Ngày 04/7/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55). Theo quy định của Nghị định số 55, hệ thống pháp chế được tổ chức như sau:
1. Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:
- Bộ, cơ quan ngang Bộ có Vụ Pháp chế;
- Cơ quan thuộc Chính phủ có Ban Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng;
- Tổ chức pháp chế ở các Tổng cục và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Tổ chức pháp chế (hoặc công chức pháp chế chuyên trách) ở các Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.
2. Phòng Pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
3. Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước.
Vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao và tổ chức thực hiện công tác pháp chế (xây dựng pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật, bồi thường của Nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng…).
Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghị định số 55 cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế, theo đó Công chức pháp chế phải là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên; Viên chức pháp chế là viên chức có chức danh nghề nghiệp, có trình độ cử nhân luật trở lên; Người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất năm năm trực tiếp làm công tác pháp luật. Công chức, cán bộ và viên chức pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Nghị định số 55 có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2011 và thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước. Toàn văn Nghị định số 55 được đăng tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ theo địa chỉ http://vanban.chinhphu.vn, hoặc trang tin điện tử Bộ GTVT theo địa chỉ http://vbqppl.mt.gov.vn.