Ngày 29/6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ban hành Thông tư số 23/2012/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Hiệp định, Nghị định thư về vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa.
Thông tư gồm 4 chương với 22 điều trong đó đề ra những quy định chung, phạm vi hoạt động của phương tiện và cơ quan quản lý vận tải tại cửa khẩu, giấy phép vận tải và tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành.
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn thực hiện Hiệp định và Nghị định thư về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải đường bộ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ giữa hai nước Việt - Trung. Ký hiệu phân biệt quốc gia của Trung Quốc được quy định là CHN. Ký hiệu phân biệt quốc gia của Việt Nam là VN do cơ quan cấp phép phát hành khi cấp giấy phép vận tải. Phương tiện của Việt Nam phải gắn ký hiệu phân biệt quốc gia ở góc phía trên bên phải của kính trước (nhìn từ trong xe) và ở vị trí dễ thấy phía sau.
Về phạm vi hoạt động của phương tiện, đối với vận tải hành khách định kỳ (theo tuyến cố định), phương tiện khởi hành từ bến xe đầu tuyến, đi theo hành trình, dừng nghỉ tại các trạm dừng nghỉ theo quy định và kết thúc tại bến xe cuối tuyến. Đối với vận tải hàng hóa, vận tải hành khách không định kỳ (theo hợp đồng và vận tải khách du lịch) không giới hạn địa điểm khởi hành tại Việt Nam. Phương tiện được hoạt động từ các tỉnh, thành phố của Việt Nam đi qua các cặp cửa khẩu đã được Chính phủ hai nước cho phép đến các địa điểm trong phạm vi quy định trên lãnh thổ của Trung Quốc. Phương tiện được dừng nghỉ tại các trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, bến xe dọc hành trình do hai nước công bố.
Cơ quan quản lý vận tải tại cửa khẩu là Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc Sở GTVT các tỉnh giáp biên giới Việt - Trung có cửa khẩu, được bố trí nhân sự, trang thiệt bị, kinh phí hoạt động, vị trí làm việc tại cửa khẩu để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Cụ thể: Cấp giấy phép vận tải theo quy định, kiểm soát phương tiện Việt Nam và Trung Quốc khi qua lại cửa khẩu; Thống kê số liệu, cập nhật và báo cáo về hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Phối hợp với các cơ quan chức năng khác tại cửa khẩu thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định.
Thông tư cũng quy định rõ điều kiện được cấp giấy phép vận tải, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận tải các loại A, B, C, D, E, F, G, và loại D, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép vận tải, trình tự cấp giấy phép vận tải; cấp lại, gia hạn giấy phép vận tải, đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc; bổ sung, thay thế phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ; ngừng hoạt động tuyến, ngừng hoạt động của phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ; xử lý vi phạm…
Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức quản lý và hướng dẫn hoạt động đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra và xử lý phương tiện vận tải đường bộ và xe công vụ của Việt Nam và Trung Quốc hoạt động qua lại biên giới giữa hai nước. In ấn và phát hành Biển ký hiệu phân biệt quốc gia của Việt Nam, giấy phép vận tải, mẫu giấy phép vận tải theo mẫu quy định; trao đổi giấy phép E, F, G với phía Trung Quốc. Xây dựng, triển khai và hướng dẫn thực hiện phần mềm quản lý hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung….
Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến và triển khai thực hiện Thông tư; đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành các quy định về vận tải đường bộ Việt - Trung; chuẩn bị các điều kiện và tổ chức, quản lý hoạt động bến xe khách, trạm dừng nghỉ, kho, bãi đỗ xe vận tải hàng hóa để tổ chức hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung; tổ chức và quản lý hoạt động bán vé của các đại lý bán vé đi tuyến vận tải hành khách định kỳ trên địa bàn.
Sở GTVT các tỉnh giáp biên giới Việt - Trung có cửa khẩu tổ chức, quản lý hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung trên các tuyến thuộc các tỉnh giáp biên giới; Tiếp nhận, trao đổi các loại giấy phép A,B,C với phía Trung Quốc và cấp cho các đối tượng quy định; Báo cáo UBND tỉnh thành lập, tổ chức và quản lý Trạm quản lý vận tải cửa khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2012./.
Kim Cúc