Ủy ban pháp luật Quốc hội làm việc với TP. Hà Nội về công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT

Thứ tư, 01/08/2012 10:28
Ngày 31/7, Đoàn giám sát của Ủy ban pháp luật Quốc hội khóa XIII đã làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải từ ngày 01/01/2009 đến ngày 30/6/2012 trên địa bàn TP Hà Nội. Dự buổi làm việc, về phía Hà Nội có đồng chí: Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện TP. Về phía Ủy ban Pháp luật Quốc hội có đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban và một số Bộ, ngành Trung ương

Ngày 31/7, Đoàn giám sát của Ủy ban pháp luật Quốc hội khóa XIII đã làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải từ ngày 01/01/2009 đến ngày 30/6/2012 trên địa bàn TP Hà Nội. Dự buổi làm việc, về phía Hà Nội có đồng chí: Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện TP. Về phía Ủy ban Pháp luật Quốc hội có đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban và một số Bộ, ngành Trung ương.

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội: Trong 3 năm, từ năm 2009 đến năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, TP Hà Nội đã tổ chức hơn 965 buổi hướng dẫn; tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT cho hơn 399.912 lượt cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên và nhân dân; đồng thời cung cấp trên 7.982 tin, bài, phóng sự trong lĩnh vực này... Hàng năm, UBND TP đều xây dựng các kế hoạch tuyên truyền Luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, phòng ngừa tai nạn giao thông và giảm thiểu ùn tắc giao thông…

Vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông, trên địa bàn thành phố tuy có giảm nhưng vẫn phức tạp. Cụ thể: năm 2011 tai nạn giao thông trên toàn TP xảy ra 1.027 vụ, làm chết 749 người, bị thương 443 người (giảm 82 vụ, giảm 58 người chết, giảm 35 người bị thương). 6 tháng đầu năm 2012, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 415 vụ, làm chết 312 người, bị thương 213 người (so với cùng kỳ năm 2011 giảm 55 vụ, giảm 55 người chết, giảm 52 người bị thương)...

Trong 6 tháng đầu năm 2012, đi sai phần đường, làn đường 42.442 trường hợp (tăng 66% so với cùng kỳ 2011), vượt tốc độ 10.197 trường hợp, vi phạm nồng độ cồn 3.467 trường hợp, dừng đỗ sai quy định 24.501 trường hợp, chở quá tải 496 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 110.970 trường hợp... Phạt tiền hơn 145 tỷ đồng. Trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, trên địa bàn TP có tổng số 13.905 trường hợp vi phạm, phạt tiền 9.280.155.000 đồng.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, Hà Nội còn có những tồn tại hạn chế đối với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT chưa được duy trì thường xuyên, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT thiếu đồng bộ, việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết, thường xuyên. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao.

Để việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải được thuận tiện, Hà Nội kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt tăng nặng với một số hành vi vi phạm, giảm mức phạt tiền với một số hành vi lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, lòng đường, quy định thêm một số biện pháp cho các lực lượng được áp dụng biện pháp tạm giữ biển số xe ô tô... Đối với Nghị quyết 32/2007/NQ-CP và Nghị định 34/2010/NĐ-CP đều có quy định đình chỉ, tịch thu các phương tiện xe ba bánh, bốn bánh tự chế, nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn và giải quyết của các Bộ, ngành Trung ương hoặc cơ quan liên quan nên dẫn đến tình trạng quá tải trong việc tạm giữ và quản lý các phương tiện này. Trong lĩnh vực giao thông đường thủy, theo Nghị định 60/2011/NĐ-CP còn có những hình thức phạt bổ sung như "Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính". Thực tế trong xử lý, không để tịch thu được phương tiện vi phạm vì những tàu vi phạm thường là nơi cư trú của cả gia đình người vi phạm, về giá trị kinh tế lại gấp nhiều lần so với hình phạt chính và thường là tài sản thế chấp tại ngân hàng; bên cạnh đó hiện tại lực lượng cảnh sát đường thủy Hà Nội chưa có kho chứa tang vật, bãi tạm giữ phương tiện, nên việc thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm gặp nhiều khó khăn...

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý đánh giá: TP Hà Nội thời gian qua, tình hình giao thông và ùn tắc giao thông có chuyển biến tích cực, nhất là 6 tháng đầu năm 2012, Hà Nội giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính, Hà Nội đã có sự quan tâm hơn và thực hiện nghiêm, đúng pháp luật. Với những hạn chế và tồn tại, Hà Nội cần tiếp tục khắc phục và có cách làm kiên quyết, chủ động hơn. Để tiếp tục thực hiện tốt việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý yêu cầu, thời gian tới, TP Hà Nội nên giao trách nhiệm cho thanh niên và có cách làm đồng bộ hơn nữa để thực hiện công việc này.

Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã tiếp thu ý kiến và hứa sẽ cố gắng triển khai hiệu quả hơn nữa, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn đối với giao thông vận tải Thủ đô.

Theo Hanoi Portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:8938
Lượt truy cập: 181.424.321