Hội nghị có sự tham dự của 10 nước ASEAN do Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia giữ cương vị Chủ tịch và Trưởng đoàn Myanmar là Phó chủ tịch hội nghị.
Bên cạnh 10 quốc gia thành viên ASEAN, Hội nghị còn có sự tham dự của Bộ trưởng GTVT Đông Timor với vai trò quan sát viên.
Các bộ trưởng, trưởng đoàn tham dự Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 30
Tại Hội nghị, bộ trưởng, trưởng các đoàn đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất một số nội dung quan trọng để định hướng hoạt động hợp tác GTVT ASEAN thời gian tới.
Về xây dựng Kế hoạch ngành Giao thông vận tải ASEAN (ATSP) 2026-2030, các bộ trưởng thống nhất tập trung giải quyết các nhu cầu ngày càng tăng về kết nối thông suốt, thương mại toàn cầu, cam kết khí hậu và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo rằng ASEAN duy trì tính cạnh tranh và kết nối trong bối cảnh toàn cầu, hỗ trợ và phù hợp với Kế hoạch Chiến lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2026-2030. Dự kiến Kế hoạch sẽ được thông qua tại Hội nghị ATM năm 2025.
Các bộ trưởng đã thông qua Hướng dẫn ASEAN về phương tiện điện nhẹ nhằm thúc đẩy các lựa chọn giao thông cá nhân và logistics đô thị ít phát thải carbon. Hướng dẫn về Giao thông vận tải hàng hóa đô thị cũng được thông qua, nhằm phát triển hệ thống logistics bền vững và hiệu quả trong các thành phố ASEAN.
Khung tiêu chuẩn ASEAN về An toàn đường bộ Kuala Lumpur 2024 đã được thông qua, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao an toàn phương tiện, quy định an toàn đường bộ, chuẩn hóa biển báo và quy tắc giao thông trong khu vực.
Về hàng hải, các bộ trưởng đã thông qua Hướng dẫn về đối tác công - tư trong lĩnh vực cảng biển và Hướng dẫn về số hóa và tự động hóa cảng, thúc đẩy thực tiễn tốt nhất và vận hành cảng bền vững trong ASEAN.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT
tham dự hội nghị
Phát biểu tại phiên toàn thể của hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm bày tỏ Việt Nam thống nhất với các đề xuất của các quan chức cao cấp (STOM). Những nội dung hướng dẫn về phương tiện điện, số hóa và tự động hóa cảng biển, hợp tác công tư trong phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải hàng hóa trong đô thị đều là các nội dung mang tính thời sự và cấp thiết.
Thứ trưởng cũng giới thiệu những kế hoạch, chương trình mục tiêu trong thực hiện chuyển đổi xanh và cam kết giảm phát thải carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải của Việt Nam, nhằm tiến tới thực thi các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26, đưa mức phát thải ròng của Việt Nam bằng "0" vào 2050.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đánh giá cao hướng dẫn của ASEAN về số hóa và tự động hóa cảng biển là hết sức hữu ích cho các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như các nước ASEAN để ứng dụng trong vận hành khai thác cơ sở hạ tầng.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ký Nghị định thư 5
Tại Hội nghị, được ủy quyền của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cùng Bộ trưởng/Trưởng đoàn GTVT các nước đã ký kết Nghị định thư số 5 về Quyền vận chuyển tạm dừng giữa các điểm trong lãnh thổ của quốc gia thành viên ASEAN khác trong khuôn khổ Hiệp định đa biên ASEAN về tự do hóa hoàn toàn dịch vụ vận chuyển hành khách đường hàng không (MAFLPAS) nhằm thúc đẩy quá trình tự do hóa trong ngành hàng không, cho phép các nước ASEAN mở rộng dịch vụ vận chuyển hành khách một cách linh hoạt và thuận lợi hơn trong khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ký Nghị định thư số 5 về Quyền vận chuyển
tạm dừng giữa các điểm trong lãnh thổ của quốc gia thành viên ASEAN khác
trong khuôn khổ Hiệp định đa biên ASEAN về tự do hóa hoàn toàn
dịch vụ vận chuyển hành khách đường hàng không
Ngoài chương trình chính, Thứ trưởng cũng đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN - Trung Quốc lần thứ 23, Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN - Nhật Bản lần thứ 22, Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 15 và Hội nghị đặc biệt giữa Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN với các Đối tác phát triển (ADB, AIIB, ITF, UNESCAP và WB).
Bên lề hội nghị ATM 30, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đã có cuộc gặp song phương với ông Park Sang Woo, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực GTVT.
Vụ HTQT