Tại Hội nghị biểu dương những tấm gương quần chúng tiêu biểu tham gia xây dựng giao thông và bảo đảm trật tự ATGT diễn ra sáng 25/8 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 19 tấm gương có thành tích đặc biệt xuất sắc trong hơn 180 đại biểu ưu tú trong tham gia xây dựng giao thông và bảo đảm TTATGT.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
cho 19 đại biểu có thành tích đặc biệt xuất sắc
Danh sách 19 đại biểu được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ:
1. Anh Phan Văn Hưng, nông dân tại thôn Bản Châu, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Anh đã góp tiền của và công sức xây dựng 1 cây cầu bằng cáp treo bê tong, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân địa phương.
2. Ông Trương Trọng Sứ, thương binh 4/4 ở Xóm 1A, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông đã tự nguyện góp tiền, hiến đất, vận động bà con trong xóm góp công, góp của để làm đường giao thông thôn xóm.
3. Ông Hồ Văn Thọ, nông dân tại thôn 3, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông đã tự nguyện hiến 1.500 m2 đất để xây dựng và mở rộng đường giao thông của thôn.
4. Ông Hoàng Văn Phúc, nông dân ở thôn Pia 1, xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Gia đình ông Phúc đã hiến 4.190 m2 đất và động viên người dân trong thôn cùng hiến đất làm đường.
5. Ông Nguyễn Quang Đông, nông dân tại thôn 8, xã Đắk Bukso, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông. Gia đình ông đã hiến 6.500 m2 đất và 950 triệu đồng để làm đường giao thông thôn xóm.
6. Ông Lê Xuân Khánh, thương binh 2/4 tại xóm 8, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông đã vận động gia đình tham gia hiến đất 650 m2 để làm đường giao thông.
7. Ông Võ Văn Hóa, nông dân ấp Mỹ Phước II, xã Mỹ Quý, Tháp Mười, Đồng Tháp. Ông đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhiều cây cầu, giúp cho giao thông đi lại tại địa phương được thuận tiện hơn.
8. Ông Lê Văn Hiệu, nông dân ở thôn 6, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ông và gia đình đã tham gia cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu những người bị thương, đưa người bị nạn lên bờ… trong vụ tai nạn thảm khốc trên sông Sêrêpôk
9. Thiếu tá Nguyễn Hữu Minh, Phó trưởng trạm KSGT Tùng Diễn, Phòng PC67, Công an tỉnh Lạng Sơn. Ông là người trực tiếp tuyên truyền cho trên 3.200 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh về các quy định đảm bảo TTATGT trên QL1A.
10. Trung tá Vũ Đình Sơn, Đội trưởng, Đội TTKSGT 1-18, Phòng PC67, Công an tỉnh Quảng Ninh. Ông là đội trưởng Tuần tra Kiểm soát Giao thông tâm huyết với nghề, góp phần hạn chế TNGT, đảm bảo ANTT trên địa bàn.
11. Ông Nguyễn Anh Tuấn, lái tàu bậc 3/3, Đội trưởng Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn, Liên hiệp sức kéo đường sắt. Ông đã góp phần giảm thiểu đáng kể số vụ va quệt, tăng tỷ lệ tàu đi đến đúng giờ, tiết kiệm nhiều nhiên liệu… đảm bảo an toàn chạy tàu trong nhiều năm liền.
12. Chị Nguyễn Thị Nhàn, công nhân gác chắn, Cung chắn Huế, Đội quản lý đường sắt 4, Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên. Chị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo chạy tàu tuyệt đối, kịp thời xử lý phũng vệ ngừng tàu khẩn cấp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tàu… Bản thân đang mang thai 6 tháng nhưng vẫn dũng cảm cứu cháu bé 2 tuổi khi đoàn tàu đang đến gần.
13. Anh Lưu Văn Trung, đội viên Đội an toàn giao thông và Dịch vụ Công ích thuộc Đội Thanh niên xung phong tỉnh Bình Dương. Anh và đội an toàn giao thông và Dịch vụ Công ích đã hỗ trợ cảnh sát giao thông tham gia điều kiển giao thông, đảm bảo TTATGT tại địa phương.
14. Ông Nguyễn Thành Long, cựu chiến binh tại Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Dù đã trên 80 tuổi nhưng ông vẫn hàng ngày đi nhặt đinh ở quốc lộ, góp phần hạn chế tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông.
15. Ông Trần Minh Trung, là công nhân làm thuê tại tổ 4, ấp Phước Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ. Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ông vẫn tự nguyện tham gia vá đường, đảm bảo ATGT tại địa phương
16. Ông Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, là trường dành cho người khiếm thị tại TP Hồ Chí Minh. Ông là người giúp “định hướng di chuyển” cho những người khiếm thị tham gia giao thông an toàn từ năm 1988 đến nay.
17. Anh Phạm Công Xuân ở phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Anh đã chế ra chiếc xe hút đinh, ngày ngày trên đường rong ruổi hút đinh để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường.
18. Anh Nguyễn Văn Sáng, nông dân xóm 7, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Từ năm 2006 đến nay, anh Nguyễn Văn Sáng đã xả thân cứu được 20 người thoát chết đuối trên dòng sông Lam.
19. Anh Lê Văn Tùng, giáo viên trường THCS Cẩm Xuyên, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Anh đã tự bỏ tiền mở lớp dạy bơi miễn phí cho em nhỏ ở vùng thường xuyên đối mặt mưa lũ. Gần 8 năm hoạt động (2005-2012), lớp học của thầy Tùng đã dạy bơi miễn phí cho hơn 2.000 em vùng thường xuyên xảy ra mưa lũ./.
Kim Cúc