Lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn Hà Tĩnh

Thứ ba, 02/07/2024 13:56

UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh cần có hình thức xử lý nghiêm, triệt để với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà vừa ký văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban ATGT tỉnh, sau thời gian cao điểm triển khai quyết liệt công tác giải tỏa hành lang giao thông theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh, tình hình vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông, vỉa hè đang tái diễn trở lại.

Tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng sử dụng đất của đường bộ, đường sắt trái quy định (để vật liệu xây dựng, nông lâm hải sản, bán hàng, họp chợ trên lòng lề đường; đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi đất của đường bộ; đào khoan, xẻ đường trái phép; dựng lều quán, mái vẩy trên lề đường, vỉa hè; xây bục, đắp vuốt làm lối đi lên vỉa hè, vào nhà; đấu nối trái phép vào đường bộ; xây dựng công trình nhà ở, lều, quán, cây cối che khuất tầm nhìn trong phạm vi hành lang an toàn giao thông…) là nguyên nhân dẫn đến mất trật tự ATGT và ùn tắc giao thông.

TX Kỳ Anh ra quân xử lý vi phạm quy hoạch,
trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình mới; nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang và quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; xác định duy trì bảo vệ hệ thống hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; thực hiện xây dựng đường gom, đường nhánh đấu nối vào các tuyến đường bộ, đường ngang qua đường sắt… góp phần đảm bảo trật tự ATGT, kiềm chế và kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp theo Công văn số 3029/UBND-GT ngày 30/5/2024 của UBND tỉnh về tăng cường các giải pháp kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, đồng thời tập trung một số nhiệm vụ.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Khu Quản lý đường bộ II và giao Sở GTVT cùng các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ quản lý triển khai thực hiện việc xác định phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ theo quy định tại Nghị đinh số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đồng thời rà soát hệ thống cọc mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ và lập kế hoạch cắm bổ sung (nếu chưa có).

Rà soát, thống kê các vị trí lấn chiếm hành lang giao thông, vị trí sử dụng trái phép và các vị trí đấu nối trái phép… trên đất hành lang an toàn giao thông đường bộ; tuyên truyền vận động người dân tự giác tháo dỡ, di dời các công trình, vật kiến trúc, bãi tập kết vi phạm nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương mở đợt cao điểm tuyên truyền, giải tỏa hành vi vi phạm hành lang ATGT trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý và triển khai thực hiện trước ngày 15/7/2024.

Chỉ đạo các lực lượng tăng cường phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, thị trấn kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường bộ và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm trong việc quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo quy định.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở TN&MT và sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng, đất đai, phát triển quỹ đất hai bên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường trục chính có lưu lượng giao thông lớn theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 4473/UBND-XD ngày 15/7/2024.

Sở TN&MT phối hợp với Sở GTVT kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT công an các huyện, thành phố, thị xã, công an cấp xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương xử lý, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, sử dụng lòng lề đường trái phép…; kiên quyết xử lý, cưỡng chế những trường hợp vi phạm theo quy định. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, kịp thời kiến nghị với chính quyền các cấp, cơ quan quản lý đường bộ để xử lý, giải tỏa các vi phạm về lấn chiếm hành lang ATGT, lòng lề đường có nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ.

Văn phòng Ban ATGT tỉnh phối hợp với Sở GTVT, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng các nội dung và biện pháp tuyên truyền đẩy mạnh phong trào bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến để động viên, khuyến khích phong trào phát triển ở tất cả các địa phương.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chủ trì phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ rà soát, thống kê, phân loại đầy đủ, chính xác các công trình vi phạm, các công trình cần giải tỏa trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt cho các tổ chức, cá nhân và Nhân dân biết, chấp hành; tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm, dẹp bỏ các bãi tập kết vật liệu trong phạm vi lấn chiếm hành lang giao thông.

Xây dựng kế hoạch, phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông và các lực lượng tại địa phương tổ chức thực hiện cưỡng chế, giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ. Tập trung xử lý: Lấn chiếm lòng, lề đường; xây dựng lều quán, mái vẩy, xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi lên vỉa hè; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu, cây cối che khuất tầm nhìn trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; đấu nối trái phép vào đường quốc lộ, đường tỉnh…

Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, triển khai xây dựng hệ thống đường gom, hệ thống đường nội bộ khu dân cư; lập quy hoạch tổng thể các điểm đấu nối vào các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đề nghị Sở GTVT xem xét trình Bộ GTVT và UBND tỉnh phê duyệt, cấp phép trước khi thực hiện theo quy định.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tiếp nhận và phối hợp với các cơ quan quản lý đường bộ cắm mốc xác định giới hạn phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ, mốc chỉ giới hành lang an toàn đường bộ, quản lý hành lang an toàn đường bộ đã giải tỏa, bảo vệ mốc lộ giới và xử lý các hành vi vi phạm. Công bố công khai mốc giới hành lang an toàn giao thông đường bộ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết, chấp hành. Có hình thức xử lý nghiêm, triệt để đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm trong hành lang an toàn đường sắt cần giải tỏa; phối hợp với UBND các huyện và các xã, thị trấn thực hiện giải tỏa các công trình trong hành lang an toàn giao thông đường sắt; kịp thời phát hiện và phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:19492
Lượt truy cập: 175.722.602