Theo kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) toàn tỉnh Tuyên Quang làm 2.183,88 km đường bê tông nông thôn. Tính đến hết tháng 9-2012 các địa phương đã làm được 1.090,21km, đạt gần 50% kế hoạch 5 năm. Kết quả này thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng cao từ các cấp ủy Đảng, chính quyền đến các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên kết quả trên mới chỉ là bước đầu, bởi hiện trong tỉnh có 4 huyện là: Chiêm Hóa, Yên Sơn, Nà Hang, Lâm Bình có nhiều xã, thôn bản nằm trong vùng 135, kinh tế còn nhiều khó khăn, đường thôn bản dài, vật liệu cát sỏi khan hiếm.
Đồng chí Phạm Anh Sơn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Sơn cho biết: Yên Sơn có khoảng 800 km đường thôn bản, thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn, hơn 1 năm qua huyện đã bê tông được 294,6 km/508 km, đạt 60% kế hoạch 5 năm (2011 - 2015); riêng 9 tháng năm 2012 làm được 136 km đạt 144% kế hoạch năm. Số đường bê tông đã làm được tập trung nhiều ở các xã vùng thấp, điều kiện kinh tế - xã hội khá phát triển. Số còn lại chủ yếu ở các xã vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 40% như: Kiến Thiết, Hùng Lợi, Qúy Quân, Trung Minh… Tại các xã này, đường thôn có nơi đến 5 km dốc núi, các hộ dân lại ở phân tán nên rất khó trong việc huy động bà con đóng góp làm đường.
Theo thống kê, tổng hợp của của Phòng Kinh tế - Hạ tầng Yên Sơn, mức đóng góp làm đường bê tông của người dân ở các xã vùng khó khăn thường cao hơn 20% so với mức đóng góp của người dân ở những xã vùng thấp gần trung tâm huyện. Vì tiền công cước chuyên chở vật liệu (cát, sỏi) cao, có thôn ở vùng sâu phải mua cát lên tới 280.000 đồng/m3. Vì thế tại các xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện mới triển khai làm được rất ít như: Kiến Thiết, Trung Trực, Quý Quân, Công Đa... Ông Nguyễn Kim Dẩu, Chủ tịch UBND xã Quý Quân cho biết, hiện nay việc khó nhất trong làm đường bê tông nông thôn của xã là khan hiếm nguồn vật liệu cát, sỏi. Để có vật liệu làm đường, các thôn trong xã phải mua ở tận huyện Chiêm Hóa hoặc xã Xuân Vân nên cước vận chuyển đội lên hơn 200.000 đồng/m3, đường thôn lại nhỏ lẻ, phân tán, vượt quá khả năng đóng góp của người dân.
Huyện Chiêm Hóa có 1/3 số xã nằm trong vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60% như Trung Hà, Kiên Đài, Yên Lập, Linh Phú… Những xã này cách trung tâm huyện từ 30 km trở lên, đường thôn bản dài, gập ghềnh, dân cư thưa thớt, điều kiện sống còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư làm đường giao thông thôn bản gặp rất nhiều khó khăn. Xã Trung Hà cách trung tâm huyện lỵ Chiêm Hóa trên 40 km, vẫn là xã vùng 135, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 61%, kinh tế chủ yếu từ sản xuất nông lâm nghiệp, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 700 nghìn đồng/người/tháng trong khi đó hệ thống đường thôn bản lên đến 36 km, nên bê tông hóa đường thôn bản là một thách thức lớn đối với chính quyền và nhân dân trong xã.
Anh Ma Văn Bào, Chủ tịch UBND xã Trung Hà (Chiêm Hóa) cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn song bà con trong xã ủng hộ rất cao chương trình làm đường bê tông nông thôn, đến nay xã đã thực hiện bê tông được gần 10/36 km đường thôn, bản bằng cách đóng góp hợp lý với điều kiện kinh tế của từng thôn, như: đóng góp theo hộ, theo khẩu, theo lao động chính của từng hộ và vận động những hộ có điều kiện kinh tế ủng hộ thêm... Để làm được 1km đường bê tông thôn, bản, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước bà con trong xã đóng góp thêm 305 triệu đồng. Hiện nay, cái khó nhất của xã là các tuyến đường thôn khá dài. Cả xã có 18 thôn, thì có 4 thôn đường trục thôn dài trên 3 km, dân cư lại sống thưa, đa số là hộ nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên để giúp xã hoàn thành chỉ tiêu làm đường bê tông ở những thôn này phải cần thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước và cộng đồng.
Lường trước những khó khăn trong quá trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, mới đây các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã họp và thống nhất nhiều giải pháp. Trong đó tập trung lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; các chương trình, dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình 135 giai đoạn 3... qua đó tăng thêm nguồn lực cho các xã thực hiện chương trình. Cùng với đó tiếp tục huy động sức mạnh cộng đồng và các tổ chức, cá nhân; các doanh nghiệp trung ương, địa phương đóng trên địa bàn, đóng góp vật liệu, tiền, thiết bị thi công hỗ trợ cho các xã về khai thác, vận chuyển vật liệu. Đôn đốc các đơn vị cung ứng xi măng, ống cống chủ động sản xuất, cung ứng kịp thời đảm bảo chất lượng, tiến độ làm đường bê tông của các xã. Tăng cường làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp từ huyện đến cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để tổ chức chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện theo tiến độ đề ra. Các thành viên trong ban chỉ đạo cấp xã nắm chắc các tuyến đường của từng thôn bản được giao phụ trách để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất giải quyết những vướng mắc tại cơ sở, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân./.
Theo báo Tuyên Quang