Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra xe đưa đón học sinh.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 27 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, với khoảng 200 phương tiện hợp đồng đưa đón học sinh. Dịch vụ đưa đón học sinh đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, góp phần giảm số lượng phương tiện tham gia giao thông, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao, trong khi còn thiếu những quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể, nên còn một số bất cập, như dịch vụ đưa đón học sinh tự phát, chất lượng xe không bảo đảm, ý thức, trách nhiệm một số lái xe chưa cao... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tại Trường THPT Mường Bú, huyện Mường La vùng tuyển sinh của trường khá rộng, có nơi học sinh đi học nhà cách trường 25 km. Do vậy, nhiều phụ huynh đã trực tiếp liên hệ với nhà xe để thuê xe đưa đón con em đi học mỗi ngày.
Bà Bùi Phương Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mường Bú, cho biết: Ngay từ đầu năm học, trường tư vấn cho gia đình, nhóm gia đình học sinh khi ký hợp đồng xe đưa đón học sinh phải chú ý các quy định về đảm bảo an toàn; nắm được danh sách phương tiện, danh sách học sinh ngồi trên xe để phối hợp quản lý, xe đưa đón đã góp phần giúp các em học sinh đi về đúng giờ và đảm bảo an toàn giao thông.
Chị Lò Thị Vui, phụ huynh học sinh Trường THPT Mường Bú, chia sẻ: Nhà tôi cách trường 15 km. Khi có dịch vụ xe đưa đón học sinh, với mức kinh phí thấp, tôi cùng các phụ huynh trong bản đã chủ động liên hệ ký hợp đồng với xe đưa đón, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho con khi đến trường.
Thường xuyên sử dụng dịch vụ xe đưa đón, em Lê Minh Anh, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố, cho hay: Nhà em ở phường Quyết Tâm, cách trường 4 km, bản thân em chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện nên bố mẹ đã đăng ký liên hệ dịch vụ xe đưa đón học sinh, giúp tiết kiệm thời gian, em cũng không cần phải chờ đợi hoặc di chuyển đến trường bằng các phương tiện công cộng khác và luôn được đưa đón an toàn và kịp giờ học ở trường.
Phát huy vai trò trách nhiệm của lực lượng Công an trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Sơn La đã xây dựng và ra mắt mô hình “Doanh nghiệp kinh doanh vận tải an toàn giao thông” với 12 đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh tham gia. Yêu cầu các đơn vị tham gia vận chuyển đưa đón học sinh cam kết không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân chủ quan từ lái xe, nhất là tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với xe hợp đồng vận chuyển học sinh không đảm bảo các điều kiện an toàn, không có phù hiệu do Sở Giao thông vận tải cấp và không có hợp đồng vận chuyển, danh sách học sinh theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; chỉ đạo Thanh tra của Sở phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông đối với xe hợp đồng vận chuyển học sinh. Theo ông Bùi Trọng Thắng - Phó giám đốc Sở GTVT Sơn La, Sở đã thành lập 4 tổ công tác phối hợp với các trường học tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyển học sinh trên địa bàn. Qua kiểm tra 127 phương tiện, đã truyên truyền, nhắc nhở 84 phương tiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 43 trường hợp vi phạm, nộp ngân sách nhà nước gần 70 triệu đồng, tước quyền sử dụng có thời hạn 1 giấy phép lái xe, 3 phù hiệu kinh doanh vận tải.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh ngày càng tăng cao, các lực lượng chức năng, ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hợp đồng đưa đón học sinh; nêu cao trách nhiệm của các đơn vị, lái xe, đảm bảo an toàn cho các em học sinh.
Theo Báo Sơn La