Chiều 14/12, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đã có buổi làm việc cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM và Bình Dương; Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam về tình hình thực hiện dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua hai địa phương.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nghe về báo cáo về tiến độ thi công nút giao Tân Vạn.
Báo cáo về tình hình thi công xây dựng nút giao Tân Vạn (dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương), ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay, tổng sản lượng liên danh các nhà thầu đạt 6,06% theo hợp đồng. Sản lượng thực hiện của tất cả các nhà thầu đều chậm so với kế hoạch.
Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng đạt được khoảng 87%; mặt bằng cần di dời tài sản trên đất còn 8,5%; nhà cửa, tài sản còn tranh chấp là 4,5%.
Ông Trần Hùng Việt cho biết, dù mặt bằng còn vướng không nhiều nhưng ảnh hưởng lớn đến việc thi công của liên danh các nhà thầu. Hiện tuyến chính cầu Vành đai 3 đang vướng 4 vị trí làm trụ cầu cạn; hai bên quốc lộ 1 đang vướng 5 đoạn với 10 hộ dân; tuyến song hành cũng còn vướng 5 đoạn.
Không chỉ mặt bằng, việc thi công nút giao Tân Vạn còn khó khăn khác như công địa thi công không liên tục, phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật do địa chất công trình thay đổi. Địa chất tại đáy nền đào một số đoạn sai khác khiến việc thi công gặp khó khăn. Các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến như hệ thống điện, nước, hệ thống thoát nước, cáp quang chưa được di dời; đường dây điện trung thế, hạ thế cắt ngang tuyến không đảm bảo an toàn khi thi công cọc khoan nhồi; chưa có bãi đổ thải...
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn kiểm tra gói thầu XL5 dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Với những khó khăn trên, Ban Giao thông tỉnh Bình Dương kiến nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật, có lộ trình cụ thể để nhà thầu triển khai thi công, đảm bảo tiến độ theo hợp đồng. Đồng thời, kiến nghị tư vấn thiết kế kỹ thuật lập bản vẽ thiết kỹ thuật, điều chỉnh và dự toán phát sinh trình các cơ quan có thẩm quyền để nhà thầu có cơ sở triển khai thi công theo kịp tiến độ đề ra...
Đối với đoạn qua TP.HCM, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM cho biết, dự án có 14 gói thầu xây lắp, trong đó, 10 gói thầu xây lắp chính đang được tăng tốc thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến. Thi công nền đường đoạn xử lý đất yếu bằng đào thay đất đóng cừ tràm, CDM và PVD. Sản lượng thực hiện khoảng 26% giá trị hợp đồng.
Bốn gói thầu còn lại (phục vụ vận hành, khai thác) đang được thẩm định, phê duyệt thiết kế, tiến độ thực hiện theo tiến độ các gói thầu xây lắp chính.
Nút giao Tân Vạn phấn đấu hoàn thành đúng như kế hoạch vào tháng 12/2026.
Về mặt bằng, dự án đoạn qua TP.HCM đã giải phóng mặt bằng đạt 99,8%, còn lại 3 trường hợp chưa đồng ý bàn giao (TP Thủ Đức 1 trường hợp, huyện Bình Chánh 2 trường hợp). Việc di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện cao thế) cũng đã đạt 4/7 vị trí, dự kiến hoàn thành các vị trí còn lại trong tháng 12/2024.
Khó khăn lớn nhất của dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM hiện nay là vật liệu cát. Theo đó, tổng nhu cầu cát đắp nền đường của dự án là khoảng 7,1 triệu m³, mới đưa về công trường được khoảng 1,3 triệu m³. Các địa phương đã tích cực hỗ trợ để đẩy nhanh các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ cát cung cấp cho Vành đai 3, tuy nhiên tiến độ hoàn thành chưa đáp ứng yêu cầu của dự án.
Ban Giao thông TP.HCM đề nghị các địa phương Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre khẩn trương đẩy nhanh các thủ tục liên quan để cấp phép khai thác các mỏ cát cho dự án trong tháng 12/2024.
Gói thầu XL3 Vành đai 3 đã lao lắp nhiều nhịp cầu cạn.
Lắng nghe báo cáo của các đơn vị cũng như kiểm tra thực tế trên công trường, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, Thủ tướng rất quan tâm các tuyến cao tốc kết nối sân bay Long Thành với các trung tâm phát triển kinh tế, đặc biệt là TP.HCM.
Vừa qua, Thủ tướng đã phát động thi đua hoàn thành 3.000km cao tốc trước 31/12/2025. Dự án Vành đai 3 là một trong những tuyến đường quan trọng, liên kết vùng nên kỳ vọng sẽ hoàn thành sớm, kết nối đồng bộ với các tuyến cao tốc và các địa phương.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị đảm bảo tiến độ,
hoàn thành dự án như kế hoạch đã đề ra.
Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, TP.HCM chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng để các nhà thầu, tư vấn giám sát để có mặt bằng, bố trí nhân lực, thiết bị... tập trung thi công, phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2025.
Theo Thứ trưởng, đây là mốc thời gian kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, bắt đầu chuẩn bị cho đại hội Đảng - là một sự kiện chính trị lớn nên các công trình trọng điểm phải được hoàn thành đúng tiến độ, tạo dấu ấn tích cực.
Bên cạnh đó, dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch phấn đấu hoàn thành vào dịp 30/4/2025 để chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam. Dự án đã được đưa vào chương trình nên phải quyết tâm hoàn thành, để bà con đi lại thuận lợi, giảm ùn tắc giao thông, chia tải cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Công nhân làm việc 3 ca, 4 kíp trên công trường Vành đai 3 TP.HCM.
Qua kiểm tra, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá các đơn vị đã có sự phối hợp tương đối tốt, giúp dự án khởi sắc hơn. Tuy nhiên, đề nghị các đơn vị phải chủ động làm việc với các địa phương để xử lý vướng mắc, nhất là vật liệu xây dựng. Đối với các hạng mục không liên quan đến vật liệu cát, đề nghị các nhà thầu tập trung máy móc thiết bị, đẩy mạnh thi công.
Theo Thứ trưởng, các hạng mục này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho dự án.
P.V