Từ ngày 29 đến 30/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN (ATM) lần thứ 18, ATM+Trung Quốc lần thứ 11, ATM+Nhật Bản lần thứ 10 và ATM+Hàn Quốc lần thứ 4 tổ chức tại Bali, Indonesia.
Hội nghị ATM 18 và ATM với các nước đối thoại được tổ chức tiếp theo Hội nghị các Quan chức cao cấp GTVT ASEAN (STOM) lần thứ 34 và các Hội nghị STOM với các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức từ ngày 26 đến 28/11.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết hướng tới thực hiện kịp thời và hiệu quả các biện pháp và sáng kiến nhằm tăng cường kết nối GTVT ASEAN như đã đề ra trong Kế hoạch xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) và Kế hoạch hành động Brunei (BAP) - Kế hoạch chiến lược GTVT các nước ASEAN (ASTP) giai đoạn 2011 - 2015 để hỗ trợ hiện thực hóa AEC vào năm 2015.

Các Bộ trưởng dự Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN (ATM) lần thứ 18
Các Bộ trưởng hài lòng với những tiến bộ đáng kể của các quan chức cao cấp và các nhóm công tác trong việc thực hiện BAP và các biện pháp liên quan đến GTVT trong MPAC và giao nhiệm vụ cho các quan chức cao cấp và các nhóm công tác đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp ưu tiên quan trọng và phối hợp với các bên liên quan để giải quyết các thách thức phải đối mặt khi thực hiện các biện pháp này.
Về hàng không, Hội nghị đã thông qua tầm nhìn “Bầu trời ASEAN sẽ trở thành một khối không phận thông suốt trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, với hệ thống khai thác, phương thức hài hòa và tương tác”, được xây dựng trong Kế hoạch hành động quản lý hoạt động bay theo khuôn khổ hiện thực hóa Thị trường hàng không thống nhất ASEAN (ASAM). Một trong những mục đích của Tầm nhìn này là nhằm tăng cường năng lực hàng không ASEAN đồng thời tăng độ an toàn cũng như cải thiện các luồng giao thông trên các đường bay hiện có và/hoặc mới thành lập.
Các Bộ trưởng ghi nhận tiến bộ đạt được trong đàm phán về Gói Cam kết thứ 8 về dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không thuộc Hiệp định Khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) và giao các quan chức cao cấp và các nhóm công tác có liên quan kết thúc các cuộc đàm phán và hoàn tất Nghị định thư Gói Cam kết thứ 8 về dịch vụ vận tải hàng không thuộc AFAS để ký kết tại cuộc họp ATM tiếp theo.
Đối với vấn đề tạo thuận lợi vận tải, các Bộ trưởng hoan nghênh các nỗ lực tạo thuận lợi vận tải thông suốt cho người dân trong khu vực và nhất trí thành lập Nhóm chuyên gia Hoàn thiện Hiệp định khung ASEAN về Vận tải hành khách qua biên giới bằng đường bộ (CBTP) nhằm kết thúc CBTP phù hợp với mục tiêu đã đặt ra trong ASTP/BAP và MPAC.
Theo đó, việc thực hiện các hiệp định tạo thuận lợi vận tải ASEAN là công việc ưu tiên của Ban điều phối vận tải quá cảnh ASEAN (TTCB) trong thời gian tới và kêu gọi các nước thành viên ASEAN đẩy nhanh việc hoàn thành tất cả các quy định và thủ tục cần thiết để thực hiện các hiệp định và tiếp tục cải thiện việc thực hiện vận tải qua lại biên giới ở các cấp độ tiểu vùng và song phương.
Đối với lĩnh vực hàng hải, Hội nghị nhất trí việc thành lập Tổ công tác để xem xét khả năng xây dựng Bản ghi nhớ về công nhận chứng chỉ hành trình gần bờ (NCV) do các nước thành viên ASEAN cấp.
Nhận thức được sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa các tổ chức liên quan đến TKCN nhằm thực hiện hoạt động TKCN hiệu quả trong khu vực, Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN đã nhất trí thành lập Diễn đàn TKCN Giao thông vận tải ASEAN.
Cũng tại Hội nghị, các Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các quan chức cao cấp trong việc kết thúc đàm phán Nghị định thư số 2 về trao đổi Thương quyền 5 giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc theo Hiệp định Vận tải hàng không ASEAN – Trung Quốc và nhất trí các nước sẽ hoàn tất thủ tục nội bộ để ký kết trước Hội nghị ATM - Trung Quốc năm 2013.
Hội nghị cũng ghi nhận việc hoàn thành và xuất bản “Sách các cách tiếp cận tốt nhất”, tập hợp những kinh nghiệm thành công trong việc xây dựng chính sách môi trường GTVT tại các nước ASEAN và Nhật Bản để làm tham chiếu cho các nước ASEAN và Nhật Bản trong việc phát triển giao thông xanh. Hội nghị các Bộ trưởng GTVT ASEAN cũng nhất trí rằng việc phát triển GTVT an toàn, đảm bảo an ninh, xanh và thân thiện với người sử dụng sẽ là chủ đề chính trong việc hợp tác GTVT ASEAN - Nhật Bản thập kỷ tới.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đề cập đến tiến độ thực hiện Lộ trình hợp tác giao thông vận tải ASEAN - Hàn Quốc trong năm 2012 và đề nghị Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật đối với các dự án chiến lược như dự án phát triển đường sắt và cảng. Các Bộ trưởng yêu cầu các quan chức cao cấp đẩy nhanh việc xây dựng Hiệp định Vận tải hàng không ASEAN-Hàn Quốc.
Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN lần thứ 19 và Hội nghị ATM với các nước đối tác sẽ được tổ chức tại Lào vào năm 2013.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào, Bộ trưởng GTVT Thái Lan để trao đổi về việc mở rộng phạm vi hoạt động của phương tiện trên tuyến hành lang Đông Tây và việc bổ sung tuyến đường 8 và đường 12 vào danh mục tuyến thực hiện Hiệp định GMS.

Bộ trưởng Đinh La Thăng làm việc với Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào
Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã có buổi gặp song phương với Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển hạ tầng GTVT, quản lý giao thông đô thị, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Bộ trưởng Đinh La Thăng gặp mặt song phương với Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia
Ngày 30/11/2012, Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bộ trưởng Giao thông Công chính Campuchia đã ký Bản sửa đổi Bản ghi nhớ về loại và số lượng phương tiện thương mại thực hiện Hiệp định và Nghị định thư giữa Việt Nam và Campuchia về Vận tải đường bộ nhằm tăng số lượng phương tiện thương mại đối với vận tải qua biên giới hai nước lên 500 xe.

Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bộ trưởng Giao thông Công chính Campuchia ký Bản sửa đổi Bản ghi nhớ
Vụ Hợp tác quốc tế