Một trường hợp điều trị tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai
vì ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Ảnh: Báo Nhân dân
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, cuối tháng 6/2024, tiếp nhận bệnh nhân là nam sinh viên một trường đại học tại Hà Nội, nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, tụt huyết áp, tổn thương tim, não. Xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng phát hiện có cần sa tổng hợp.
Theo lời kể của gia đình, buổi sáng ngày trước khi nhập viện, gia đình thấy tiếng động lạ, sau đó phát hiện bệnh nhân đang co giật, bất tỉnh. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện gần nhà, sau đó được chuyển tới Trung tâm Chống độc.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, có tổn thương não, tim, nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy thận.
Đáng lo ngại, khi lấy mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân sử dụng đi xét nghiệm cho thấy trong mẫu này có chứa cần sa tổng hợp. Trước đó, thanh niên này đã có tiền sử sử dụng thuốc lá điện tử từ nhiều năm.
Điều đáng nói, năm 2023, bệnh nhân này cũng đã từng nhập viện điều trị tại Trung tâm Chống độc vì ngộ độc thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, sau khi được điều trị khỏi, thanh niên này vẫn tiếp tục sử dụng thuốc lá điện tử.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nam 19 tuổi nhập viện trong tình trạng xuất hiện cơn đau tức ngực. Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng hơn một tháng trước, bệnh nhân có sử dụng thuốc lá điện tử. Trước khi vào viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau ngực sau xương ức, thành cơn, mỗi cơn kéo dài 15-20 phút, trong cơn kèm khó thở, sốt không rõ nhiệt độ, ho khan mệt mỏi nhiều.
Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh, sau đó được chuyển đến Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai làm xét nghiệm, chụp chiếu và được chuyển sang Trung tâm Hô hấp điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm màng ngoài tim và viêm phổi.
ThS.BS. Vũ Văn Hoài, Phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm: Có những học sinh chỉ mới 13 tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử được 2 năm và cũng thừa nhận đã dùng cần sa. Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng thuốc lá điện tử là vô hại, không gây nghiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá truyền thống khiến số lượng người sử dụng ngày càng tăng, gây nguy hại cho cộng đồng.
Trên thực tế, những trường hợp phải nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như trên không hiếm gặp. Rất nhiều mẫu thuốc lá mới phát hiện chất ma túy, ở đây là cần sa tổng hợp.
Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua liên tục tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân có liên quan đến thuốc lá điện tử. Không ít trường hợp đến viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan… Nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ngộ độc một chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử. Nhiều trường hợp bị ngộ độc khác sau khi sử dụng thuốc lá điện tử như kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận,…
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên thông tin, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, tại Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc thuốc lá điện tử. Trong khi 2 năm 2022 và 2023, chúng tôi tiếp nhận gần 130 ca nhập viện cũng với lý do này. Trong đó, xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy.
Những kiểu tạo hình thuốc lá điện tử như hộp sữa, con thú thu hút
giới trẻ sử dụng của ngành công nghiệp thuốc lá mới
Một khảo sát của Trung tâm Chống độc nghiên cứu đối với mẫu thuốc lá điện tử được 120 bệnh nhân sử dụng cho thấy, trong các mẫu này có 16 mẫu dương tính với ma túy (chiếm tỉ lệ 13,3%). Kết quả xét nghiệm độc chất trong một số bệnh phẩm gửi Viện pháp y, đã phát hiện các chất ma túy với thành phần gồm: ADB-Butinaca, MDMD-butinaca; ADB-4en-pinaca; MDMB-4en-pinaca; EDMB-4en-pinaca; THC; PB-22.
Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, tại nhiều cơ sở y tế khác cũng đã ghi nhận không ít bệnh nhân nhập viện điều trị vì ngộ độc thuốc lá mới (bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng). Điển hình cách đây không lâu, một nam sinh lớp 7 Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM bị chóng mặt phải nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 theo dõi, điều trị trong tình trạng lơ mơ sau nghi do hút thuốc lá điện tử từ nam sinh lớp 9 cùng trường.
Trước đây, đã có hàng loạt vụ việc học sinh phải nhập viện liên quan đến thuốc lá điện tử. Tại Hà Nội từng xảy ra sự việc 7 học sinh Trường tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) bị buồn nôn, đau đầu phải nhập viện kiểm tra sức khỏe sau khi nghịch thuốc lá điện tử.
Vào năm 2023, một số học sinh của Trường THPT Hà Đông (Hà Nội) sau khi sử dụng thuốc lá điện tử có biểu hiện mệt, buồn nôn, ngã ra sàn lớp học... phải nhập viện cấp cứu.
Hay tại Quảng Ninh, cũng từng xảy ra sự việc 4 học sinh lớp 9 nhập viện do ngộ độc nicotine sau khi hút thuốc lá điện tử.
Tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cũng đã từng tiếp nhận điều trị trường hợp bệnh nhân nam 16 tuổi, vào nhập viện vì đau tức ngực, ho khạc đờm và khó thở khi gắng sức. Khai thác tiền sử, người bệnh cho biết có sử dụng thuốc lá điện tử cùng với bạn bè trong thời gian gần đây. Người bệnh cho rằng thuốc lá điện tử ít nguy hiểm hơn thuốc lá truyền thống và bị bạn bè lôi kéo.
Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm máu, đờm, chụp phim cắt lớp vi tính ngực, trên phim chụp cắt lớp vi tính ngực, tổn thương thâm nhiễm rộng thùy dưới phổi phải. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc viêm phổi, nguyên nhân ban đầu nghĩ đến do hút thuốc lá điện tử
Sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế
không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình và toàn xã hội
Theo BS Bùi Mạnh Cường - Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, tình trạng của bệnh nhân khá phức tạp. Mặc dù người bệnh còn rất trẻ, không có bất kỳ bệnh lý nền nào nhưng tổn thương ở phổi lại rất nặng nề, không khác gì ở người cao tuổi. Các bác sĩ đã phải áp dụng những biện pháp điều trị nhằm bảo tồn tối đa chức năng phổi của người bệnh.
Theo báo cáo tổng hợp từ gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện: Chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Trong đó, số người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi từ 65 tuổi trở lên với 580 ca nhập viện, lứa tuổi từ 45-64 có 377 ca nhập viện, lứa tuổi từ 25-44 có 138 ca nhập viện, lứa tuổi từ 19-24 có 58 ca nhập viện, lứa tuổi từ 16-18 có 44 ca nhập viện và lứa tuổi dưới 16 tuổi có 27 ca nhập viện.
Theo mô hình bệnh tật ở nước ta, bệnh không lây nhiễm chiếm đến hơn 77% gánh nặng bệnh tật và nguyên nhân tử vong. Về nguyên nhân của bệnh không lây nhiễm gia tăng có nhiều yếu tố như dinh dưỡng không hợp lý, lười vận động.... trong đó có cả yếu tố sử dụng thuốc lá - đây là yếu tố gây nguyên nhân góp phần làm gia tăng bệnh tim mạch, ung thư...
Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá ở Việt Nam là 108 nghìn tỷ một năm.
Tại Việt Nam, theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình và toàn xã hội. Việc xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ sẽ phá bỏ những thành tựu mà chúng ta đã đạt được qua 10 năm thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Dẫn chứng thực tiễn, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Đáng lo ngại hiện nay, phần lớn người dân và thanh thiếu niên quan niệm thuốc lá điện tử rất đơn giản vì không có nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy. Hiện, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cảnh báo, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác là có hại cho sức khỏe. Nó mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát và hàng loạt bệnh tật mới, vấn đề y tế khác. Đồng thời làm nặng, phức tạp thêm vấn đề thuốc lá thông thường, ma túy. Vì vậy, tuyệt đối không cần đánh giá, nghiên cứu hay cho dùng thử các sản phẩm này.
Không có bằng chứng cho thấy những sản phẩm thuốc lá điện tử,
thuốc lá nung nóng giúp mọi người cai thuốc lá
TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã không ít lần nhấn mạnh không có bằng chứng cho thấy những sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng giúp mọi người cai thuốc lá. Trên thực tế, điều ngược lại là các sản phẩm này đưa nicotin tới mọi người - đặc biệt là những người trẻ tuổi - khiến họ bị lôi cuốn, bị nghiện nicotin.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo nguy cơ sử dụng ma túy với thuốc lá điện tử. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, khi sử dụng thuốc lá điện tử thì khả năng sử dụng ma túy tăng lên rất cao.
PV tổng hợp