Phiên họp nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 14 và bàn các
giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, DA
- Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo các bộ ngành địa phương nơi có các dự án đang triển khai.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 14 phiên họp, Ban Chỉ đạo đã giải quyết được một số công việc cần thiết; nhìn chung công việc tiến triển tốt, tuy nhiên việc giải quyết vấn đề nguyên vật liệu vẫn còn có nơi chưa ổn; việc sử dụng cát biển cho công tác san lấp dù đã có kết luận rồi nhưng vẫn còn vướng mắc.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải khẩn trương vào cuộc, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao; huy động sức mạnh tổng hợp trên công trường, trong đó huy động các lực lượng như phụ nữ, thanh niên tham gia hỗ trợ công trình. Phải bàn, xem vướng gì, vướng ở đâu, ai giải quyết? Giải quyết trong bao lâu? Phải chỉ rõ ai chịu trách nhiệm vì chậm trễ các công trình trong khi Tổ quốc mong chờ, nhân dân hy vọng. Các công trình trọng điểm mà các địa phương được giao nhiệm vụ thì phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tất cả phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tất cả vì lợi ích chung; thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng lúc có tính chất quyết định sự thành công.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tại phiên họp lần thứ 14, Thủ tướng Chính phủ đã giao 83 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án. Trong đó, có 33 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên, hiện đang được các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm báo cáo tại phiên họp.
Về 50 nhiệm vụ cụ thể còn lại, đến nay đã hoàn thành 41 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, gồm các nhiệm vụ chính như Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành thẩm định dự án Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình và dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tỉnh Lạng Sơn về chỉ tiêu đất giao thông tại dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh; hướng dẫn tỉnh Tiền Giang về khai thác cát phần diện tích trùng lấn với luồng và hành lang bảo vệ luồng; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương về chuyển mục đích sử dụng rừng ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2020-2025.
Bộ GTVT thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về triển khai dự án Gia Nghĩa-Chơn Thành; báo cáo Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TPHCM-Long Thành; phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động đợt thi đua tình nguyện tham gia hỗ trợ hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc.
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng
quốc gia, trọng điểm ngành GTVT trên địa bàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
TPHCM hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vành đai 4 TPHCM và trình Thủ tướng Chính phủ.
Thành phố Hà Nội, tỉnh Cao Bằng hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo và cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.
Tỉnh Bình Dương, Sơn La và Thái Bình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, Hòa Bình-Mộc Châu, Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình.
Về tình hình thực hiện các dự án, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, cố gắng, chủ động khắc phục các khó khăn để triển khai công việc, đa số các dự án đang được triển khai bám sát kế hoạch đề ra.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ 14, các địa phương đã tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng và có sự chuyển biến đáng kể, phần diện tích bàn giao tăng trên 20%.
Tuy nhiên tại một số dự án, tiến độ triển khai còn chậm, do còn có một số khó khăn, vướng mắc như phần diện tích giải phóng mặt bằng còn lại chủ yếu là đất ở, việc triển khai xác định nguồn gốc, phương án đền bù phức tạp nên khối lượng tại một số địa phương còn rất lớn, chưa đáp ứng yêu cầu…
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp 15 Ban Chỉ đạo các dự án GTVT trọng điểm
- Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các ngành, địa phương, đơn vị đã quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu vật liệu, huy động lực lượng phương tiện, nhân lực quyết liệt thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án…; đồng thời phê bình nghiêm khắc các đơn vị, địa phương chậm trễ trong triển khai các dự án.
Cho biết, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có các ngày kỷ niệm lớn của đất nước: 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước; là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; cũng là năm về đích quyết định thành công của cả giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khắc phục các khó khăn, nỗ lực triển khai các dự án đúng tiến độ đề ra, sớm đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển đất nước, để nhân dân được hưởng thành quả.
Nhấn mạnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng công trình, môi trường, an toàn lao động tại các công trình, dự án, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý không lấy việc đấu thầu làm nơi trú ẩn an toàn cho tiêu cực, tham nhũng trong triển khai các công trình dự án; yêu cầu thúc đẩy các dự án, góp phần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hoàn thành nhiệm vụ ưu tiên tăng trưởng; triển khai kế hoạch bán quyền khai thác các tuyến đường bộ cao tốc để thu hồi vốn cho các dự án khác; các chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương, đơn vị và các chủ thể có liên quan lên kế hoạch để bù tiến độ đã đánh mất…
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội như Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ… tại địa phương để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường vận động, chia sẻ, giúp đỡ người dân hoàn thành bàn giao mặt bằng các dự án đúng tiến độ yêu cầu; bảo đảm người dân “an cư lạc nghiệp” nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới.
Bên cạnh đó, phải quan tâm, chăm lo đến đời sống của công nhân, người lao động trên công trường; xây dựng kế hoạch chuẩn bị Tết, nhất là với các công nhân, người lao động ở lại thi công xuyên Tết cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt, để người lao động có Tết tuy tạm xa người thân, xa quê hương nhưng gần với niềm vui, hạnh phúc góp sức vào sự phát triển, vào sự phồn thịnh của đất nước, vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trên tinh thần “không để anh chị em, công nhân cô đơn trên công trường”.
Thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ quản đôn đốc các nhà thầu tăng cường máy móc thiết bị, nhân lực thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, “làm việc 3 ca, 4 kíp", “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”; góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các công trình về đích vượt tiến độ đề ra.
Nhấn mạnh việc rà soát các quy định để kịp thời khắc phục các thiếu sót trong pháp lý, thủ tục đầu tư, Thủ tướng lưu ý phải quyết tâm để hoàn thành bằng được mục tiêu đã đề ra, không thể điều chỉnh mục tiêu; phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, hàng đầu thời gian tới để tập trung cho chỉ đạo điều hành.
Đối với một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, đẩy nhanh công tác thẩm định các hồ sơ, trong đó có dự án Tân Phú - Bảo Lộc, Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn qua Xuân Mai - Hòa Bình. UBND các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan liên quan, quyết tâm hoàn thành các thủ tục theo quy định, bảo đảm khởi công các dự án.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương, nhất là các tỉnh Tuyên Quang, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Bạc Liêu và thành phố Đà Nẵng cần quyết liệt, nỗ lực hơn nữa trong tổ chức thực hiện; thực hiện nghiêm Công điện số 80/CĐ-TTg ngày 16/8/2024, bảo đảm hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng còn lại trong tháng 12/2024, làm cơ sở hoàn thành dự án vào năm 2025.
Đặc biệt, về vật liệu xây dựng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre giải quyết ngay thủ tục cấp phép khai thác mỏ theo khối lượng cho các dự án; đồng thời, yêu cầu tỉnh Trà Vinh nêu cao tinh thần trách nhiệm tương trợ nguồn cát sông, cát biển cho các dự án trong vùng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Thủ tướng chỉ rõ, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 538/TB-VPCP ngày 1/12/2024 về việc rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình xử lý cát biển phục vụ hoạt động xây dựng, san lấp, làm cơ sở để các địa phương nghiên cứu, triển khai thí điểm đối với các công trình, dự án trên địa bàn.
Nhấn mạnh nhiệm vụ triển khai các dự án trong kế hoạch hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào năm 2025, Thủ tướng chỉ rõ, mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là cơ quan chủ quản được giao thực hiện các dự án, để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng; tập trung, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt thi công để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, với tinh thần “tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước".
Trong đó, nghiêm túc rà soát, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu của Phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” đã được Thủ tướng Chính phủ phát động vào ngày 18/8/2024 tại tỉnh Đắk Lắk và chỉ tạo tại Công văn số 673/TTg-CN ngày 5/9/2024.
Thủ tướng yêu cầu, các Ban Quản lý dự án cần rút kinh nghiệm thực tế, khẩn trương tổ chức lại thi công trên công trường, thi công nhịp nhàng, đồng thời nhiều vị trí theo nguyên tắc “cuốn chiếu”; xây dựng lại và hoàn thiện đường găng tiến độ; đôn đốc, huy động tổng lực lượng của nhà thầu chính, các nhà thầu phụ, triển khai 24/24 giờ các công việc thực hiện bằng máy móc, thiết bị hiện đại; huy động thanh niên, quân đội, công an... làm công ích các công việc thực hiện bằng thủ công; khẩn trương vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhưng phải đảm bảo an toàn lao động trên công trường.
Giao nhiệm vụ cụ thể liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hạ tầng kết nối; Dự án Nhà ga T3, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và một số các dự án khác theo tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ cơ quan, đơn vị, rõ sản phẩm, rõ thời hạn hoàn thành", Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với đề nghị của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến vốn, chủ trương, quy mô một số dự án, đổi mới hoạt động của Hội đồng thẩm định…
Thủ tướng tin tưởng các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, lực lượng, chủ thể liên quan và nhân dân chung tay thúc đẩy triển khai các dự án, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng.
T.H