Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới là một chủ trương lớn, được Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo đồng bộ, sâu sát từ Trung ương đến địa phương cơ sở. Tại Nghệ An, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT; trong đó, chú trọng chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm An toàn giao thông (ATGT) đối với các đối tượng là học sinh trong “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9”. Nhờ đó, tình hình TTATGT trong học sinh cơ bản được giữ vững.
Tuy nhiên, tình hình TTATGT cho học sinh vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn gia tăng tai nạn giao thông. Riêng 8 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm chết 08 người, bị thương 13 người. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT của học sinh tham gia giao thông còn hạn chế. Các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT vẫn còn xảy ra phổ biến, với một số lỗi vi phạm chính như: Không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; vi phạm quy định tốc độ; chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện; không có Giấy phép lái xe... Số lượng học sinh sử dụng xe máy dưới 50 cm3, xe đạp điện, xe máy điện chiếm tỷ lệ khá cao và ngày càng gia tăng hàng năm. Trong khi đó nhiều học sinh chưa có ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về TTATGT; một số học sinh còn chưa coi trọng tính mạng, sức khỏe của bản thân; một số phụ huynh, gia đình chưa thường xuyên nghiêm khắc nhắc nhở, khuyên bảo con, em mình trong việc tự giác chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT....
Ban Giám hiệu, Hội Phụ huynh và
học sinh Trường THPT Kim Liên ký cam kết bảo đảm TTATGT
Để triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh, Ban ATGT tỉnh phát động các hoạt động ATGT cho học sinh đến trường với các giải pháp cụ thể: Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các trường học xác định việc thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới là nội dung công tác trọng tâm phải được triển khai thường xuyên, liên tục, được tiến hành đồng bộ, được lồng ghép với các chuyên đề khác có liên quan, phù hợp với từng địa phương, cấp học.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT, kỹ năng tham gia giao thông đối với lứa tuổi học sinh bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, lứa tuổi, cấp học… từ đó hình thành ý thức, nhận thức tạo thói quen, văn hóa chấp hành pháp luật về TTATGT ngay từ khi còn trong lứa tuổi học sinh. Chú trọng xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hay trong công tác bảo đảm TTATGT tại các trường học trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý đối với không gian mạng, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các thông tin tác động tiêu cực đến học sinh, thông tin thiếu chuẩn mực, tăng cường công tác tuyên truyền về TTATGT trên các mạng xã hội, phù hợp với học sinh.
Bên cạnh đó, đề nghị lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh; đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp. Đồng thời, tăng cường phối hợp hơn nữa trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho đối tượng học sinh. Phối hợp tổ chức phân luồng, phòng ngừa chống ùn tắc giao thông tại các khu vực trọng điểm, các khu vực, tuyến đường quanh khu vực trường học trên địa bàn, nhất là trong các giờ đến lớp và tan học.
Các em học sinh thực hành lái xe trên sa hình
Ban ATGT tỉnh cũng đề nghị mỗi học sinh hãy tăng cường nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT; thường xuyên rèn luyện kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông an toàn, xây dựng Văn hóa giao thông. Mỗi người tham gia giao thông hãy luôn ghi nhớ thông điệp “Thượng tôn pháp luật để xây dựng Văn hóa giao thông an toàn”, gương mẫu, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về TTATGT; bắt đầu từ những hành động nhỏ như: Không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện; không điều khiển xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; không đùa nghịch dưới lòng đường, lạng lách, đánh võng; không vượt đèn đỏ; đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện …