Hai công trình trọng điểm ngành giao thông gồm dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và đường vành đai III giai đoạn 2 Hà Nội (đường trên cao) đang được các nhà thầu thi công với tiến độ "thần tốc". Dự kiến, ngày 30-6, sẽ thông xe toàn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và thông xe gói thầu số 3 (đoạn Thanh Xuân - bắc hồ Linh Ðàm) thuộc dự án vành đai III (giai đoạn 2) Hà Nội - "về đích" trước năm tháng.
Dự án đường vành đai III (giai đoạn 2) Hà Nội dài hơn 8,5 km, được xây dựng theo cấp đường cao tốc đô thị, tốc độ thiết kế 100 km/giờ, mặt cắt ngang bốn làn xe, tổng mức đầu tư gần 5.550 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay JICA (Nhật Bản) và vốn đối ứng trong nước. Gói thầu số 3 là gói đầu tiên được khởi công và sẽ là đoạn thông xe sớm nhất. Gói thầu có chiều dài 3,2 km, Liên danh ba nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (Cienco) 4 - Cienco 8 thi công đến thời điểm này đã gần như đạt 100% khối lượng, bao gồm cả việc thi công kết cấu cầu chính, thảm bê-tông nhựa, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và dải phân cách giữa. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Giám đốc liên danh nhà thầu thi công gói thầu số 3 Khương Thế Duy cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, việc thảm bê-tông nhựa mặt đường chỉ cần thời gian một tuần là hoàn thành. Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, tuyến cao tốc đô thị này có tiến độ thi công vào loại "thần tốc" trong lịch sử ngành giao thông. Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) Vũ Xuân Hòa, đại diện chủ đầu tư khẳng định: "Mục tiêu thông xe gói thầu số 3 vào ngày 30/6, vượt trước tiến độ năm tháng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chủ đầu tư".
Việc thông xe gói thầu này có ý nghĩa rất lớn đối với giao thông Hà Nội, bởi công trình khi đi vào khai thác sẽ kết nối ba trục giao thông huyết mạch ở khu vực phía bắc gồm quốc lộ 1, quốc lộ 5 và Ðại lộ Thăng Long, giảm ùn tắc giao thông khu vực từ Thanh Xuân đến Linh Ðàm. Ngoài ra, hai gói thầu xây lắp chính còn lại của dự án là gói thầu số 2 do nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) thi công và gói thầu số 1 do Liên danh Samwhan (Hàn Quốc) - Cienco 4 thi công cũng đang "tăng tốc" tiến độ, dự kiến thông xe vào cuối tháng 10/2012, rút ngắn thời gian theo hợp đồng khoảng 8 đến 15 tháng. Tuy phấn đấu rút ngắn tiến độ, nhưng quy trình quản lý chất lượng và an toàn lao động vẫn được đặt lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm túc, xuyên suốt toàn bộ dự án. Ông Hi-rô-a-ki Mu-cai-chi, đại diện tư vấn dự án khẳng định, cam kết vượt tiến độ không đồng nghĩa với việc nới lỏng quản lý chất lượng và an toàn lao động. Như vậy, toàn tuyến đường cao tốc đô thị trên cao của Thủ đô có thể hoàn thành, đi vào khai thác trong năm nay.
Chỉ cách đây vài tháng, mục tiêu thông xe toàn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến cao tốc đầu tiên ở miền bắc tưởng như không thể vượt qua do những khó khăn vướng mắc quá lớn về vốn, mặt bằng cũng như cơ chế. Trong khi dự án đường vành đai III (giai đoạn 2) rất thuận về mặt bằng, thì dự án này suốt bảy năm vừa qua luôn phải đối mặt với thách thức lớn cả về mặt bằng, vốn đầu tư cũng như cơ chế, chính sách,... Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh, chủ đầu tư dự án cho biết: Do lãi suất chưa hấp dẫn, việc phát hành trái phiếu công trình của VEC thời gian qua không thành công. Giải quyết khó khăn về nguồn vốn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính ứng vốn cho VEC khẩn trương thi công. Ðồng thời, trong giai đoạn sáu tháng nước rút cuối cùng, VEC đã tiếp cận nguồn vay ngân hàng thương mại hơn 300 tỷ đồng để thanh toán khối lượng với các nhà thầu, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đúng kế hoạch. Ðối với vướng mắc về mặt bằng, VEC phối hợp chặt chẽ các địa phương xóa bỏ các điểm "xôi đỗ", bảo vệ mặt bằng để thi công ngay khi được bàn giao. Trước ngày 15-6, đoạn tuyến dài 30 km còn lại (từ quốc lộ 21 tới nút giao Cao Bồ) chỉ còn hơn 100 m thuộc huyện Ý Yên (Nam Ðịnh) chưa thảm bê-tông nhựa. Ðến nay, mặt bằng đã được các địa phương giải tỏa cơ bản xong. Những đoạn vướng mặt bằng, bàn giao mặt bằng muộn này, VEC đề xuất phương án xử lý kỹ thuật mặt đường, cho phép cắm biển chờ lún khi đưa vào khai thác. Hiện nay, VEC đang đốc thúc các nhà thầu khẩn trương hoàn tất những hạng mục phụ trợ cuối cùng như hộ lan, cọc tiêu, biển báo,... để thông xe toàn bộ dự án.
Sau khi thông tuyến, dự án cao tốc này sẽ kết hợp với đoạn tuyến đầu tiên của Dự án đường vành đai III, hình thành một trục giao thông tiêu chuẩn cao tốc hoàn toàn mới, vận tốc thiết kế lên tới 100 km/giờ gồm bốn làn xe, nối Hà Nội đến Ninh Bình. Tuyến giao thông mới này bắt đầu từ ngã tư Thanh Xuân, chạy trên phần cầu cạn dài bốn km, qua bán đảo Linh Ðàm, kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 20 km. Sau đó, tiếp tục kết nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km, kết thúc tại nút giao quốc lộ 10 tại Cao Bồ (Ninh Bình). Với việc thông toàn tuyến và kết nối các trục giao thông trọng điểm nêu trên, thời gian đi từ trung tâm Hà Nội tới Ninh Bình theo tuyến mới có chiều dài 74 km sẽ chỉ còn chưa đầy một giờ đồng hồ, rút ngắn hơn 40 phút nếu so với hành trình cũ theo tuyến quốc lộ 1 đang xuống cấp và mãn tải.
Theo báo Nhân dân