào nước lên về ban đêm, hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện. Mặc dù đơn vị thi công đã thả phao dẫn luồng, tổ chức các chốt điều tiết, hướng dẫn phương tiện khi qua khu vực thi công cầu, tuy nhiên với mật độ phương tiện cao, đồng loạt vận hành tại cùng một thời điểm, trong khi khoang thông thuyền hẹp (dưới 50m) sẽ có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy tại khu vực thi công. Ngoài ra các phương tiện chở khách của phà Đống Cao hoạt động thường xuyên cắt ngang luồng cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Khu vực kè chỉnh trị luồng trên sông Ninh Cơ thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường (từ Km51+00 đến Km52+00, sông Ninh Cơ) là cụm kè thuộc dự án WB6 được xây từ năm 2016, có chiều dài 85m tính từ bờ cao ra phía sông, cao độ đỉnh kè +1.0. Khi thuỷ triều lên kè bị ngập từ 0,5 đến 1,5m. Giới hạn khu vực kè hiện được cảnh báo bằng hệ thống báo hiệu. Tuy nhiên do ngập nước mất tầm nhìn, cùng với việc người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát nên thường xuyên xảy ra tình trạng phương tiện đâm va vào kè, cột báo hiệu gây hư hỏng phương tiện, 4/5 cột báo hiệu bị xô lệch, cong vẹo cột báo hiệu nên rất cần bổ sung hệ thống báo hiệu dẫn luồng.

Sau khi thực hiện kiểm tra, khảo sát thực tế tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy nội địa, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu cho Ban ATGT tỉnh đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết để phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy nội địa, tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn./.

Nguồn: Báo Nam Định

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:270297
Lượt truy cập: 176.084.464