Tham dự buổi làm việc có đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo các Vụ tham mưu, Cục chuyên ngành, Ban quản lý dự án trực thuộc Bộ GTVT.
Tại điểm cầu hai tỉnh có đồng chí Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ GTVT, Trưởng đoàn công tác của
Chính phủ chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Triển khai các Quyết định số 435 và số 853 của Thủ tướng Chính phủ phân công thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình SXKD, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và XNK trên địa bàn, trong các ngày 18/5/2023 và 25/7/2023, Đoàn công tác do Bộ trưởng làm Trưởng đoàn đã chủ trì làm việc trực tiếp và trực tuyến với hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận; đồng thời, hàng tháng từ tháng 5/2023 đến tháng 11/2023, trên cơ sở báo cáo của địa phương, Đoàn công tác đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai, các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đề xuất của địa phương, gửi đến các Bộ, ngành để xử lý.
Đến thời điểm này, trên cơ sở báo cáo của hai địa phương có tổng số 67 kiến nghị gồm: Tỉnh Ninh Thuận có 29 kiến nghị (27 kiến nghị đã có hướng dẫn, tỉnh đang rà soát triển khai; còn 02 kiến nghị đã có hướng dẫn nhưng tiếp tục kiến nghị). Tỉnh Bình Thuận có 38 kiến nghị (27 kiến nghị đã có hướng dẫn, tỉnh đang rà soát triển khai; 07 kiến nghị đã có hướng dẫn xử lý nhưng tiếp tục kiến nghị; 03 kiến nghị chưa nhận được hướng dẫn và 01 kiến nghị phát sinh mới về thủ tục đầu tư xây dựng).
Trên cơ sở báo cáo của các Tỉnh về tình hình SXKD, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và XNK trên địa bàn; tình hình xử lý các kiến nghị của Tỉnh và vấn đề mới phát sinh của các địa phương, Bộ trưởng đề nghị thành viên Đoàn công tác tập trung rà soát, đánh giá việc xử lý dứt điểm kiến nghị đã nêu và vấn đề mới phát sinh trong thực tế, đề xuất thẩm quyền xử lý và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết, tháo gỡ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã báo cáo toàn diện tình hình thực tế và kết quả đạt được trên các lĩnh vực của mỗi Tỉnh thời gian qua; nhận diện được những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể. Tiếp đó, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT đã tập trung rà soát, trả lời việc xử lý các kiến nghị trước đây và giải quyết vấn đề mới phát sinh trong thực tế nhằm thực hiện hiệu quả việc thúc đẩy phát triển SXKD, đầu tư xây dựng, XNK của 02 tỉnh.
Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, tình hình KT-XH năm 2023 của Tỉnh đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Về KTXH, SXKD và XNK: tốc độ tăng trưởng GRDP 9,40%; tổng thu NSNN đạt 100% KH (ước đạt 3.658 tỷ đồng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.710 tỷ đồng, đạt 102,3% KH, tăng 15,3% so cùng kỳ; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,72%; các ngành dịch vụ tiếp tục duy trì tăng trưởng khoảng 8,5%, chi ngân sách đạt 100% KH, kim ngạch XNK tăng 1,7% so với cùng kỳ (210 triệu USD);
Về giải ngân vốn đầu tư công đạt 76,2% KH (cao hơn mức trung bình cả nước là 64%), trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 82,2% KH. Về đầu tư các thành phần kinh tế, đã chấp thuận NĐT cho 17 dự án với tổng giá trị 989 tỷ đồng.
Đối với tỉnh Bình Thuận, năm 2023 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trên các lĩnh vực: Về sản xuất kinh doanh: giá trị sản xuất công nghiệp đạt 98,15% KH năm (tăng 3,8% so với cùng kỳ); du lịch ước đón khoảng 8,35 triệu lượt khách, đạt 124,26% KH (tăng 45,98% so cùng kỳ) và doanh thu đạt 135,15% kế hoạch năm (tăng 63,01%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 95.480 tỷ đồng, đạt 111,8% KH (tăng 28,57% so cùng kỳ). Thu NSNN đạt 100% dự toán năm (10.006 tỷ đồng).
Về đầu tư xây dựng: giải ngân vốn đầu tư công đạt 70,5% KH (cao hơn trung bình cả nước đang là 64%); Về xuất nhập khẩu: kim ngạch xuất khẩu ước 904 triệu USD, đạt 92,85% KH (tăng 7,33% so cùng kỳ).
Lãnh đạo 02 tỉnh cơ bản đồng thuận cao với các ý kiến trả lời tại buổi làm việc của các Bộ ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ GTVT. Các vấn đề tiếp tục được xem xét, tỉnh sẽ chủ động xử lý theo thẩm quyền, bám sát các Bộ, ngành để cùng tháo gỡ, vướng mắc một số nội dung kiến nghị.
“Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Tổ công tác của Chính phủ, các Bộ, ngành trong thời gian qua có nhiều buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận để lắng nghe, có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tỉnh. Tôi rất mong các đồng chí tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận trên các lĩnh vực có nhiều điểm sáng về tình hình KT-XH, sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các lĩnh vực văn hóa KT - XH. Bộ trưởng đề nghị hai Tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế khó khăn, đưa ra các giải pháp toàn diện, khả thi để khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của Tỉnh nhằm đưa KT- XH của Tỉnh ngày càng phát triển hơn nữa.
Đối với nhóm vấn đề hai tỉnh kiến nghị đã được Đoàn công tác tổng hợp chuyển tải tới các Bộ ngành tiếp nhận, giải quyết, các nội dung này bao gồm các kiến nghị đã được xử lý, có văn bản hướng dẫn, Tỉnh đang rà soát triển khai theo hướng dẫn, Bộ trưởng thống nhất với hai Tỉnh và đề nghị các Bộ ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ xử lý ngay khi có vướng mắc để tháo gỡ, xử lý dứt điểm.
Đối với kiến nghị của Ninh Thuận về ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng đề nghị Bộ Công thương cập nhật tình hình triển khai, sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai làm cơ sở thực hiện. Về hoàn thiện Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đề nghị các Bộ ngành liên quan khẩn trương có văn bản hướng dẫn hoàn thiện Đề án gửi địa phương theo quy định.
Đối với kiến nghị của tỉnh Bình Thuận về việc hoàn thiện các công trình phục vụ tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai theo quy định. Các chủ đầu tư đang chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai hoàn thành dứt điểm toàn bộ các hạng mục bổ sung vào Hợp đồng theo kiến nghị của địa phương. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ GTVT thực hiện nghiêm việc hoàn trả các tuyến đường của địa phương sử dụng làm đường công vụ theo đúng cam kết với địa phương. Đối với các tuyến đường gom địa phương đề xuất đã được chấp thuận, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương hoàn thành theo đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân.
Đối với các vấn đề liên quan Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Bộ trưởng đề nghị Bộ TN&MT sớm có văn bản cập nhật tình hình triển khai gửi Đoàn công tác và địa phương, trong đó nêu rõ tiến trình xử lý tro xỉ; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao để hoàn nguyên các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản theo chỉ đạo của TTgCP; đồng thời sớm ban hành các VBQPPL về chất thải rắn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường làm cơ sở áp dụng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Về di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn từ Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Bộ trưởng đề nghị Bộ Công thương khẩn trương tiến hành khảo sát, tham mưu xử lý dứt điểm theo thẩm quyền không để ảnh hưởng đến người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan Cảng HK Phan Thiết, để sớm giải quyết các vướng mắc liên quan quy định pháp luật, Đoàn công tác đề nghị tỉnh Bình Thuận chủ động báo cáo cấp thẩm quyền chủ trì họp bộ ngành liên quan để xử lý; đồng thời, về vấn đề này, Bộ GTVT đã nhận diện và đưa vào kiến nghị trong Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng CHK để trình Bộ Chính trị cho ý kiến định hướng để xử lý.
Ngoài ra, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét một số kiến nghị về nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông; thẩm quyền phê duyệt kéo dài thời gian thực hiện đối với dự án thuộc phân cấp của cấp huyện; chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Trên cơ sở kết quả làm việc ngày hôm nay, Bộ GTVT sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của 02 Tỉnh và ý kiến Bộ, ngành liên quan, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ nhằm hỗ trợ địa phương tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
VH