Về xã Bá Xuyên (T.X Sông Công, Thái Nguyên) những ngày đầu xuân mọi người sẽ cảm nhận được niềm vui của người dân nơi đây. Trên con đường nội đồng thuộc 2 xóm Chũng Na và Ao Cang, người dân đi lại tấp nập. Dưới soi chè, các bà, các chị đang nhanh tay hái những búp chè xuân mơn mởn. Họ không chỉ vui vì chè “được mùa” mà hơn thế nữa từ năm nay, bà con được đi lại trên con đường rộng rãi…
Là 1 trong 36 hộ dân đã hiến đất trồng chè để làm đường, gia đình bác Đồng Văn Tặng, xóm Ao Cang (xã Bá Xuyên) đã hiến gần 200 m2. Trên soi chè chuẩn bị được thu hái, bác Tặng phấn khởi cho biết: “Làm con đường này lợi cả đôi đường. Giờ chúng tôi đi hái chè cũng đỡ vất vả, có thể mang xe xuống tận nơi để chở về, người vào mua chè cũng đông hơn năm trước. Có đường to, đẹp, con cháu mình sau này có ô tô thì cũng có thể vào tận nhà. Các tổ chức xã hội đều chung tay xây dựng nông thôn mới, cớ gì người dân chúng tôi không góp công, sức, cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương.
Đưa người nhà ra điểm đợi xe buýt, nơi giao nhau giữa đường bê tông nội đồng với tỉnh lộ 262, bác Nguyễn Thế Sửu, người dân xã Bình Sơn chia sẻ: “Trước đây, con đường này chỉ rộng chừng 1m, đường đất, lầy lội rất khó đi. Để ra đây bắt xe, chúng tôi phải đi đường khác, xa gấp 3 lần. Nay con đường được đưa vào sử dụng, từ nhà tôi ra đây chỉ mất 5 phút…”
Con đường đi qua cánh đồng chè được hoàn thành đã làm nức lòng người dân Bá Xuyên và các xã lân cận. Đó là thành quả của phong trào "công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) chung tay xây dựng nông thôn mới" do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã Sông Công phát động vào tháng 7 năm 2012. Ngay trong ngày đầu phát động phong trào, LĐLĐ thị xã đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đội ngũ cán bộ công đoàn và các công đoàn cơ sở. Sau lễ phát động, LĐLĐ thị xã đã thu được gần 16 triệu đồng. Sau một tháng, LĐLĐ đã thu được trên 100 triệu đồng. 100% công đoàn cơ sở đều tham gia đóng góp, trong đó có một số đơn vị công đoàn đi đầu như: Bệnh viện C, Công đoàn khối Dân vận, khối Chính quyền thị xã… Được sự chỉ đạo của UBND thị xã, LĐLĐ đã lựa chọn con đường đi qua khu Dự án chè của xã Bá Xuyên (1 trong 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới của thị xã) để đầu tư, xây dựng.
UBND xã Bá Xuyên được giao nhiệm vụ phối hợp cùng với LĐLĐ thị xã vận động nhân dân hiến đất làm đường. Lúc đầu, việc vận động gặp không ít khó khăn, bởi một số hộ dân chưa thấy rõ được lợi ích mà con đường mang lại. Để dân hiểu, dân theo, cán bộ xã, các xóm và LĐLĐ thị xã đã đến từng hộ dân có ruộng trong khu vực cần giải phóng mặt bằng để tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, sau 2 tháng tuyên truyền, đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân. 36 hộ dân đã hiến hơn 1.200 m2 đất để mở rộng con đường. Sau 5 tháng vừa vận động, vừa triển khai, con đường dài trên 700m, rộng 3m được làm theo tiêu chí đường nội đồng trong xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu của đi lại của bà con nhân dân. Tổng kinh phí xây dựng con đường lên tới trên 700 triệu đồng, trong đó trên 100 triệu đồng do LĐLĐ thị xã vận động CNVCLĐ đóng góp và 112 tấn xi măng do tỉnh hỗ trợ, cùng hàng trăm ngày công giải phóng mặt bằng, làm nền đường do nhân dân, đoàn viên công đoàn xã và các đơn vị khác đóng trên địa bàn đóng góp.
Trong khí thế nhộn nhịp sản xuất đầu năm, ông Đặng Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên vui mừng cho biết: “Con đường được các cấp, ngành, đặc biệt là LĐLĐ thị xã chung sức xây dựng đã mang lại ý nghĩa rất thiết thực. Không những bà con có đường đi lại dễ dàng, thuận lợi cho thông thương, buôn bán mà còn giúp nhân dân nhận thức rõ hơn về phong trào này, cùng nhau góp sức xây dựng nông thôn mới...”
Việc phát động phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới trong CNVCLĐ tại địa phương, ông Đào Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Sông Công cho biết: “Xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các cấp công đoàn luôn hướng tới, thực hiện. Với gần 5.600 CBVCLĐ, sinh hoạt tại 61 đơn vị công đoàn trên địa bàn thị xã, chúng tôi xác định, mỗi đoàn viên, cơ sở đoàn cần phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp, nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đối với công đoàn xã, mỗi đoàn viên phải là một tuyên truyền viên tích cực, vận động người dân thực hiện các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới. Để tiếp tục phát huy vai trò của CNVCLĐ, năm nay, chúng tôi sẽ gắn phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua của Công đoàn, qua đó đánh giá, xếp loại công đoàn. Theo đó, mỗi đơn vị công đoàn trên địa bàn sẽ thực hiện 1 phần việc, hoặc 1 công trình cụ thể…”
Có thể nói, phong trào “CNVCLĐ chung tay xây dựng nông thôn mới” do LĐLĐ thị xã Sông Công phát động đã mang lại hiệu ứng sâu rộng, giúp nâng cao nhận thức và hành động của từng tập thể, cá nhân. Với sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân, tin rằng, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến năm 2020 sẽ thành công.
Nguồn: Báo Thái Nguyên