Những năm qua, phong trào hiến đất làm đường ở xã An Phú (Tịnh Biên, An Giang) được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều hương lộ xuyên qua khu vườn, đồi thẳng tắp đã thổi thêm sức sống mới trên vùng đất núi này.
Ngày đầu năm, chúng tôi chạy qua hương lộ Ô Sâu được địa phương mở mới và hoàn thành đúng vào dịp 27 Tết. Con đường mới toanh, xe cộ chạy bon bon. Nhìn con đường nằm vắt ngang khu vườn của mình, ông Bùi Thanh Hùng (47 tuổi) không giấu được niềm vui. Ông nói, trước đây mỗi lần vào vườn thu hoạch huê lợi mà ngán ngẫm. Mảnh đất nhà ông Hùng nằm sâu trong triền núi Dài nhỏ, cây cối um tùm. Nếu muốn đến được tận nơi phải thức từ sáng sớm rồi lần theo đường ô, vạch cỏ mà đi. Cực nhất là khi đến vụ thu hoạch khoai mì, xoài thì cả gia đình ông Hùng phải gánh ra tận lộ thương lái mới chịu mua. Còn bây giờ, “tôi thu hoạch 7 công mì, thương lái vào tận vườn mua sô với giá 3.000 đồng/kg, sau khi trừ đi tất cả chi phí bỏ túi ngót nghét 10 triệu đồng. Tới đây, tôi chuẩn bị thu hoạch xoài trái vụ cũng bán tại vườn, kiếm được khoảng vài chục triệu đồng. Từ khi có con đường này, không chỉ riêng tôi mà các nhà vườn tại Ô Sâu ai cũng phấn khởi và chí thú làm ăn”, ông Hùng bộc bạch.
Hương lộ Ô Sâu nằm vắt ngang triền núi Dài nhỏ tiếp giáp giữa ấp Phú Hòa (An Phú) với Tỉnh lộ 948 đoạn xã Thới Sơn. Con đường có chiều ngang khoảng 7 m, dài 2,9 km, toàn bộ số đất do 40 hộ dân trong và ngoài xã tự nguyện hiến mà chẳng lấy một xu. Ông Bùi Thanh Hùng chia sẻ thêm: “Nói đến việc hiến đất làm đường thì dân ở đây ủng hộ hết mình khi chính quyền địa phương đến vận động. Còn nhớ, cách đây khoảng 2 năm, khi đang làm vườn thì đoàn cán bộ xã An Phú đến tận vườn để vận động hiến đất, hiến cây mở mới hương lộ, tôi đồng ý ký biên bản cái rụp. Thấy tôi mạnh dạn hiến nửa công đất vườn, ông Chau Bot ở xã Văn Giáo đang làm vườn cạnh đó cũng lại ký biên bản hiến thêm chiều ngang phần đất của ổng khoảng 3,5 m, dài gần 200 m…”.
Đang vun lại liếp đất để chuẩn bị trồng mì cho vụ sau, ông Chau Bót cười tươi: “Xác định việc hiến đất làm con lộ Ô Sâu là việc cần phải làm ngay nên tôi nhiệt tình hưởng ứng. Phần đất này, tôi chia cho tụi nhỏ mấy năm nay, nhưng khi Nhà nước cần để làm đường mang ý nghĩa thiết thực cho bà con thì tôi sẵn sàng ủng hộ. Vừa rồi, con đường hoàn thành đưa vào sử dụng, xe cộ chạy tận nơi, thiệt sướng! Dự định mùa mưa đến, tôi tăng gia sản xuất trên mảnh vườn của mình để tăng thu nhập gia đình”.
Còn ông Võ Văn Minh, người hiến hơn công đất vườn để làm hương lộ Ô Sâu, bày tỏ: “Tôi sản xuất được 60 công vườn nằm lọt thỏm ở Ô Sâu. Hồi đó, mỗi lần gánh xoài, mít ra bán cực trần thân. Khi mùa khô đến, sợ nhất là cảnh gánh nước tưới xoài. Ngoài ra, nếu ai đó hút thuốc quăng đại dưới cỏ khô mà xảy ra chuyện cháy rừng thì có nước bỏ chứ làm sao chữa nổi. Còn bây giờ ngoài chuyện thương lái vào tận vườn thu mua cây trái, con đường còn giải quyết cấp bách vấn đề phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô…”.
Phó Chủ tịch UBND xã An Phú, Lê Hữu Nghĩa cho biết, Hương lộ Ô Sâu được đưa vào sử dụng đã giải quyết nhu cầu cấp thiết cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản, trái cây và phân bón cho nhà vườn. Đồng thời, trong tương lai gần, địa phương sẽ phát triển thêm các dịch vụ, du lịch tại khu vực Ô Tà Bang. Có thể khẳng định, nhiều năm qua, xã An Phú là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, trong đó có sự đóng góp to lớn của nhân dân bằng việc hiến đất, hiến cây mở những con lộ trải dài. Cụ thể, xã đã mở được hương lộ 6, hương lộ 5, hương lộ sóc Tà Ngáo, hương lộ trạm liên hợp…, bình quân mỗi hương lộ có chiều dài khoảng 2,5 km.
Nguồn: Báo An Giang